Ngược dòng lịch sử, sau khi hoàn thành cuộc chiến xâm lược thuộc địa ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã nhìn thấy cái đích xa hơn chính là thị trường Trung Hoa (Trung Quốc ngày nay). Sự rộng lớn mênh mông của thị trường Trung Hoa và dân số 400 triệu (con số ước lượng dân số toàn Trung Hoa của triều đại nhà Thanh), đặc biệt là vùng đất phía Tây Nam Trung Hoa với sự giàu có về tài nguyên, khoáng sản, lâm sản… nên việc tìm đường chinh phục đã được đặt ra.
Mưu đồ này được thể hiện rõ từ năm 1787, khi giáo sĩ Pigneau de Béhaine thuyết phục vua Pháp ký Hiệp ước viện trợ cho triều Nguyễn phát triển thương mại và mở rộng giao thương với nhà Thanh để thúc đẩy An Nam (tức nước Việt Nam) mở rộng hoạt động buôn bán với Trung Hoa. Đến năm 1857, Ủy ban nghiên cứu vấn đề An Nam của chính phủ Pháp đã đề nghị Toàn quyền Pháp ở Đông Dương bắt tay ngay vào việc mở một tuyến đường thủy từ Biển Đông qua cửa Cấm (Hải Phòng) ngược sông Hồng lên Laokay tiến vào Trung Hoa. Một trong những người đầu tiên thực hiện kế hoạch ấy là Jean Dupuis (sinh năm 1828) - một nhà thám hiểm và thương nhân người Pháp.
Đầu tháng 1 năm 1873, Dupuis rời Hà Nội, ngược sông Hồng và đến tháng 3 thì đến Vân Nam. Như vậy, vấn đề mở một tuyến đường thủy từ biển Đông qua sông Hồng tiến vào Vân Nam đã được giải quyết. Điểm bắt đầu của tuyến đường này là cửa biển Ninh Hải - Cửa Cấm (Hải Phòng) đi vào Hà Nội ngược sông Hồng (An Nam) và đích đến là xứ Vân Nam (Trung Hoa). Vấn đề quan trọng nhất lúc này là sự ngăn trở của triều đình nhà Nguyễn, quan quân ở các địa phương không cho mở cửa sông Hồng để khai thông tuyến đường mơ ước này cho người Pháp.
Ngày 12/11/1873, Garnier gửi cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương một tối hậu thư về việc mở cửa sông Hồng. Đến ngày 18/11, Garnier cho niêm yết ở Hà Nội một bản tuyên bố với 10 điểm, trong đó nếu rõ việc sẽ mở cửa sông Hồng để thông thương với Vân Nam (Trung Hoa), bãi bỏ thuế quan cũ của người Việt và người Pháp sẽ thu thuế hải quan, những nhà buôn Trung Hoa và những nhà buôn khác có liên quan sẽ được bảo vệ. Ngày 19/11, Garnier lại viết một bức thư nữa cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đưa ra những yêu sách đòi Tổng đốc giải giáp quân đội, rút hết súng trên các thành trì dọc bờ sông, cho phép thuyền Pháp đi lại tự do đến Vân Nam và ra lệnh cho quan lại các tỉnh và dân chúng phải tuân thủ theo những quyết định về thương mại của người Pháp. Không nhận được câu trả lời, ngày 20/11/1873, người Pháp tấn công thành Hà Nội.
Sau khi thành Hà Nội thất thủ, quân Pháp mở rộng xâm chiếm các vùng lân cận, bởi lẽ Hà Nội ở xa biển, nên họ chỉ có thể ở đó an toàn khi bảo đảm có đường đi ở vùng châu thổ và kiểm soát được các thành trì bên bờ sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình. Lúc này, người Pháp đã gửi cho triều đình Huế một bức tối hậu thư yêu cầu chấp nhận chế độ bảo hộ ở xứ Bắc Kỳ nếu không sẽ tuyên bố nền độc lập của xứ Bắc Kỳ dưới sự bảo hộ của người Pháp. Trước sự hống hách của người Pháp, triều đình nhà Nguyễn ở Huế nhượng bộ, đồng ý cử đại diện ra Bắc kỳ thương thuyết.
Ngày 20/12/1873, phái đoàn thương thuyết của triều đình Huế tới Hà Nội. Ngày 21/12/1873, khi việc thương thuyết đang diễn ra thì quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc từ mạn Laokay kéo xuống hội với đội quân của Trương Quang Đản ở Bắc Ninh đến tấn công vào pháo đài phía Tây Nam thành Hà Nội rồi rút quân về phủ Hoài Đức (Sơn Tây). Thiếu tá Hải quân Francis Garnier đình chỉ cuộc thương thuyết, dẫn quân truy kích nhưng bị phục binh giết chết ở Cầu Giấy.
Được tin Garnier tử trận đã làm cho quân Pháp ở Bắc Kỳ hoang mang, tìm cách bỏ thành trốn chạy, do đó người Pháp xuống thang và lập tức hạ lệnh trả lại tất cả các thành trì cho triều đình nhà Nguyễn. Ngày 6/2/1874, đại diện phía Pháp đã ký với nhà Nguyễn một quy ước với nội dung căn bản là: quân Pháp cam kết sẽ rút khỏi thành Hà Nội, tạm thời đưa Dupuis về Hải Phòng chờ lệnh, nếu Dupuis muốn sang Vân Nam thì phải xin ý kiến người đại diện phía Pháp và sẽ phải ở lại Vân Nam cho đến khi sông Hồng được thông thương.
Ngày 15 tháng 3 năm 1874, triều đình Huế chính thức ký với Pháp hiệp ước Giáp Tuất, trong đó việc mở cửa sông Hồng thông thương với Vân Nam được ghi rõ:
Điều 11: Chính phủ An Nam cam kết mở cửa biển Ninh Hải, tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội, con đường sông Nhị Hà từ biển đến Vân Nam cho việc buôn bán. Cảng Ninh Hải, cảng Hà Nội và việc đi lại trên sông Hồng sẽ được mở ngay khi trao đổi thư được phê chuẩn và nếu có thể thì sớm hơn… Những cảng khác hoặc sông khác sau này cũng có thể mở ra buôn bán nếu cần thiết…
Điều 12: Người Pháp và người An Nam thuộc Pháp hoặc người ngoại quốc… có thể đi lại và buôn bán từ biển đến Vân Nam bằng con đường Nhị Hà, nếu họ trả các khoản thuế quy định…
Từ đây, tuyến giao thương Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam đã chính thức khai mở vào cuối thế kỷ XIX.
Theo những tư liệu lịch sử, trước khi tuyến giao thương Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam chính thức được khai mở thì hoạt động buôn bán giữa người Việt với người Trung Quốc ở vùng biển phía Đông Bắc Việt Nam đã diễn ra khá mạnh mẽ. Khi nhà Nguyễn thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, vẫn có những thuyền buôn từ Trung Hoa lén lút tới đây buôn bán bởi đó là tuyến đường ngắn nhất mà lại không phải qua các trạm thuế quan lớn. Kể cả khi có lệnh cấm của triều đình vào năm 1865 (do có cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Phụng) người ta vẫn ghi nhận sự xuất hiện của những thương thuyền Trung Hoa ở vùng cửa biển này.
Ngay sau khi sông Hồng mở cửa qua Hiệp ước Giáp Tuất 1874, người Pháp đã nhanh chóng thiết lập ngay tuyến giao thương từ biển Đông (qua Cửa Cấm/Ninh Hải) ngược sông Hồng lên Vân Nam.
Giai đoạn 1874 - 1879: Giai đoạn này đánh dấu bằng sự xuất hiện của Lãnh sự Pháp là Louis Turc với kế hoạch mở rộng hoạt động thương mại ở Bắc Kỳ, thu hút rộng rãi các hoạt động thương mại trên biển Đông nhằm tạo ra một nguồn sản phẩm dồi dào để thúc đẩy mạnh hoạt động thương mại với Vân Nam. Về các mặt hàng buôn bán, theo ghi chép của Lãnh sự Turc thì “thời gian gần đây, hàng xuất đi (Vân Nam) ngày càng nhiều cây đằng giả, củ nâu. Thứ nguyên liệu cho thuốc nhuộm này làm cho khối lượng hàng hóa chuyên chở trở nên cồng kềnh, che giấu phía dưới là những mặt hàng có giá trị hơn như lụa, thiếc, lá thuốc, sơn mài, nấm khô...”. Mặt hàng siêu lợi nhuận mà các thương nhân người Pháp mong muốn mang đến Vân Nam là vũ khí thì lại không được phép chuyên chở do lệnh cấm chuyển vũ khí theo Hiệp ước Giáp Tuất 1874, thành ra củ nâu và các mặt hàng lâm sản trở thành sản phẩm chính xuất sang Vân Nam giai đoạn này. Hàng từ Vân Nam xuống chủ yếu là thiếc nhưng số lượng ít mà giá lại rất cao. Những loại quặng khác (như vàng, bạc, sắt, chì, kẽm...) mà trước đây Francis Garnier đã ca ngợi là rất dồi dào thì nay không thấy xuất hiện trong danh mục các sản phẩm buôn bán trên sông Hồng. Nhiều người ngờ rằng những kim loại quý giá này đã bị khai thác quá mức trong cuộc nội chiến ở vùng Vân Nam giai đoạn trước rồi. Ngoài thiếc, Vân Nam cũng cung cấp cho thị trường Bắc Kỳ thuốc phiện, chủ yếu phục vụ cộng đồng Hoa kiều ở Hà Nội và các vùng phụ cận. Như vậy, dù rằng tuyến giao thương đến Vân Nam đã được khai mở song hoạt động buôn bán giai đoạn đầu này không thực sự thuận lợi như những dự kiến ban đầu của giới tư sản Pháp, bởi lúc này tình hình bất ổn ở vùng thượng nguồn (hoạt động của quân Cờ đen) đã làm cho hoạt động giao thương gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, trên sông Hồng có nhiều thác ghềnh cũng là cản trở rất lớn cho thuyền bè, nhất là chặng Laokay (An Nam) - Mạn Hảo (Vân Nam - Trung Hoa).
Giai đoạn 1880 - 1901: Đây là giai đoạn quan trọng trong hoạt động thương mại trên tuyến Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam. Trước hết, dù con đường thương mại trên sông Hồng có vẻ đã mở sau Hiệp ước Giáp Tuất 1874 và công cuộc bình định Bắc Kỳ đã cơ bản hoàn thành, song chính quyền thuộc địa cho rằng cần tạo ra một đường vào dễ dàng ở khu vực nội địa Bắc Kỳ thông qua việc thiết lập một cảng (quân cảng kiêm thương cảng) có trang thiết bị tối ưu phục vụ việc vận chuyển. Trong vòng hơn một thập kỷ, người Pháp đã tích cực xây dựng Cửa Cấm/cửa Ninh Hải (Hải Phòng) trở thành một cảng nội địa, điểm đầu của con đường vào cảng lớn xứ Bắc Kỳ. Nếu hoạt động của cảng Hải Phòng phát triển cũng như việc lưu thông hàng hóa trên sông Hồng thuận lợi, đây có thể là cơ hội đẩy mạnh hoạt động buôn bán nhằm vào Vân Nam và thị trường Trung Hoa.
Sông Hồng trên địa phận thành phố Lào Cai ngày nay.
Trước những khó khăn của tuyến giao thương đường thủy từ Cửa Cấm (Hải Phòng) ngược sông Hồng lên Laokay rồi sang Vân Nam, song người Pháp vẫn không ngừng từ bỏ ý định thâm nhập vào Trung Hoa. Từ đây, người Pháp đã lựa chọn giải pháp khác là giao thông đường sắt. Năm 1901, tuyến đường sắt Việt - Điền kết nối giữa Hải Phòng - Côn Minh chính thức khởi công, đánh dấu quá trình chuyển hướng con đường thâm nhập vào Trung Hoa của người Pháp.
Nơi dòng Nậm Thi và Sông Hồng hòa nhịp.
Từ khi được tìm kiếm cho đến khi khai mở rồi dần bị thay thế bởi đường sắt, tuyến giao thương đường thủy từ Cửa Cấm (Hải Phòng) qua sông Hồng lên Vân Nam dù đã trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi nhưng nó đã có tác động rất lớn về kinh tế, xã hội và văn hóa đối với khu vực Bắc kỳ nói chung và Laokay nói riêng. Đầu tiên, nó góp phần thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế ở vùng đất Hải Phòng - chỉ trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, người Pháp đã xây dựng ở đấy một thương cảng với những trang thiết bị tối tân phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa. Sự ra đời của cảng Hải Phòng là tiền đề, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực dọc sông Hồng từ Hà Nội lên Lào Cai. Đối với Lào Cai thì trong những năm cuối thể kỷ XIX và cả thế kỷ XX cả tuyến giao thương đường thủy Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam và tuyến đường sắt Việt - Điền đã góp phần đưa vùng đất này lên vị trí trọng yếu, là cầu nối quan trọng trong giao thương hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN và châu Âu.
* Trong bài có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim và cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của các nhà sử học Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy…
Phạm Vũ Sơn