Lương lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước có thể lên tới 320 triệu đồng/tháng

Lương lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước có thể lên tới 320 triệu đồng/tháng
9 giờ trướcBài gốc
Dự thảo quy định cụ thể về tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho các chức danh lãnh đạo tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cũng như người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Các nhóm đối tượng áp dụng gồm: Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp; trưởng ban kiểm soát và kiểm soát viên; người đại diện phần vốn Nhà nước; và các cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Tiền lương, thù lao sẽ được chi trả theo nguyên tắc gắn với hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo theo quy định của Luật số 68/2025/QH15. Với chức danh chuyên trách, lương và thưởng do doanh nghiệp chi trả; còn đối với chức danh không chuyên trách, tiền lương do cơ quan chủ sở hữu chi trả, còn thù lao do doanh nghiệp chi trả.
Đáng chú ý, quỹ lương sẽ tính đến yếu tố khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp - một nội dung kế thừa từ Nghị định số 44/2025/NĐ-CP nhằm đảm bảo sự công bằng giữa hiệu quả thực tế và mức thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp.
Về mức lương, dự thảo chia thành 7 cấp, áp dụng cho hai nhóm doanh nghiệp. Nhóm I gồm các tập đoàn, tổng công ty với 4 mức lương; Nhóm II là các doanh nghiệp độc lập với 3 mức. Mức lương cơ bản cao nhất là 80 triệu đồng/tháng (Chủ tịch thuộc Nhóm I, mức 1), thấp nhất là 30 triệu đồng/tháng (thành viên hội đồng, kiểm soát viên thuộc Nhóm II, mức 3). Trên cơ sở lương cơ bản, nếu doanh nghiệp đạt kế hoạch lợi nhuận thì người đứng đầu được hưởng tối đa 2 lần mức lương này (160 triệu đồng/tháng). Nếu vượt kế hoạch, có thể cộng thêm tối đa 20% lương, nâng tổng mức lên 192 triệu đồng/tháng.
Với doanh nghiệp có quy mô lớn, lợi nhuận cao vượt trội, dự thảo bổ sung các khung lương mở rộng nhằm đảm bảo cạnh tranh với thị trường. Cụ thể, nếu doanh nghiệp đạt lợi nhuận gấp 2 lần mức tối thiểu (tương ứng 11.000 tỷ đồng), lương tối đa được nâng lên 200 triệu đồng (gấp 2,5 lần lương cơ bản); gấp 3 lần lợi nhuận tối thiểu (16.500 tỷ đồng) thì lương tối đa là 240 triệu đồng (gấp 3 lần); và nếu lợi nhuận đạt 27.500 tỷ đồng (gấp 5 lần), lương tối đa có thể lên tới 320 triệu đồng/tháng, tương đương 4 lần mức lương cơ bản.
Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối đa này là phù hợp với thực tế đang được một số doanh nghiệp Nhà nước triển khai. Trước đó, theo Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, khung lương tối đa không bị giới hạn cụ thể, dẫn đến thực tế một số lãnh đạo doanh nghiệp có mức lương rất cao. Chẳng hạn, trong khối ngân hàng, có doanh nghiệp trả lương cho Chủ tịch tới 300 triệu đồng/tháng, mức lương bình quân của thành viên hội đồng quản trị và kiểm soát viên là 213 triệu đồng/tháng.
Đối với các doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc thua lỗ, dự thảo quy định mức lương chỉ bằng 50-80% lương cơ bản, phù hợp với quy định hiện hành. Việc gắn tiền lương với lợi nhuận thực tế, thay vì tỉ suất lợi nhuận như trước, được cho là phù hợp với tinh thần cải cách của Luật số 68/2025/QH15 và định hướng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.
Việc siết chặt cơ chế trả lương nhằm minh bạch, gắn chặt thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước với hiệu quả kinh doanh thực tế, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, sánh ngang với doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường.
Thiên Bình
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/luong-lanh-dao-doanh-nghiep-nha-nuoc-co-the-len-toi-320-trieu-dong-thang-320189.html