Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. (Ảnh: MOET)
Những điểm mới nâng cao vị thế người thầy
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Theo đó, nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật Viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.
Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại Luật này.
Lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo. Ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo; Các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.
Có ý kiến băn khoăn về quy định không được “Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo”, vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo.
Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.
Cùng với đó, ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao…
Chính sách tiền lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Cùng với đó, nhà giáo được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác (như việc bảo đảm nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, Tết...). Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo…
Thầy làm tốt rồi sẽ lôi kéo được trò
Hình ảnh cô trò trong Lễ bế giảng trước mùa thi. (Ảnh: THPT Phan Đình Phùng, HN)
Đặt ra 6 vấn đề cụ thể đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thứ nhất về vị trí của giáo dục và đào tạo. Theo Tổng Bí thư, vị trí của giáo dục và đào tạo rất có ý nghĩa về chiến lược công tác cán bộ, bởi trong công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là quan trọng và đã nói tới đào tạo là phải có thầy.
“Đây là đột phá quốc gia và là trọng tâm. Trong đào tạo người thầy rất quan trọng, muốn giáo dục phát triển được đầu tiên phải có thầy, có trường. Với định hướng chung này của Đảng, tôi cho rằng phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy”, Tổng Bí thư nhận định, dự thảo Luật Nhà giáo đang ở tầm những gì trước đây chưa quy định thì quy định, cần phải vượt lên được về tầm, xác định được vai trò quan trọng của giáo dục, đào tạo. Trong giáo dục và đào tạo người thầy là chủ thể chính.
Thứ hai, theo Tổng Bí thư, đã nói tới thầy thì phải có trò và Luật Nhà giáo phải giải quyết được mối quan hệ thật tốt giữa thầy và trò. “Nếu không có trò không có thầy. Trong Luật phải giải quyết được mối quan hệ rất quan trọng này”, Tổng Bí thư yêu cầu.
Nêu ví dụ cụ thể giải quyết chính sách phổ cập giáo dục, tức là các cháu đã đến tuổi là phải được đến trường và tiến đến là Nhà nước phải nuôi, bỏ học phí, Tổng Bí thư khẳng định, nên không thể nói thiếu thầy được, có trò là phải có thầy - quy định rõ như thế: “Mà điều này hiện nay rất thuận lợi, ở trong xã, trong phường, trong huyện, quận… sẽ có bao nhiêu cháu ở từng độ tuổi, dữ liệu dân cư biết ngay, vậy là có trò rồi, có trò thì phải chủ động có thầy. Bây giờ lại thiếu tới trăm nghìn thầy thì các cháu đi học thế nào. Rồi đã có trò, có thầy phải có trường; quy hoạch, quản lý thế nào mà nói không có trường được. Tất cả phải được giải quyết và đó là việc đang rất thời sự”.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu yêu cầu thứ ba về việc phải xác định người thầy là một nhà khoa học và dự thảo Luật Nhà giáo phải thể hiện được, khái quát được, trong đó bao gồm mối quan hệ giữa nhà khoa học, giữa trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp, với Nhà nước. “Đòi hỏi của nhà khoa học với người thầy rất lớn, không thể đứng lại được, khoa học, tri thức có dừng lại đâu. Phải mang được những tâm thế đó, người thầy phải là nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu”, Tổng Bí thư nói.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, Tổng Bí thư nhắc đến vấn đề thứ tư mà dự thảo Luật Nhà giáo cần thể hiện được, đó là giáo dục hội nhập thế nào, người thầy hội nhập thế nào? “Vừa rồi chúng ta tuyên bố phổ cập tiếng Anh trong giáo dục, như vậy thầy phải tiếng Anh thế nào mới phổ cập được. Thầy có trình độ tiếng Anh thế nào? Có quy định thầy nước ngoài không, thầy nước ngoài có phải chấp hành theo Luật Nhà giáo của Việt Nam không? Chúng ta đã đề cập gì chưa? Muốn hội nhập được phải có con người, mà con người đào tạo được trước hết phải là người thầy. Nếu bây giờ không có thầy tiếng Anh làm sao có trò tiếng Anh được. Thầy dạy Toán, thầy dạy Văn cũng phải có tiếng Anh chứ không chỉ riêng thầy dạy Ngoại ngữ. Phải tiếp cận, phải hội nhập. Các chính sách đó phải được thể hiện với những yêu cầu cụ thể”, Tổng Bí thư nêu yêu cầu.
Vấn đề thứ năm được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là chính sách về học tập suốt đời được thể hiện trong Luật Nhà giáo. Cụ thể, với độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên, Tổng Bí thư cho rằng, thầy nghỉ hưu không được giảng dạy nữa thì rất khó khăn, trong khi chính sách mở rộng học tập suốt đời, huy động các lực lượng xã hội vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy; “trò rất già thì cũng phải có thầy rất già”…
Tổng Bí thư cũng nhắc đến những người thầy giảng dạy trong môi trường đặc biệt như các thầy dạy học tại các trường trại giam cần có yếu tố đặc biệt, vừa giảng dạy vừa tình cảm, vừa thu hút, vừa lôi kéo. Hoặc thầy, cô giáo ở miền núi cũng phải được coi là môi trường đặc biệt, thầy không những dỗ dành trẻ đến trường, mà còn phải nuôi các cháu đi học, phải động viên, phải hy sinh… và đặt yêu cầu, cần chính sách gì cho những môi trường đặc biệt đó.
“Tôi đi miền núi thấy rất khó khăn, các cháu đi học 20 - 30 cây số làm sao đi hàng ngày được, trường nội trú không có. Trò không có nơi học tập, sinh hoạt, thầy càng không, thế làm sao được. Mỗi trường như thế phải có nhà công vụ cho giáo viên. Chính sách cần cụ thể, phải bao quát đến những việc như vậy. Những vùng khó khăn về kinh tế - xã hội lại là vùng trũng về giáo dục và đào tạo, khó khăn về phát triển nguồn nhân lực. Càng khó khăn càng trũng mãi. Cần phải có chính sách khuyến khích”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Cuối cùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải làm sao để người thầy đón nhận Luật Nhà giáo, thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy. Chứ không để Luật ra thầy lại thấy khó khăn hơn. Thầy làm tốt rồi sẽ lôi kéo được trò, người thầy là đầu tàu cho giáo dục…
Nguyệt Thương