Trường Đại học Thương mại công bố Báo cáo thường niên với chủ đề chuyên sâu về 'Công nghệ AI trong kỷ nguyên số'

Trường Đại học Thương mại công bố Báo cáo thường niên với chủ đề chuyên sâu về 'Công nghệ AI trong kỷ nguyên số'
19 giờ trướcBài gốc
Đây là Báo cáo lần thứ 7 được công bố nằm trong chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế và thương mại lớn một năm qua, nhấn mạnh vào những vấn đề nổi bật trong năm, đồng thời đề xuất các chính sách liên quan.
Tại lễ công bố, PGS.TS Hà Văn Sự, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, chủ đề báo cáo năm nay “Công nghệ AI trong kỷ nguyên số”, không chỉ phản ánh một xu thế công nghệ mang tính thời sự toàn cầu, mà còn gắn liền với những chuyển biến mang tính cấu trúc đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam.
PGS.TS Hà Văn Sự, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại
Trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều biến động địa chính trị - kinh tế, các quốc gia đang nỗ lực tái định hình mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chuyển đổi số toàn diện. Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc kinh tế sâu rộng, gắn liền với quá trình cải cách thể chế, tinh gọn bộ, máy quản trị công, đồng thời đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi trong cả khu vực công và tư.
Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ công nghệ, mà còn là nền tảng tạo lập lợi thế cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo và mở ra những hình thái tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Theo PGS.TS Hà Văn Sự, báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy; nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc thống nhất bao gồm: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam; Các khía cạnh quan trọng phản ánh tình hình kinh tế và thương mại vĩ mô hàng năm.
PGS.TS Hà Văn Sự: "Với sự xuất hiện của các mô hình AI, thế hệ mới như GPT-4.0, Gemini hay các nền tảng AI tích hợp trong chuỗi giá trị sản xuất, trí tuệ nhâ tạo không còn là xu hướng tương lai mà đã trở thành một hạ tầng kinh tế - công nghệ"
Đặc biệt, với chủ đề cho năm 2024 là “Công nghệ AI trong kỷ nguyên số” – một trong lĩnh vực đang định hình lại cấu trúc sản xuất, phân phối tiêu dùng và ra quyết định trên quy mô toàn cầu. Với sự xuất hiện của các mô hình AI, thế hệ mới như GPT-4.0, Gemini hay các nền tảng AI tích hợp trong chuỗi giá trị sản xuất, trí tuệ nhâ tạo không còn là xu hướng tương lai mà đã trở thành một hạ tầng kinh tế - công nghệ. Ở Việt Nam, AI có thể đóng vai trò là động lực thứ ba cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh xuất khẩu và đầu tư. Việc tích hợp AI vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp, cung ứng dịch vụ công và nâng cao năng suất lao động là chìa khóa để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, PGS. Hà Văn Sự cho rằng, Việt Nam việc tận dụng hiệu quả công nghệ AI còn gặp phải không ít rào cản như thiếu hụt nhân lực chuyên môn, dữ liệu không đồng bộ và khung pháp lý chưa hoàn thiện.
Các đại biểu tham dự lễ công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2024 với chủ đề chuyên sâu về “Công nghệ AI trong kỷ nguyên số”.
Với bức tranh tổng thể và các dự báo, cùng những hàm ý chính sách cho năm 2025 và những năm tiếp theo, Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam với chủ đề chuyên sâu “Công nghệ AI trong kỷ nguyên số” mang đến nhiều giá trị khoa học và thực tiễn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam
Báo cáo Thường niên “Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2024 - Công nghệ AI trong kỷ nguyên số” do GS,TS. Đinh Văn Sơn chủ biên.
Nhật Hồng
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/truong-dai-hoc-thuong-mai-cong-bo-bao-cao-thuong-nien-voi-chu-de-chuyen-sau-ve-cong-nghe-ai-trong-ky-nguyen-so-post409242.html