'Lực hấp dẫn' của thị trường bất động sản phía Nam

'Lực hấp dẫn' của thị trường bất động sản phía Nam
4 giờ trướcBài gốc
Hội thảo “Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam: Nhận diện cơ hội đầu tư” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức. Ảnh: D.T
Chia sẻ tại Hội thảo “Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam: Nhận diện cơ hội đầu tư” diễn ra ngày 31/10, ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) dẫn nghiên cứu và khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn chuyển mình và hồi phục. Trong đó, thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt là vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) với các địa phương trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… là những điểm sáng.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản, đặc biệt là tại đô thị lớn như TP.HCM, hiện vẫn phải đối mặt với thực trạng quỹ đất ngày càng hạn hẹp, giá nhà đất ngày càng tăng, nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Trong khi đó, phân khúc khách hàng với thu nhập trung bình khá chiếm số lượng đông đảo trên thị trường, có nhu cầu nhà ở thực tế và tiềm năng phát triển rất lớn trong ít nhất 20 - 30 năm tới.
Cũng theo đại diện VNREA, với mỗi dự án đầu tư xây dựng, mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp không phải là tối ưu hóa lợi nhuận bằng mọi cách, mà quan trọng nhất là mỗi một dự án phải có ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, trên đà phát triển công nghiệp và đô thị mạnh mẽ, do đó cần nhiều hơn nữa những sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu thực tại những tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp phát triển như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… Đây vừa là chiến lược phát triển phù hợp với quy luật của thị trường, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân.
Nhận định về Bình Dương - nơi được đánh giá là một điểm sáng của thị trường bất động sản phía Nam, đại diện VNREA cho hay, với nền tảng đã hoàn thành quy hoạch của địa phương cùng với đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng, đang là những yếu tố giúp Bình Dương trở thành lực hút mới của thị trường bất động sản vùng đô thị TP.HCM.
“Chưa bao giờ các dự án kết nối vùng, đặc biệt là đường cao tốc và giao thông công cộng giữa TP.HCM, Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ được xúc tiến mạnh mẽ như giai đoạn vừa qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án nhà ở, thương mại và khu công nghiệp, gia tăng sức hấp dẫn cho Bình Dương trong mắt các nhà đầu tư” - ông Toan nói.
Cũng đánh giá cao sức hấp dẫn của thị trường bất động sản phía Nam, PGS,TS. Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các quy hoạch đã được thông qua, như quy hoạch Vùng Đông Nam bộ, quy hoạch của các địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... là nền tảng cơ sở rất thuận lợi cho phát triển bất động sản vùng đô thị TP.HCM.
“Các tỉnh trong vùng đô thị TP.HCM đều nằm trong nhóm các tỉnh có tăng trưởng kinh tế tốt, tốc độ đô thị hóa cao, thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Đặc biệt, vùng tứ giác đô thị Thủ Đức - Long Thành - Biên Hòa - Bình Dương (mới) với đầy đủ các lợi thế về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, kinh tế phát triển… là vùng có tiềm năng lớn để phát triển đô thị, nhất là phát triển thị trường bất động sản” - ông Chung nhấn mạnh.
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: D.T
Chia sẻ thêm, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, yếu tố vĩ mô tạo nên sức bật cho vùng đô thị TP.HCM, bao gồm động lực từ phát triển kinh tế, đô thị hóa và lực đẩy từ cơ sở hạ tầng. Nhu cầu ở thực tại TP.HCM đang ngày càng cao trong bối cảnh quỹ đất khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển sang các địa phương vùng ven.
“Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai quyết liệt, sẽ thúc đẩy liên kết từ TP.HCM sang các tỉnh trong vùng nói riêng và khu vực miền Nam nói chung. Đồng thời, không gian phát triển cho thị trường bất động sản sẽ mở rộng hơn, hỗ trợ dịch chuyển nhu cầu về nhà ở của người dân qua các đô thị vệ tinh trong vùng đô thị TP.HCM, với mức giá nhà ở phù hợp hơn” - ông Đính nói.
Dưới góc độ nhà phát triển dự án, ông Lê Như Thạch - Chủ tịch Tập đoàn Bcons cho biết, tại các đô thị lớn của Đông Nam Bộ như TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, nhu cầu nhà ở cho các nhóm thu nhập trung bình và thấp, bao gồm công nhân và lao động nhập cư, ngày càng trở nên bức thiết. Để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, đơn vị đã lựa chọn phát triển loại hình sản phẩm có mức giá vừa tầm, đảm bảo pháp lý tại khu vực dễ dàng kết nối với TP.HCM.
Nói thêm về giá của căn hộ vừa túi tiền, ông Lê Như Thạch cho rằng, điều này phụ thuộc vào khả năng chi trả của người mua. Đối với Tập đoàn Bcons, đơn vị thường thiết kế căn hộ có diện tích 40 - 45m2 để có giá thành không quá cao, tạo điều kiện cho khách hàng có thể sở hữu không gian ở chất lượng, phù hợp với khả năng tài chính.
“Bằng cách tập trung vào phân khúc này, doanh nghiệp đã góp phần tạo ra nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhà ở đang ngày càng gia tăng tại khu vực vùng đô thị TP.HCM; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được một lượng khách hàng rộng lớn, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài” - ông Thạch bày tỏ./.
DIỆU THIỆN
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/luc-hap-dan-cua-thi-truong-bat-dong-san-phia-nam-35974.html