Lương hưu thấp hơn lương cơ sở, cách tính có bất cập không?

Lương hưu thấp hơn lương cơ sở, cách tính có bất cập không?
5 giờ trướcBài gốc
Quy định tính mức hưởng chế độ hưu trí hằng tháng được bù thêm để bằng mức lương cơ sở chỉ áp dụng một lần
Vừa qua, bà Lê Thị Tú (tỉnh Vĩnh Phúc) đã gửi thắc mắc đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị xem xét về mức lương hưu thấp nhất.
Theo trình bày của bà Lê Thị Tú, cuối tháng 1/2018, bà nhận quyết định hưởng chế độ hưu trí. Khi đó, bà có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 20 năm, hưởng tỉ lệ lương hưu 55%, tương ứng mức lương hưu 748.266 đồng/tháng.
Do mức lương hưu của bà Lê Thị Tú nhận được thời điểm đó thấp hơn mức lương tối thiểu quy định nên được bù thêm cho bằng lương cơ sở là 1,3 triệu đồng/tháng.
Qua quá trình tăng lương cơ sở, tại thời điểm tháng 6/2024 bà Tú được hưởng mức lương bằng mức lương cơ sở (thời điểm trước tháng 7/2024) là 1,8 triệu đồng/tháng.
Đến tháng 7/2024, sau khi được điều chỉnh tăng thêm 15% theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP, mức lương hưu hiện nay của bà Tú là 2.070.000 đồng/tháng, thấp hơn mức lương cơ sở hiện tại (2.340.000 đồng/tháng).
Bà Lê Thị Tú cho rằng khi thực hiện Nghị định 75/2024/NĐ-CP, lương hưu của bà thấp hơn mức lương cơ sở là chưa phù hợp với quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Cụ thể, tại các điều luật trên quy định "mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này".
Hơn nữa, theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp này phải áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội để điều chỉnh lương hưu cho người lao động mới đúng vì nó có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
Phản hồi kiến nghị của bà Lê Thị Tú, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay tại điểm a, khoản 1, Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định đối tượng điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 75/2024/NĐ-CP quy định "từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này".
Đối chiếu với quy định trên, trường hợp của bà Tú đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết hưởng chế độ hưu trí hằng tháng từ tháng 1/2018 với mức hưởng là 1.300.000 đồng/tháng.
Qua các lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của Chính phủ, mức hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm tháng 6/2024 là 1.800.000 đồng/tháng, tháng 7/2024 mức hưởng chế độ hưu trí hằng tháng của bà Tú sau khi được điều chỉnh theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP là: 1.800.000 x 15% = 2.070.000 đồng/tháng là đúng với quy định của Nhà nước.
Như vậy, quy định tính mức hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của bà Lê Thị Tú được bù bằng mức lương cơ sở chỉ áp dụng tính tại thời điểm bà bắt đầu hưởng chế độ hưu trí tháng 01/2018, không có quy định tính đối với các lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
An Nhiên
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/luong-huu-thap-hon-luong-co-so-cach-tinh-co-bat-cap-khong-post592917.antd