Lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng khiến việc mua bán đất chỉ diễn ra trong giới đầu cơ

Lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng khiến việc mua bán đất chỉ diễn ra trong giới đầu cơ
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 21.10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi.
“Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, ông Vũ Hồng Thanh nói và cho hay dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra theo yêu cầu của Quốc hội, trong khi năm 2023 chỉ đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Ngoài ra, nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm; kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Dù vậy, bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, cơ quan thẩm tra cho rằng tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.
Đáng chú ý, công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại; vẫn còn các quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người dân còn chậm.
“Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển”, báo cáo thẩm tra nêu.
Ngoài ra, theo cơ quan thẩm tra, công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập; hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng công tác cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại như: thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục…
Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn bộc lộ vướng mắc, bất cập. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính.
Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá làm rõ hơn công tác cải cách thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra.
Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, đầu cơ trong thị trường bất động sản
Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Theo ông Thanh, tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
Ngoài ra, tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.
Từ những bất cập nêu trên ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần tăng cường việc hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai.
Song song với đó, cần có giải pháp ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán.
Ngoài ra, cải triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh…
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/lung-doan-thoi-gia-tao-song-khien-viec-mua-ban-dat-chi-dien-ra-trong-gioi-dau-co-225114.html