Hai nước Mỹ - Trung đang tiến gần đến cuộc chiến tranh thương mại. Ảnh: FT.
“Trung Quốc đã trở nên giàu có, Mỹ mất hàng triệu việc làm”
Tuy nhiên, ngày 23/1, Thượng viện và Hạ viện Mỹ lại đề xuất dự luật, đe dọa bãi bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR, hay quy chế tối huệ quốc) mà Mỹ đã dành cho Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên các chính trị gia Mỹ có hành động tương tự, và cái gọi là "gây tổn hại đến ngành sản xuất của Mỹ" và "bảo vệ an ninh quốc gia" là những câu cửa miệng của họ để tấn công Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng việc bãi bỏ quy chế PNTR của Trung Quốc sẽ là hành động leo thang xung đột nghiêm trọng hơn và gây ra hậu quả sâu rộng hơn, thậm chí còn lớn hơn cả việc tăng thuế quan toàn diện.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) đã cảnh báo trong một báo cáo phân tích được công bố vào tháng 12/2024 rằng việc bãi bỏ PNTR của Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến ngành công nghiệp của Mỹ và dẫn đến thâm hụt thương mại lớn hơn của Mỹ, trái ngược với ý định ban đầu của những người ủng hộ.
Trước đó, vào ngày nhậm chức tổng Thống 20/1, ông Donald Trump đã ban hành bản ghi nhớ yêu cầu nội các đánh giá luật về việc cấp quy chế PNTR cho Trung Quốc.
Ngày 20/1, ông Trump ký một loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó có liên quan đến đến quan hệ Mỹ - Trung. Ảnh: Guancha.
Theo Fox News, Reuters và các hãng truyền thông khác, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton của Arkansas đã tái giới thiệu cái gọi là “Restoring Trade Fairness Act, RTFA” (Đạo luật khôi phục công bằng thương mại) tại Thượng viện vào ngày 23/1, và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Banks là người đồng bảo trợ. Dự luật này cũng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Hạ viện, nơi John Moolenaar, chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc, đã giới thiệu dự luật này cùng với dân biểu Tom Suozzi bang New York.
Các chính khách tuyên bố trong dự luật rằng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu là 35% đối với hàng hóa không phải chiến lược nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 100% đối với hàng hóa chiến lược, và sẽ thực hiện theo từng giai đoạn trong vòng 5 năm: 10% trong năm đầu tiên và 25% vào năm thứ 2, năm thứ tư là 50% và năm thứ 5 là 100%.
Dự luật này cũng sẽ chấm dứt "chế độ miễn thuế nhỏ" đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, tức là sẽ không còn chính sách miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới ngưỡng 800 USD. Theo dự luật, doanh thu thuế sẽ được dùng để bồi thường cho những người nông dân và nhà sản xuất có thể bị tổn hại do các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, cũng như để mua các loại đạn dược quan trọng cho một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng.
Sau khi Trung – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, chính phủ Mỹ hàng năm đều xem xét lại quan hệ thương mại bình thường của Trung Quốc. Năm 2000, theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu trao cho Trung Quốc PNTR, mở đường cho Trung Quốc gia nhập WTO.
Điều này có nghĩa là Mỹ không cần phải xem xét lại quan hệ thương mại với Trung Quốc theo từng năm và hai nước có thể được hưởng mức thuế quan ưu đãi, hạn ngạch nhập khẩu, miễn trừ một số cuộc thanh tra...
Việc thiết lập chế độ PNTR là nền tảng cho sự ổn định và có đi có lại trong quan hệ thương mại Trung - Mỹ, đồng thời đã làm thay đổi căn bản mô hình trao đổi thương mại giữa hai nước. Kể từ đó, thương mại giữa hai nước đã tăng đáng kể - người tiêu dùng Mỹ có thể mua hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng từ khoảng 50 tỷ USD Mỹ lên khoảng 500 tỷ USD, gấp 10 lần.
Mức thuế quan trung bình đối với các quốc gia được hưởng quy chế PNTR là khoảng 3%. Tuy nhiên, ông Trump đã chỉ trích thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ và tuyên bố sẽ áp dụng thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump, Mỹ đã áp dụng thêm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc theo từng ngành, dẫn đến mức thuế quan cao hơn mà Trung Quốc phải chịu.
Cán cân thương mại Trung - Mỹ đang xuất siêu lớn về phía Trung Quốc. Ảnh: Guancha.
Khi giới thiệu dự luật, ông Cotton tuyên bố rằng quy chế PNTR đã làm cho Trung Quốc "giàu có" trong khi khiến Mỹ mất hàng triệu việc làm.
Ông John Mueller, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt Hạ viện về Trung Quốc, là người tiên phong trong việc thúc đẩy hủy bỏ quy chế PNTR của Trung Quốc, theo Bloomberg.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các chính trị gia Mỹ có hành động tương tự. Vào ngày 19/11 năm ngoái, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) trực thuộc Quốc hội Hoa Kỳ đã chính thức khuyến nghị trong báo cáo thường niên rằng nên thu hồi quy chế PNTR của Trung Quốc.
John Moolenaar, chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện, người đi đầu trong việc hô hào bãi bỏ quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc. Ảnh: Guancha.
Nếu Mỹ hủy bỏ PNTR, tác động sẽ ra sao?
Hiện tại, Mỹ chỉ không có quan hệ thương mại bình thường với 4 quốc gia: Belarus, Cuba, Triều Tiên và Nga.
Đáp lại hành động thụt lùi của các chính trị gia Mỹ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã tuyên bố bất kỳ hành động nào như vậy sẽ gây tổn hại đến lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ. Người phát ngôn của đại sứ quán Lưu Bằng Vũ nói: "Một số chính khách Mỹ đang cố gắng đảo ngược lịch sử và kéo quan hệ kinh tế, thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Ông Đồ Tân Tuyền, Viện trưởng nghiên cứu WTO tại Đại học Ngoại thương Bắc Kinh và Ủy viên học thuật của Trung tâm nghiên cứu trao đổi văn hóa Trung Quốc-nước ngoài tại Đại học Bắc Kinh đã viết bài phân tích rằng nếu Trump hủy bỏ chế độ PNTR dành cho Trung Quốc, tác động sẽ còn lớn hơn cả việc tăng thuế trên diện rộng.
Theo ông, việc thu hồi quy chế PNTR của Trung Quốc là hành động leo thang xung đột có tính chất nghiêm trọng hơn và gây ra hậu quả sâu rộng hơn; tương đương với việc tuyên bố quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên hoàn toàn nằm ngoài khuôn khổ WTO. Mặt khác, Mỹ đã thiết lập quy chế PNTR của Trung Quốc thông qua một đạo luật chính thức của Quốc hội năm 2000 và được Tổng thống Mỹ ký. Việc bãi bỏ quy chế PNTR của Trung Quốc có nghĩa là hiện thân của ý chí quốc gia chứ không phải là sở thích cá nhân của tổng thống và có ý nghĩa ngoại giao.
Ông Đồ Tân Tuyền cho rằng khả năng cao là Trump sẽ hủy bỏ quy chế PNTR của Trung Quốc sau khi nhậm chức, nhưng chưa chắc chắn về cách thực hiện. Chính quyền Trump có thể đạt được mục tiêu này thông qua các sắc lệnh hành pháp hoặc biện pháp lập pháp.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết trong một phân tích rằng ngay cả khi Trung Quốc không trả đũa, việc thu hồi quy chế PNTR của Trung Quốc sẽ "dẫn đến sự suy giảm ngắn hạn trong GDP thực tế của Mỹ so với dự báo cơ bản”
Phân tích cho rằng: "Thật trớ trêu khi việc thu hồi quy chế này sẽ gây tổn hại đến ngành công nghiệp Mỹ và dẫn đến thâm hụt thương mại lớn hơn của Mỹ, điều này trái ngược với mục đích mà những người đề xuất mong muốn".
Theo Guancha
Thu Thủy