Tỷ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng
Sáng 27/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, riêng trong năm 2025, việc triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, đảm bảo sự ổn định của lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng kinh tế trọng điểm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho thấy thị trường lao động năm 2024 đã dần trở lại trạng thái bình thường như thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%, duy trì ở mức cao, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 13,7 triệu người (chiếm 26,6%), giảm 126.000 người so với cùng kỳ.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm ấn tượng, chỉ còn 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,7%, trong đó 28,1% có bằng cấp hoặc chứng chỉ.
Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77 sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay.
Số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Mạnh Quân)
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động trên 5.000 tỷ đồng; tham gia thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo (tại Hội nghị G20).
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.
Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Bộ đã triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống. Toàn quốc đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho trên 3,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí ước tính 32.000 tỷ đồng.
100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; khoảng 91% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội…
"Phải quan tâm những công dân thiệt thòi nhất trong xã hội"
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu ngành LĐ-TB&XH phải đảm bảo tiền lương tối thiểu, chính sách lao động việc làm không phân biệt đối xử để hàng hóa bán ra thị trường nước ngoài thuận lợi.
Về chính sách an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH quan tâm những công dân thiệt thòi nhất trong xã hội, giúp họ được thụ hưởng chính sách tốt nhất.
Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hiện có 3 sự kiện phải làm cùng lúc: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu ngành LĐ-TB&XH phải đảm bảo tiền lương tối thiểu, chính sách lao động việc làm không phân biệt đối xử để hàng hóa bán ra thị trường nước ngoài thuận lợi. (Ảnh: Mạnh Quân)
Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn phục vụ nhu cầu của đất nước.
"Với tinh thần như vậy, đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Đáp lại những chia sẻ của lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cho biết những chính sách mà ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ "ổn định và đảm bảo" sang "ổn định và phát triển".
Bộ trưởng khẳng định, niềm tự hào vì nhiều thành tựu của ngành không chỉ được Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế ghi nhận, như các lãnh đạo chủ chốt của nhà nước nhận xét, những vấn đề văn bản của ngành có tính chất dấu ấn lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho phát triển chính sách xã hội của Việt Nam.
Theo đó, hội nghị G7 họp thời điểm tháng 10, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam là lãnh đạo duy nhất trong số các nước châu Á được mời dự để báo cáo về công tác chăm sóc người yếu thế.
Cũng trong Hội nghị G20 tại Brazil vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng là nhà lãnh đạo được mời để chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo như một điển hình thành công của thế giới.
Anh Hoàng