Lương nhà giáo xếp cao nhất phải đi kèm giảm biên chế, tinh gọn bộ máy

Lương nhà giáo xếp cao nhất phải đi kèm giảm biên chế, tinh gọn bộ máy
3 giờ trướcBài gốc
Theo chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn
Những dự kiến về chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo
Theo dự thảo luật, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên.
Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác (về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định...).
Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Cần quyết liệt tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy các trường công lập
Thực tế, những chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật nhà giáo được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nên đa số phù hợp, được đồng thuận cao nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng, chính sách của nhà nước chăm lo cho giáo dục, phát triển giáo dục.
Tuy vậy, thực chất với mô hình quá nhiều các trường mầm non, phổ thông công lập với khoảng 1,5 triệu giáo viên các cấp hiện tại, việc tăng lương cao nhất và các chính sách hỗ trợ sẽ còn nhiều rào cản, thách thức.
Là một giáo viên hơn 20 năm công tác ở bậc phổ thông, người viết đồng thuận cao với những chính sách được trình bày tại dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất này.
Nhưng người viết cho rằng tăng lương, chế độ cho nhà giáo phải đi kèm với sự quyết liệt tinh giảm biên chế, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người thiếu động lực, không đủ tiêu chuẩn, thiếu phấn đấu và phải tinh gọn bộ máy một cách quyết liệt,,...
Để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, người viết xin được đề xuất các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục, giảm đầu mối
Giai đoạn công nghệ số nên mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính, nhân sự và chịu trách nhiệm trước cấp trên.
Phòng, sở Giáo dục và Đào tạo nên được tính toán tinh gọn nhân sự, phòng ban, chỉ nên là đầu mối trung gian, phụ trách chuyên môn, giảm bớt biên chế không cần thiết.
Thứ hai, sáp nhập các trường cùng cấp, liên cấp
Việc này được ngành giáo dục quan tâm thời gian qua nhiều cơ sở được sáp nhập nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn hiện tượng sáp nhập cơ học.
Nên quyết liệt sáp nhập các cơ sở giáo dục phổ thông, trường phổ thông liên cấp, mô hình trường cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nên được đẩy mạnh sắp xếp, sáp nhập vì nó có nhiều điểm tương đồng, có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quản lý, phát triển chuyên môn.
Thứ ba, giảm số lượng cấp phó
Theo quy định hiện nay tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP, mỗi trường mầm non đến trung học phổ thông được bổ nhiệm tối đa 2 phó hiệu trưởng, theo người viết nên được tính toán, nghiên cứu lại nên chỉ có từ 1 phó hiệu trưởng để tăng trách nhiệm và hiệu quả, trừ các trường có trên 30 lớp có thể bổ sung thêm 1 phó hiệu trưởng.
Thứ tư, tăng thời gian làm việc giáo viên
Đây là mấu chốt vấn đề tinh giảm biên chế, chỉ cần những giáo viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm sẽ hiệu quả hơn đông người làm việc mà kém hiệu quả.
Do đó, giảm giáo viên công lập bằng cách tăng thời gian làm việc để giảm biên chế người viết cho rằng nên được nghiên cứu, tính toán để tăng hiệu suất và hiệu quả.
Giáo viên phổ thông làm việc theo tiết dạy hiện nay khá rảnh về thời gian, giáo viên phổ thông dạy từ 17-23 tiết/tuần là khá ít, nhiều giáo viên dạy trong trường xong thì dạy thêm, bán hàng online, dạy thỉnh giảng,… khá nhiều, nếu giáo viên làm công việc vất vả thì sẽ không đủ sức để dạy thêm nhiều hay “chạy sô” như hiện nay.
Có giáo viên dạy ở 1 đơn vị xong còn thỉnh giảng ở 2,3 trường khác (do rảnh nhiều thời gian), nên về thời gian làm việc hiện nay giáo viên chưa tương xứng với tính chất, mức độ công việc.
Tôi cho rằng giáo viên phải làm việc giờ hành chính (tính toán cả thời gian dạy, chấm bài, sinh hoạt chuyên môn, hội họp, bồi dưỡng thường xuyên, các cuộc thi,…) và tăng thời lượng giảng dạy để tinh giản biên chế. Người viết cho rằng bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông nên dạy từ 25 tiết/tuần là phù hợp.
Thứ năm, giáo viên dạy liên trường
Có trường hợp giáo viên dạy ở cơ sở này thiếu định mức tiết dạy hàng tuần theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng lại dạy thỉnh giảng ở đơn vị khác (được hưởng tiền) mặc dù 2 đơn vị gần nhau, cùng dùng ngân sách trả lương và chịu chung sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Nên, thực hiện giáo viên dạy liên trường trong cùng đơn vị cấp huyện vừa tận dụng trí tuệ, công sức và phát huy tinh thần trách nhiệm của giáo viên
Thứ sáu, mở rộng trường dân lập, tư thục
Đây cũng là giải pháp nên được ưu tiên, khuyến khích trong giai đoạn hiện nay, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa công – tư, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách, giáo viên được lựa chọn nơi làm việc, công tác tốt có thể chọn trường ngoài công lập để được trả lương cao, thu nhập cao, đãi ngộ tốt.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dangcongsan.vn/thoi-su/luat-nha-giao-nhieu-diem-moi-ve-chinh-sach-tuyen-dung-tien-luong-tuoi-nghi-huu-682768.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Mỹ Tiên
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/luong-nha-giao-xep-cao-nhat-phai-di-kem-giam-bien-che-tinh-gon-bo-may-post246875.gd