Hiện nay nhiều sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Temu,... trong đó sàn thương mại điện tử Temu cung cấp hàng hóa giá rẻ gây lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có cuộc chia về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.
Sàn thương mại điện tử Temu cung cấp hàng hóa giá rẻ gây lo ngại vấn nạn hàng nhái, hàng giả. Ảnh minh họa
Gần đây, trước việc các sàn thương mại điện tử bán hàng hóa giá rẻ vào thị trường Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình khoảng 25%/năm, thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á. Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện tại đã vượt ngưỡng 61 triệu người với giá trị mua sắm trực tuyến vào khoảng 336 USD/người/năm. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, việc các sàn thương mại điện tử cung cấp hàng hóa giá rẻ vào thị trường Việt Nam là điều rất cần quan tâm hiện nay. Theo tôi, việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng giá rẻ tại Việt Nam tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức lớn cho ngành thương mại điện tử và nền kinh tế.
Cụ thể, về mặt tích cực, nó thúc đẩy sự cạnh tranh, buộc doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện dịch vụ và hiện đại hóa để giữ chân khách hàng, đồng thời mang lại nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn cho người tiêu dùng. Điều này cũng góp phần phát triển hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, từ đó hiện đại hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự hiện diện mạnh mẽ của các sàn quốc tế gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp nội địa, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi khó lòng cạnh tranh về giá cả và khuyến mãi. Sự ưu thế của hàng nhập khẩu giá rẻ làm giảm thị phần sản phẩm Việt, gia tăng thâm hụt thương mại, và khiến nền kinh tế Việt Nam dễ phụ thuộc vào các nền tảng ngoại, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, các sàn nước ngoài thường áp dụng quy trình để tránh một số loại thuế, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law
Mới đây, sàn thương mại điện tử Temu đã "chào sân" thị trường thương mại điện tử Việt Nam với đa dạng hàng hóa, giá siêu rẻ. Tuy nhiên, hoạt động này gây e ngại xảy ra tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái. Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng này?
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái và những sản phẩm ảnh hưởng tiêu cực trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Temu (nếu có), Việt Nam cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước tiên, cần tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm và thông tin người bán. Các quy định rõ ràng về cung cấp thông tin nguồn gốc, xuất xứ, và chứng nhận chất lượng là rất cần thiết.
Đồng thời, các sàn cũng cần xây dựng hệ thống xác thực người bán đáng tin cậy, yêu cầu người bán phải cung cấp giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc hàng hóa và đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, việc áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm, bao gồm phạt tiền, đình chỉ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ giúp răn đe những trường hợp buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng về cách nhận diện hàng giả, hàng nhái và khuyến khích họ báo cáo các sản phẩm nghi ngờ để kịp thời xử lý. Sự hợp tác quốc tế với các quốc gia khác và tổ chức quốc tế cũng là yếu tố quan trọng để chia sẻ thông tin, áp dụng các biện pháp đồng bộ trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ như blockchain và trí tuệ nhân tạo để theo dõi, xác thực nguồn gốc hàng hóa sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật và hàng giả, từ đó nâng cao tính minh bạch và uy tín của thị trường thương mại điện tử.
Theo quy định hiện hành những điều kiện nào để các sàn thương mại điện tử nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam, và khi tham gia thì các sàn này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam thế nào, thưa ông?
Căn cứ Điều 67c Nghị định 52/2013/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam phải đáp ứng hai điều kiện về: Hình thức đầu tư và Có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chi phối ít nhất một doanh nghiệp thuộc nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam về dịch vụ thương mại điện tử.
Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hình thức đầu tư: Mặc dù hoạt động thương mại điện tử có thể tiến hành qua “phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn phải thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, hoặc thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Như vậy, về cơ bản, việc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam phải thông qua một doanh nghiệp (có thể là doanh nghiệp được nhà đầu tư thành lập hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp), đồng thời, việc đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh là chưa được cho phép.
Thứ hai, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ một doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo danh sách do Bộ Công Thương công bố, nhà đầu tư nước ngoài phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an. Đối với trường hợp này, nhà đầu tư cần lưu ý hai vấn đề: Thế nào là “chi phối”, và Doanh nghiệp nào thuộc nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài. Nghị định yêu cầu các cá nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong 1 năm.
Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định trên thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định này và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải đảm bảo các trách nhiệm sau: Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam; thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định.
Từ những quy định trên, trước việc các sàn thương mại điện tử mang hàng giá rẻ vào thị trường, Việt Nam cần có biện pháp chuẩn bị, ứng phó như thế nào nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước duy trì sản xuất, phát triển ổn định, bền vững?
Việc các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt các sàn không đăng ký có thể tạo ra nhiều thách thức về kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm và sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp trong nước như: Shopee, Lazada, và Tiki. Để giải quyết các vấn đề này, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Thứ nhất, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa. Nhà nước cần phải yêu cầu đăng ký và chứng nhận sản phẩm đối với các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài cần phải đăng ký hoạt động và tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa, bao gồm việc cung cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu các doanh nghiệp này phải nộp hồ sơ chứng minh rằng hàng hóa của họ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định Việt Nam.
Đồng thời, các cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra và giám sát các đơn vị cung cấp hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm được giao dịch qua các nền tảng thương mại điện tử. Việc này có thể bao gồm kiểm tra định kỳ và đột xuất các lô hàng nhập khẩu. Nếu phát hiện hàng hóa kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc như phạt tiền, đình chỉ hoạt động hoặc cấm nhập khẩu.
Thứ hai, để đảm bảo cạnh tranh công bằng các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài phải tuân thủ các quy định về khuyến mại giống như các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, khi có những chương trình hay chính sách khuyến mại cần phải cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm, giá cả. Điều này giúp người tiêu dùng có thể so sánh và lựa chọn sản phẩm một cách công bằng.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử trong nước và nước ngoài hợp tác để đảm bảo chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và quy trình quản lý chất lượng.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục và nhận thức của người tiêu dùng. Việc xây dựng các chính sách quản lý chặt chẽ sẽ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh công bằng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Thoa