Kiểm soát chặt thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc
Thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là vấn đề đáng lo ngại. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hành vi vi phạm phổ biến gồm: Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng nguyên liệu hết hạn hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong chế biến; vi phạm quy định về nhãn mác, điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất, bảo quản và lưu thông. Các điểm nóng về vi phạm thường tập trung tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, kho chứa hàng hóa và đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, nơi các đối tượng lợi dụng tính ẩn danh và quy mô giao dịch rộng khắp để hoạt động một cách tinh vi, khó kiểm soát.
Theo Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều việc vi phạm. Cụ thể, cơ quan chức năng đã xử phạt một cơ sở kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 25 triệu đồng; tạm giữ và tiêu hủy 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh tại TP Thủ Đức có tổng trị giá gần 4,5 tỷ đồng; phát hiện 7 tấn đường nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12…
Đặc biệt, thông qua giám sát trên mạng xã hội, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh hơn 1 tấn thịt khô bò không rõ nguồn gốc, xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm. Đây là minh chứng cho việc TP. Hồ Chí Minh đang chủ động chuyển hướng ứng dụng công nghệ để kiểm soát hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Thực hiện chỉ đạo cao điểm về kiểm tra các mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm, dược phẩm và sữa, các đội quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân kiểm tra. Chiều 14/5, lực lượng chức năng kiểm tra một điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây và phát hiện hàng chục hộp yến sào tinh chế không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, trị giá gần 60 triệu đồng. Cùng ngày, một cơ sở tại quận 8 cũng bị phát hiện đang bày bán hơn 100 gói bột thực phẩm trôi nổi được rao bán trực tuyến.
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, TP Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng kiểm soát các mặt hàng có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Trước thực trạng các đối tượng buôn bán các mặt hàng này ngày càng tinh vi, ẩn nấp trong hệ thống phân phối và cả thương mại điện tử, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Để kiểm soát hiệu quả tình trạng này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường hậu kiểm tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng hóa và cơ sở chế biến thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Chi cục QLTT phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm và các cơ quan liên quan để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của người dân tiếp tục được duy trì thường xuyên, góp phần tăng tính phản ứng nhanh và hiệu quả xử lý trên thực tế.
TP Hồ Chí Minh chủ động kiểm soát hàng hóa trên không gian mạng. Sở Công Thương cũng đã tham mưu hoàn thiện các quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát tài khoản ảo và nâng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe. Đồng thời, phối hợp liên ngành - liên tỉnh để xử lý các đối tượng điều hành từ xa, từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài lợi dụng nền tảng kỹ thuật số để phân phối hàng không rõ nguồn gốc về TP Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền được triển khai quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người bán lẫn người tiêu dùng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử được khuyến cáo tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, trong khi người tiêu dùng được hướng dẫn nhận biết hàng thật - hàng giả và khuyến khích tố giác hành vi gian lận.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang phát triển và chuẩn bị đưa vào vận hành hệ thống phân tích dữ liệu giao dịch thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ công tác thanh - kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Đây là một phần trong kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả từ ngày 15/5 đến 15/6/2025.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An kiểm tra tại cơ sở kinh doanh.
Hình ảnh lực lượng chức năng Nghệ An kiểm tra tại cơ sở kinh doanh.
Triển khai cao điểm chống hàng giả
Nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, ngày 20/5, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch Cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo kế hoạch, lực lượng QLTT Thanh Hóa sẽ kiểm tra tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không… Nhất là các địa bàn trọng điểm tại các huyện biên giới đất liền, vùng biển; các đô thị, khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu vực thương mại tập trung. Đợt cao điểm sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, rượu bia….
Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa tập trung kiểm tra các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm,... Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa.
Kiểm tra hoạt động kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok… có dấu hiệu lợi dụng để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chi cục QLTT Thanh Hóa yêu cầu các Đội QLTT địa bàn có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thị trường, xác định các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm trên từng địa bàn được phân công phụ trách. Dự báo sát với diễn biến tình hình thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.
Các Đội QLTT địa bàn tại tuyến biên giới đất liền phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, cấp ủy chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới đất liền.
Xác định ngoài địa bàn trọng điểm trong khu vực nội địa phải tập trung vào khu vực biên giới như các đường mòn, lối mở, sông suối biên giới, cửa khẩu khu vực biên giới (Na Mèo, Tén Tằn, Bát Mọt), các tụ điểm (nếu có) kho, bãi tập kết, chứa hàng hóa nhập lậu khu vực biên giới, chợ biên giới, chợ cửa khẩu; các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đối với các Đội QLTT địa bàn tại tuyến biên giới biển, vùng biển phía Đông, cần chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, cấp ủy chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới biển, vùng biển phía đông. Tập trung kiểm tra các khu vực biên giới biển, vùng biển như Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Hới, Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp (PTSC); các cửa lạch ven biển...
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu kinh doanh trên môi trường mạng Facebook tại TP Móng Cái. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh).
Riêng Đội QLTT số 9, chú trọng phát hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại có tính chất phức tạp, có quy mô lớn; hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, các Website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến... trên khâu lưu thông cũng như trên địa bàn toàn tỉnh. Theo kế hoạch, cao điểm lần này sẽ được triển khai từ ngày 20/5 đến hết ngày 15/6/2025.
Trong đợt cao điểm này, Chi cục QLTT Thanh Hóa sẽ kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực.
Thực hiện đợt cao điểm, tỉnh Thái Bình thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, Đoàn kiểm tra số 1 do Sở Công Thương tỉnh Thái Bình chủ trì; Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Sở Y tế tỉnh Thái Bình chủ trì; Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Bình chủ trì; UBND các huyện, thành phố căn cứ điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tỉnh Thái Bình thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình.
Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương (trong đó đặc biệt lưu ý các mặt hàng thuốc, sữa, thực phẩm). Theo đó, nguyên tắc quan trọng trong công tác kiểm tra đảm bảo việc kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm phải đúng quy định pháp luật; đảm bảo các hoạt động hợp pháp của cơ sở sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường. Đồng thời, mọi hành vi vi phạm được phát hiện phải xử lý kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, tuyên truyền và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát thị trường, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh qua mạng, livestream, sàn thương mại điện tử - nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng nhái hiện nay. Ngoài ra, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an, hải quan, biên phòng và chính quyền địa phương trong nắm tình hình, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ QLTT, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ.
Theo ông Lê Hồng Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, xác định công tác chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh qua mạng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các mặt hàng có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng như: Sữa, đồ uống, thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, chú trọng kiểm soát tại các địa bàn biên giới, nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại để xử lý nhanh, dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh, không để hình thành điểm nóng.
Xử phạt 18 triệu đồng đối với hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu
Ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình vừa tiến hành kiểm tra tại Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương (Tổ dân phố Ghềnh, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).
Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương đang kinh doanh hàng hóa gồm: 15 thùng nước cốt dừa nhãn hiệu CHAOKOH (12 hộp/thùng, loại 1 lít/hộp) là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 1200 lọ kẹo đắng (150 gam/lọ) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đội trưởng Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương đối với hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu với tổng số tiền phạt 18 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm có trị giá 17,25 triệu đồng.
Nghệ An: Xử phạt hộ kinh doanh về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu
Ngày 15/5, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính đối với Hộ kinh doanh NTN có địa chỉ tại xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương với số tiền 6 triệu đồng đối với hành vi Buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm với trị giá hàng gần 2,6 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 5 tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên, chủ động tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan để quản lý tốt địa bàn được giao, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhập lậu,… Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Trân Trân