Lục Ngạn: Chàng trai dân tộc Nùng năng động thoát nghèo

Lục Ngạn: Chàng trai dân tộc Nùng năng động thoát nghèo
8 giờ trướcBài gốc
Vài năm trước, gia đình anh Nguyên là hộ nghèo. Hai vợ chồng công việc không ổn định lại nuôi 3 con nhỏ nên rất khó khăn. Tuy có diện tích vườn đồi rộng song thiếu vốn đầu tư, anh Nguyên loay hoay không biết làm thế nào để phát triển kinh tế. Để trang trải cuộc sống, anh phải đi xa làm thuê; học nghề cắt tóc mở hiệu tại trung tâm xã nhưng không phù hợp, thu nhập bấp bênh.
Cán bộ Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Cốc nắm bắt tình hình sản xuất tại nhà anh Lường Văn Nguyên (ngoài cùng bên trái).
Những năm gần đây, xã Đồng Cốc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện tạo điều kiện cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo đều được vay vốn đầu tư trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân sản xuất hiệu quả.
Nắm bắt hoàn cảnh và nguyện vọng của hội viên, năm 2018, Hội Nông dân xã đã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho gia đình anh Nguyên vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Anh Nguyên bắt tay vào trồng 200 cây vải thiều, khoan giếng, xây bể nước phục vụ tưới tiêu đồng thời tích cực học hỏi, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
Diện tích trồng dưa leo của gia đình anh Lường Văn Nguyên cho thu hoạch.
Nhờ đó, vườn vải lên xanh tốt, sai quả và sau 3 năm cho thu hoạch. Vụ đầu, vải được giá, gia đình thu hơn 150 triệu đồng nên anh có điều kiện tiếp tục đầu tư trồng rừng cùng các loại cây ăn quả như táo, bưởi, dưa leo. Diện tích trồng trọt được mở rộng với gần 5 ha keo, bạch đàn và cây ăn quả. Các loại cây trồng mang lại thu nhập 200 triệu đồng/năm giúp gia đình anh trả hết nợ ngân hàng và thoát nghèo.
"Xã Đồng Cốc có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại xã Đồng Cốc có động lực phát triển kinh tế. Điển hình là hộ anh Lường Văn Nguyên với sự mạnh dạn tìm hướng sản xuất phù hợp và chăm chỉ lao động đã thoát nghèo bền vững" - Ông Lưu Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đồng Cốc.
Nắm bắt chủ trương của Ngân hàng CSXH cho hộ mới thoát nghèo vay vốn để duy trì và mở rộng sản xuất, năm 2023, anh Nguyên tiếp tục vay 100 triệu đồng nuôi hươu lấy nhung. Anh Nguyên cho biết: “Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, mua phải hươu giống không bảo đảm và cách chăm sóc không phù hợp nên vật nuôi bị chết hoặc cho sản phẩm nhung kém chất lượng. Dần dần qua thực tế sản xuất, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm giúp việc chăn nuôi hiệu quả hơn”.
Anh thường đến những trại hươu uy tín ở các tỉnh miền Trung chọn mua con giống chuẩn. Mỗi lần nuôi 10-15 con. Vào mùa thu, khi hươu bắt đầu cho nhung, ngoài cho ăn cỏ, anh Nguyên tăng cường cho ăn ngô, cà rốt, khoai lang chứa nhiều đường, vitamin và kali là nguồn dinh dưỡng tốt giúp vật nuôi tạo nhung chất lượng. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Nguyên tiêu thụ thuận lợi, tiểu thương đến tận nhà thu mua, nhiều khi nguồn cung không đủ cầu. Ngoài nhung hươu của nhà làm ra, anh Nguyên liên hệ với một số cơ sở sản xuất uy tín để nhập thêm rượu, cao hươu cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Anh Lường Văn Nguyên phát triển chăn nuôi hươu lấy nhung.
Hiện mô hình sản xuất này đang mang lại hiệu quả giúp kinh tế gia đình anh Nguyên ổn định. Vốn chăm chỉ, năng động, anh Nguyên không ngại thử sức với những hướng đi mới như quay vịt bán, mua xe ô tô vận chuyển hàng thuê… Tuy vậy, theo anh, những công việc đó phần nào tăng thêm thu nhập chứ khó phát triển mạnh tại địa phương. Việc chăn nuôi hươu và trồng cây ăn quả là phù hợp, hiệu quả hơn với gia đình. Vì vậy, thời gian tới, anh Nguyên tiếp tục tập trung sản xuất ở lĩnh vực này để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, quyết không để tái nghèo.
Bài, ảnh: Bảo Hoa
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/luc-ngan-chang-trai-dan-toc-nung-nang-dong-thoat-ngheo-173326.bbg