Ủy ban Kinh tế: Người dân rất khó mua vàng miếng online

Ủy ban Kinh tế: Người dân rất khó mua vàng miếng online
4 giờ trướcBài gốc
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá việc quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
"Người dân rất khó mua vàng miếng SJC khi đặt mua trực tuyến. Điều này cho thấy giá vàng miếng hiện không phản ánh đúng cung - cầu thị trường", cơ quan thẩm tra nêu.
Bất động sản hồi phục nhưng còn khó khăn
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra nhiều bất cập trong các lĩnh vực khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp đẩy lên cao dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tiếp tục tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá cao, vượt quá khả năng chi trả.
Thực tế thời gian qua, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội tổ chức đấu giá đất, trong đó có huyện Thanh Oai. Đầu tháng 8, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá 68 lô đất, thu hút khoảng 1.500 người tham dự với trên 4.000 hồ sơ. Giá trúng các lô này 63-80 triệu đồng/m2, đặc biệt có lô đất giá lên tới 100 triệu đồng/m2, cao gấp 5-6 lần giá khởi điểm.
Tuy nhiên, khoảng 80% người trúng đấu giá tại đây đã bỏ cọc. Trong đó, toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 không nộp tiền.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tiếp tục tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Ảnh: Thủy Tiên.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm, có 268 lượt phát hành riêng lẻ gần 250.400 tỷ đồng, 15 đợt phát hành ra công chúng với hơn 27.000 tỷ đồng. Áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn, gần 79.860 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 35.137 tỷ đồng (tương đương 44%) trái phiếu bất động sản đáo hạn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt thách thức để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, cơ cấu phát hành chưa hợp lý khi riêng lẻ chiếm tỷ trọng tới 88%, phát hành ra công chúng hạn chế (12%). "Điều này hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp từ nhà đầu tư đại chúng, tạo rủi ro về minh bạch thị trường", Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.
Thị trường cũng thiếu cơ chế định giá, đặc biệt việc xác định lợi suất đến khi đáo hạn cho trái phiếu, cũng như thiếu dữ liệu về xác suất vỡ nợ của các tổ chức phát hành.
Việc này khiến nhà đầu tư khó khăn trong đánh giá, tăng rủi ro với nhà đầu tư cá nhân và hạn chế khả năng xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường.
Tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp khó khăn
Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng trên thị trường tài chính, tiền tệ vẫn đang còn tiềm ẩn thách thức. Trong đó, nợ xấu còn ở mức cao, việc xử lý ngân hàng yếu kém còn chậm.
Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm cũng vẫn còn thấp, tỷ lệ hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Riêng tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Áp lực điều hành tỷ giá có giai đoạn khó khăn. Ảnh: Chí Hùng.
Việc ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, các nền kinh tế số, kinh tế xanh, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo chưa có chuyển biến rõ nét, sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại, lạm phát chịu áp lực lớn trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu trong nước còn gặp khó khăn, xuất siêu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn khó khăn. Tính chung 9 tháng, bình quân mỗi tháng có hơn 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thiệt hại của bão số 3 (bão Yagi) còn làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam giảm khoảng 0,15%. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai quy hoạch điện quốc gia, có thể gây hệ lụy cho sản xuất than, cung cấp điện, cung cấp năng lượng trong thời gian tới.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 7%, cao hơn mục tiêu của Quốc hội (6-6,5%). Để đạt mục tiêu này, cơ quan thẩm tra đề nghị tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai.
Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, có biện pháp ngăn chặn chiều hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán.
Tính toán kỹ tác động khi điều hành lãi suất, tỷ giá, điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp để ổn định hệ thống tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật, kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Hồng Nhung
Nguồn Znews : https://znews.vn/uy-ban-kinh-te-rat-kho-mua-vang-mieng-online-post1505690.html