Vụ án Epco - Minh Phụng: Hơn 20 năm chưa xong thi hành án

Vụ án Epco - Minh Phụng: Hơn 20 năm chưa xong thi hành án
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 14/5, tại hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế”, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM Nguyễn Văn Hòa cho hay, sau một thời gian thi hành Luật THADS đã có nhiều bất cập, quy định chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập thi hành.
Trong giai đoạn xét xử, tòa án chưa quan tâm đến tính chất tài sản mà chỉ căn cứ cáo trạng, kết luận điều tra để tuyên, dẫn đến Cục THADS gặp vướng khi xử lý tài sản. “Chẳng hạn, tài sản của người phạm tội nhưng đứng tên là người khác dẫn đến tranh chấp, giấy phép dự án hết hạn do quá trình điều tra kéo dài, chưa có quy định về xử lý tài sản hình thành trong tương lai, quy trình xử lý cổ phần, cổ phiếu thông qua kiểm toán hay thông qua định giá...”, ông Hòa nêu.
Luật sư Phan Trung Hoài trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Nguyệt Nhi.
Sau khi nêu những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch LĐLS Việt Nam, đề xuất xem xét và có cơ chế thống nhất xử lý đối với các tài sản đang hình thành dở dang hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý, quyền tài sản liên quan đến cổ phần, cổ phiếu, đảm bảo việc định giá tài sản theo các căn cứ và phương pháp phù hợp quy định của pháp luật và giá cả thị trường, nhằm thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả vụ án.
Nêu câu chuyện thực tiễn, luật sư Lê Văn Hoan cho biết, hơn 20 năm qua, phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự Epco - Minh Phụng vẫn chưa thi hành xong, và tiếp tục phát sinh hệ lụy pháp lý.
Luật sư Lê Văn Hoan trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thuận Văn
Mấu chốt của sự chậm trễ này, theo luật sư Hoan là do tài sản được giao cho ngân hàng tự định giá và bán mà không qua thủ tục kê biên, định giá từ cơ quan thi hành án. Điều này dẫn đến khiếu kiện vì người phải thi hành án cho rằng quyền lợi bị xâm phạm. Việc ngân hàng tự xử lý tài sản mà không có cơ chế giám sát đã làm mất quyền cơ bản của người phải thi hành án và dẫn đến tranh chấp kéo dài...
Theo luật sư Hoan, về nguyên tắc, tài sản của doanh nghiệp sẽ thuộc quyền sở hữu của các cổ đông khi công ty mất tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, việc thi hành án trong bối cảnh pháp lý như vậy rất khó khả thi, đó cũng là một trong những nguyên nhân chưa thi hành xong vụ Minh Phụng – Epco.
Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản TPHCM chia sẻ, cơ quan thi hành án xử lý rất nhiều tài sản có giá trị đặc biệt lớn liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình như vụ Ngân hàng Xây dựng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Ngân hàng Đông Á và hiện là vụ án Trương Mỹ Lan - Ngân hàng TMCP Sài Gòn.
Từ thực tiễn xử lý các tài sản của những vụ án lớn nêu trên, ông Thắng cho rằng, có 3 rủi ro cho người mua tài sản thi hành án là rủi ro về mặt pháp lý tài sản đấu giá; rủi ro như đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và rủi ro trong việc bàn giao tài sản cho người mua. Vì vậy, khi đăng ký tham gia đấu giá tài sản, người mua cần nghiên cứu kỹ hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản như giấy chứng nhận, bản vẽ hiện trạng... nên xem thực tế tài sản trước khi đăng ký tham gia đấu giá…
Luật sư Nguyễn Thành Công phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thuận Văn
Tân Châu
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/vu-an-epco-minh-phung-hon-20-nam-chua-xong-thi-hanh-an-post1742146.tpo