Cơ hội lớn cho doanh nghiệp và ngành du lịch
Trong ngày cuối cùng của tháng 3 vừa qua, hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) chính thức khởi công xây dựng cầu đường bộ vượt sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (Trung Quốc). Dự án này được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao hai nước (1950-2025).
Đáng chú ý, cây cầu này được nhận định không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông mà còn đóng góp lớn vào việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả giao thương và tạo ra cơ hội mới cho nền kinh tế hai quốc gia.
Đối với ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế, đại diện Bộ Xây dựng nhận định việc khởi công cầu mới nối Việt Nam - Trung Quốc, cùng với Cảng hàng không Sa Pa, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mở rộng đường cao tốc đoạn Yên Bái - Lào Cai..., tỉnh Lào Cai sẽ sớm trở thành cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối giao thương.
Vị trí xây dựng cầu đường bộ vượt sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng, việc nâng cấp hạ tầng giao thông sẽ góp phần thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản qua lại giữa hai quốc gia. Việc gia tăng khả năng giao thương cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội xuất khẩu một cách hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, cây cầu này sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch của Việt Nam, khi đó du khách Trung Quốc sẽ dễ dàng tiếp cận các điểm du lịch tại miền Bắc Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2024, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn tại Việt Nam. Tính chung lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt gần 3,96 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với 956 nghìn lượt, chiếm 27,7%.
Dự án cầu Bát Xát - Bá Sái sẽ tiếp tục góp phần giúp tăng trưởng lượng du khách từ Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời kéo theo sự phát triển của các dịch vụ du lịch địa phương như: Khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ giải trí, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch và dịch vụ.
“Dự án cầu Bát Xát - Bá Sái không chỉ là một công trình giao thông mà còn là một biểu tượng cho sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần vào việc xây dựng một mối quan hệ kinh tế bền vững và ổn định giữa hai quốc gia. Việc tăng cường kết nối hạ tầng không chỉ giúp giao thương giữa hai nước thuận lợi hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực biên giới”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.
Thúc đẩy giao thương biên giới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ Việt Nam xác định phát triển hệ thống giao thông xuyên biên giới là yếu tố then chốt để thúc đẩy kinh tế và thương mại khu vực. Các chiến lược hiện nay không chỉ tập trung vào việc xây dựng hạ tầng mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả vận hành.
Một trong những chính sách trọng tâm là chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Mục tiêu nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương hai bên biên giới; thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh biên giới của Việt Nam xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới với các tỉnh có chung đường biên giới, góp phần nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới...
Đáng chú ý, các cây cầu biên giới không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nhờ hệ thống cầu hiện đại, chuỗi cung ứng được tối ưu hóa, gia tăng giá trị xuất - nhập khẩu. Điển hình, Lào Cai đã vươn lên trở thành cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và ASEAN, kết nối chặt chẽ với thị trường Tây Nam Trung Quốc.
Sự phát triển hạ tầng kéo theo sự bùng nổ của ngành dịch vụ, logistics và thương mại, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống người dân. Trước năm 2000, việc di chuyển từ Lào Cai sang thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) chỉ có thể thực hiện qua cầu đường sắt Hồ Kiều. Tuy nhiên, từ khi cầu Hồ Kiều II hoàn thành vào năm 2001, hoạt động vận chuyển hàng hóa và du lịch giữa hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam đã trở nên thuận lợi hơn, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế mới.
Trước nhu cầu gia tăng của thương mại song phương, đặc biệt tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng thêm một cây cầu đường bộ nối thành phố Lào Cai với thị trấn Hà Khẩu. Đề xuất này được Chính phủ chấp thuận vào tháng 10/2022, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng kết nối hạ tầng giữa hai nước. Một tổ chuyên gia kỹ thuật giữa Lào Cai - Vân Nam đã được thành lập để triển khai dự án, tạo nền tảng vững chắc cho giao thương xuyên biên giới trong tương lai.
Theo chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030, phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên cơ sở huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thương mại tại các địa phương biên giới.
Trần Đình