Lương phải đi kèm chất lượng, đạo đức
Đóng góp vào dự án luật, ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đồng tình với đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, khi xếp lương cao nhất phải đi kèm với chất lượng của đội ngũ nhà giáo bởi đây là yếu tố mang tính chất quyết định tới trình độ nhân lực cao.
Ông Dương Khắc Mai phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Thời gian qua, theo ông Mai, vẫn còn một số cán bộ, giáo viên vi phạm, thậm chí phải kỷ luật. Do đó, đi đôi với thực hiện chính sách đặc thù, phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về đạo đức nhà giáo.
Ông Mai cũng đề nghị rà soát quy định: “Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác”.
Bởi theo ông Mai, dự Luật chỉ nên ưu tiên chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn với nhà giáo cấp học mầm non, công tác tại miền núi, hải đảo, vùng khó khăn và giáo viên trường chuyên biệt.
Liên quan tới quy định tại dự thảo “nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, ông Mai đề nghị cân nhắc vấn đề này vì việc xếp lương lần đầu cho nhà giáo cần đặt trong hệ thống quy định xếp lương công chức, viên chức Nhà nước, và đồng bộ với các ngành khác. “Nhìn sang ngành y tế, về thời gian đào tạo để thành một bác sĩ dài hơn giáo viên, áp lực công việc, độ khó chuyên môn không kém nhưng hiện vẫn chưa được áp dụng quy định này. Vì vậy nếu có chính sách này chỉ áp dụng quy định này với nhà giáo chuyên biệt, giáo viên mầm non, giáo viên tại vùng hải đảo, khó khăn, nhưng phải có cam kết thời gian làm việc từ 3-5 năm”-ông Mai nêu vấn đề.
Về chính sách tiền lương đãi ngộ đối với nhà giáo, ĐB Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) đề nghị, đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội để từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết thật phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành. Nhất là chế độ thu hút nói chung, thu hút vùng miền nói riêng, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học, chế độ biệt phái, điều động, chế độ nghỉ hè, đào tạo, bồi dưỡng nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục.
Thừa thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng
Ông Trần Văn Tiến phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, ông Tiến cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Ông băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không? “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng, vì vậy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội”-ông Tiến nêu quan điểm.
Ông Trần Văn Thức phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
Quan tâm tới vấn đề tuyển dụng nhà giáo, là một nhà giáo với hơn 30 năm công tác, và hiện nay đang là Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa, ĐB Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) phản ánh thực tế, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.
Ông Thức đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo. Đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa thiếu giáo viên tại các địa phương.
Bà Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)
ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, việc tuyển dụng nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thậm chí có những địa bàn không tuyển dụng được giáo viên.
Bà Sương đề nghị cần có sự thống nhất đầu mối quản lý giáo dục, phân cấp, phân công hợp lý để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung quy định về bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục.
Theo bà Sương, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng từ xã hội. Do đó, cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.
Việt Thắng