Lương là ưu tiên số 1 của người lao động trong năm 2025

Lương là ưu tiên số 1 của người lao động trong năm 2025
8 giờ trướcBài gốc
Thực trạng thị trường lao động với doanh nghiệp
Báo cáo cho thấy sự dịch chuyển đáng kể trong nhu cầu tuyển dụng và chiến lược nhân sự trong năm 2024 với 54,7% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng so với năm 2023, trong khi 26,6% duy trì mức tuyển dụng ổn định và 18,7% điều chỉnh giảm do ảnh hưởng từ kinh tế.
Trong năm 2025, mặc dù có xu hướng tăng tuyển dụng, phần lớn doanh nghiệp vẫn thận trọng, với chỉ 37,36% có kế hoạch tuyển thêm dưới 10% nhân sự và 29,81% dự kiến tăng từ 10% đến dưới 20%. Điều này cho thấy sự thận trọng trong tối ưu hóa nguồn lực.
Cụ thể, các doanh nghiệp tiếp tục ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm từ 1 đến 3 năm (55,47%) và từ 3 đến 5 năm (27,36%). Các vị trí được tuyển nhiều nhất thuộc lĩnh vực Kinh doanh/Bán hàng (59,43%), Sản xuất (33,02%) và Dịch vụ khách hàng (24,34%).
Về kỹ năng, doanh nghiệp đánh giá cao khả năng giải quyết vấn đề (73,06%) và giao tiếp hiệu quả (63%), cùng với các kỹ năng ngoại ngữ, tư duy phân tích và thích ứng linh hoạt.
Thực trạng với ứng viên người lao động
Báo cáo cho thấy 63,5% người lao động ghi nhận mức thu nhập tăng trong năm 2024. Trong đó, 23,3% có mức tăng trên 10%, và 10,2% đạt mức tăng vượt 20%. Tuy nhiên, 13,3% lao động ghi nhận mức giảm thu nhập, với 3,7% chịu mức giảm trên 20%.
Bên cạnh tình hình thu nhập, khoảng 72,53% người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi bắt buộc. Tuy nhiên, vẫn còn 12,55% chưa nhận đủ các phúc lợi cần thiết và 10,01% không được hưởng bất kỳ chế độ phúc lợi bắt buộc nào.
Trong năm 2024, các yếu tố quan trọng nhất khi người lao động tìm kiếm công việc mới bao gồm mức lương (61,92%), cơ hội thăng tiến (36,41%) và quản lý trực tiếp (27,10%).
Sang năm 2025, người lao động ưu tiên lương (78,92%), cơ hội thăng tiến (37,09%) và chính sách thưởng (28,19%), cho thấy nhu cầu không chỉ về thu nhập mà còn về lộ trình phát triển rõ ràng.
Triển vọng năm 2025
Báo cáo cũng nhấn mạnh sự bùng nổ của công nghệ AI trong quá trình tìm kiếm việc làm và xu hướng làm việc linh hoạt. Theo báo cáo, AI đang dần được ứng viên sử dụng để tối ưu hóa CV, tìm kiếm việc làm, tra cứu thông tin doanh nghiệp, luyện phỏng vấn và phát triển kỹ năng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ 18,45% ứng viên đã hoặc đang sử dụng AI trong quá trình tìm việc, trong khi 81,55% vẫn chưa tiếp cận công nghệ này. Trong các công cụ AI phổ biến, ChatGPT dẫn đầu với 66.54% người dùng, theo sau là Gemini (15,53%) và Copilot (7,21%).
Bên cạnh đó, mô hình làm việc linh hoạt, đặc biệt là làm việc 4 ngày/tuần, đang trở thành xu hướng toàn cầu nhằm nâng cao năng suất và cân bằng công việc - cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang xem xét áp dụng mô hình này để thu hút nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Những xu hướng này cho thấy trong năm 2025, người lao động cần chủ động cập nhật công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh, trong khi doanh nghiệp phải có chiến lược nhân sự linh hoạt để thích nghi với sự thay đổi của thị trường.
Báo cáo ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của xu hướng Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DE&I) trong doanh nghiệp. Cụ thể, 20,27% nhà tuyển dụng đã ưu tiên phát triển yếu tố này nhằm tạo ra môi trường làm việc đa dạng, đảm bảo cơ hội công bằng cho mọi nhân viên. Xu hướng này không chỉ góp phần nâng cao tinh thần làm việc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân nhân tài.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững (ESG - Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã không còn là một xu hướng đơn thuần mà trở thành yếu tố cốt lõi trong chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Trong năm 2025, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh các sáng kiến ESG nhằm thu hút nhân sự, đồng thời xây dựng một môi trường làm việc có trách nhiệm và bền vững. Các chiến lược phổ biến bao gồm tối ưu hóa quy trình vận hành để giảm thiểu tác động môi trường, triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội và nâng cao tính minh bạch trong quản trị. Việc tích hợp ESG vào chiến lược nhân sự không chỉ nâng cao hình ảnh thương hiệu mà còn tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, nơi nhân viên cảm thấy được đóng góp vào những giá trị lâu dài và có ý nghĩa.
Cùng với đó, AI đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực tuyển dụng. Báo cáo ghi nhận 28% doanh nghiệp đã triển khai AI nhằm tối ưu hóa quy trình sàng lọc hồ sơ và phân tích dữ liệu ứng viên. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới khi các doanh nghiệp nhận thấy rõ lợi ích của AI trong việc nâng cao hiệu quả tuyển dụng. Các công nghệ tiên tiến như học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ được ứng dụng mạnh mẽ hơn, giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên và hỗ trợ nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân tài một cách nhanh chóng, chính xác hơn.
Những việc làm mới sẽ xuất hiện
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của kinh tế số và chuyển đổi số, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng, Sản xuất và Logistics. Theo báo cáo từ Navigos Group, nhu cầu nhân lực trong một số ngành đang tăng cao nhưng vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao. Đặc biệt, các vị trí như Khoa học Dữ liệu (Data Scientist), Nghiên cứu AI (AI Researcher), Kỹ sư học máy (Machine Learning Engineer) và Chuyên viên Nghiên cứu dữ liệu (Data Researcher) đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, ngành logistics tại Việt Nam cũng đang thiếu hụt nhân sự, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng hải và kho bãi, trong khi công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh nhờ chính sách thu hút đầu tư và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý, Việt Nam đang có cơ hội trở thành trung tâm nhân sự chip bán dẫn khi các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia gia tăng sự hiện diện tại đây.
Để tận dụng tối đa những cơ hội này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính phủ và các cơ sở đào tạo nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư vào kỹ năng chuyên môn và công nghệ sẽ là chìa khóa để Việt Nam khẳng định vị thế trong giai đoạn phát triển mới.
Để thích nghi với sự thay đổi của thị trường, Navigos Group khuyến nghị doanh nghiệp: tập trung nâng cao kỹ năng: đặc biệt là tư duy phân tích, sáng tạo và hiểu biết về công nghệ. Đầu tư vào công cụ AI: Giúp tối ưu quy trình vận hành và nâng cao năng suất lao động. Áp dụng mô hình làm việc kết hợp (Hybrid): Xu hướng linh hoạt này đang ngày càng phổ biến và là yếu tố cạnh tranh giúp thu hút và giữ chân nhân tài. Thúc đẩy DE&I (Diversity, Equity & Inclusion): Xây dựng môi trường làm việc tích cực và đa dạng là chiến lược quản trị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Và xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng và đa dạng các kênh tuyển dụng: giúp thu hút và giữ chân nhân tài
Còn đối với ứng viên/ người lao động, để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình kinh tế thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới, người lao động cần: nâng cao kỹ năng (Upskilling & Reskilling): Đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến AI, dữ liệu và công nghệ số. Chú trọng ngoại ngữ: Tiếng Anh, Trung, Hàn, Nhật sẽ là lợi thế lớn khi làm việc tại các công ty đa quốc gia.
Nhuệ Mẫn
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/luong-la-uu-tien-so-1-cua-nguoi-lao-dong-trong-nam-2025-post364006.html