Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 08 luật quan trọng trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Ảnh: internet
Ưu tiên, ưu đãi trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Tài chính đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyên trách, ban hành Chương trình hành động toàn ngành, cùng nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, phân công rõ trách nhiệm đến từng thành viên để triển khai hiệu quả.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tiên phong trong việc xây dựng và đề xuất nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Điển hình là việc xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trọng yếu trong lĩnh vực tài chính và đầu tư tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua. Dự án luật này được đánh giá là bước đột phá, tạo nền tảng pháp lý quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý là các nội dung sửa đổi trong Luật Đấu thầu, khi Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung hàng loạt cơ chế ưu tiên, ưu đãi trong đấu thầu để hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể, Luật sửa đổi nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động lựa chọn nhà thầu của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; đồng thời, áp dụng chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thông qua việc ưu tiên trong đánh giá năng lực, kinh nghiệm, hoặc cộng điểm, cộng chi phí tương ứng.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu sửa đổi cũng cập nhật phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu cho các gói thầu thuộc lĩnh vực công nghệ chiến lược, viễn thông, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, mở rộng quy định về đấu thầu trong nước và quốc tế để khuyến khích chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài – đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Luật cũng bổ sung, mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư trong những tình huống đặc biệt – nhất là với các dự án có yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; các dự án lớn, quan trọng quốc gia cần rút ngắn tiến độ, bảo đảm tính đặc thù và lợi ích chiến lược.
Trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất mở rộng cơ chế chỉ định nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt như: Dự án do nhà đầu tư đề xuất và sở hữu công nghệ chiến lược; dự án hạ tầng số nhằm bảo đảm tính kết nối liên tục; hoặc dự án có tính chất đổi mới sáng tạo đặc thù.
Đồng thời, Luật cũng bổ sung hình thức lựa chọn nhà đầu tư riêng biệt cho các dự án PPP trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; đơn giản hóa quy trình thực hiện dự án theo từng nhóm đối tượng; đặc biệt là quy định rõ việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với các dự án khoa học công nghệ có doanh thu thực tế thấp hơn 50% so với dự kiến – nhằm bảo vệ tính khả thi và hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Mở rộng quy định miễn thuế nhập khẩu
Trong nội dung sửa đổi Luật Hải quan, Bộ Tài chính đã điều chỉnh, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn – nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đáng chú ý, tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nhiều chính sách ưu đãi thuế quan đã được mở rộng. Cụ thể, bổ sung quy định miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng, tài liệu, sách báo khoa học chuyên ngành được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ số. Chính sách này áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án mở rộng, phù hợp với các quy định pháp luật liên quan về đầu tư, khoa học công nghệ và công nghiệp công nghệ số.
Bên cạnh đó, quy định mới cho phép miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu nghiên cứu hoặc sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, sản xuất của tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ số cũng như các hàng hóa nhập khẩu để nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm của các trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Hỗ trợ đầu tư đặc biệt với các dự án công nghệ chiến lược
Tại nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ chiến lược. Cụ thể, chính sách ưu đãi được mở rộng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và các loại hạ tầng số khác thuộc lĩnh vực công nghệ chiến lược theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cũng như các dự án đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, khu công nghệ số tập trung được đưa vào danh sách các địa bàn ưu đãi đầu tư. Đồng thời, luật cũng bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án nằm trong danh mục lĩnh vực công nghệ chiến lược.
Một điểm mới đáng chú ý là việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư trước khi hoàn tất thủ tục cấp hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ chế này áp dụng cho các dự án đầu tư thành lập mới trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm tính toán hiệu năng cao trí tuệ nhân tạo, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và các loại hạ tầng số khác, cũng như các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ chiến lược.
Luật cũng bổ sung quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các dự án công nghệ chiến lược, bao gồm: Xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, điện toán đám mây, mạng di động từ 5G trở lên và hạ tầng số khác. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ chiến lược, cơ chế đặc thù tương tự cũng được áp dụng.
Đặc biệt, thời hạn hoạt động của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghệ số tập trung, khu công nghiệp công nghệ cao và các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo đã được kéo dài lên tối đa 70 năm – tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có chiến lược phát triển dài hạn. Luật cũng bổ sung cơ chế cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghệ số tập trung.
Tại Luật Đầu tư công, nội dung sửa đổi tiếp tục theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có yêu cầu triển khai nhanh, kịp thời.
Với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, phạm vi điều chỉnh được bổ sung để phù hợp với đặc thù quản lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, việc quản lý, sử dụng tài sản này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ.
Với loạt chính sách được sửa đổi toàn diện từ tài chính, đầu tư đến thuế quan và hải quan tại Luật sửa 8 luật nêu trên, Bộ Tài chính đã khẳng định vai trò chủ lực trong kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tiếp sức cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Đây không chỉ là bước đi chiến lược, mà còn là động lực then chốt đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến vững trên hành trình trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo.
Trần Huyền