Bất động sản kỳ vọng bùng nổ nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ về giá đất trên trời. (Ảnh: HNV)
Công cuộc và bộ máy chính quyền hai cấp của nước ta gần đây chính là một động lực quan trọng đó. Đây cũng là nhận định chung được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng tình tại sự kiện “Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới, vận hội mới” diễn ra chiều 3/7 vừa qua tại Hà Nội.
Nguy cơ thị trường dư nguồn cung
Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Group cho biết, thị trường bất động sản đang đối mặt với nguy cơ thừa cung khi chủ đầu tư đổ xô phát triển đại dự án.
"Thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ "bùng nổ". Sự bùng nổ của thị trường sẽ diễn ra ở khía cạnh khác, không nằm ở giá cả, bởi giá tăng cao sẽ khiến người dân khó mua được nhà, mà là sự bùng nổ ở nguồn cung", ông Vũ khẳng định.
Theo đó, ông Vũ dẫn chứng, trước đây, khan hiếm đã đẩy giá bất động sản tăng cao. Đơn cử như dự án chung cư 88 Láng Hạ đã tăng giá từ 40 triệu đồng/m2 lên 100 triệu đồng/m2, tức gấp 2,5 lần. Nhưng sắp tới, thị trường sẽ chuyển từ thiếu nguồn cung sang dư thừa nguồn cung. Chúng ta sẽ sống trong thời kỳ "thừa nguồn cung" bất động sản, nguồn cung sẽ tăng rất khủng khiếp.
Thực tế phát triển thị trường bất động sản những năm qua cũng cho thấy nếu trước đây dự án quy mô 1.000ha đã được coi là lớn, nhưng giờ các dự án siêu đô thị có diện tích 1.700ha, 4.000ha, thậm chí lên đến 10.000ha đang xuất hiện. Đây là điều chưa từng có, cuộc chơi mới sẽ hoàn toàn khác biệt, một sự thay đổi vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Group. (Ảnh: HNV)
Ông Vũ cảnh báo tình trạng cung thừa nhưng giá cao có thể dẫn đến mất thanh khoản vì vượt ngưỡng chi trả của phần đông người dân, khiến người trẻ ngày càng khó có nơi an cư.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tin rằng: "Thị trường bất động sản đang mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng. Chủ trương sáp nhập tỉnh, một bước đi chiến lược của Chính phủ, hứa hẹn tạo ra một làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ trên khắp cả nước. Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự hình thành của các thành phố vệ tinh hiện đại, những đô thị song sinh sầm uất, từ đó kiến tạo một thị trường bất động sản với động lực tăng trưởng mới".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo, giai đoạn 2016, khi nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở đã vô tình tạo ra một nghịch lý là sự thiếu hụt các dự án sau đó, đẩy giá bất động sản lên cao trong giai đoạn vừa qua. Nhưng vài năm trở lại đây, nhất là trong bối cảnh hiện tại, thị trường sắp tới sẽ "bội cung".
Giá đất bị “thổi” lên quá cao so với thực tế
Thị trường bất động sản được gỡ vướng về thể chế, thủ tục nhanh hơn nhưng giá đất 'trên trời', mức độ 'bong bóng' cao đang gây áp lực lớn cho thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. (Ảnh: HNV)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá đất ở nhiều địa phương bị "thổi" lên mức quá cao so với thực tế đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Nhiều nơi, giá đất trong bảng giá được hợp lý hóa từ những giao dịch có độ bong bóng rất lớn. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì làm giảm sức hút đầu tư và khiến người có nhu cầu thật khó tiếp cận.
Nội lực của các doanh nghiệp bất động sản còn yếu, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều đơn vị đã bộc lộ nhiều vấn đề, thậm chí sụp đổ khi sự cố xảy ra. Trong khi đó, những doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn vừa qua là nhờ chuẩn bị trước nguồn lực và chiến lược từ nhiều năm.
"Việc hình thành các siêu đô thị hàng chục nghìn ha không thể chỉ dựa vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ. Chúng ta cần có những doanh nghiệp lớn dẫn dắt, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đồng hành để xây dựng nội lực dần dần", ông Đính nói thêm.
Việc sắp xếp, tinh gọn địa phương trong cả nước và cả các cấp chính quyền được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chung cho kinh tế, trong đó có bất động sản. (Ảnh: THU HÀ)
Một vấn đề khác là chất lượng thị trường vốn còn hạn chế. Khi khủng hoảng xảy ra, tín dụng tắc nghẽn, doanh nghiệp thiếu kênh huy động vốn dài hạn đã rơi vào khủng hoảng thanh khoản, lao dốc rất nhanh.
Để tránh lặp lại vòng xoáy "bong bóng-sụp đổ", các chuyên gia cho rằng cần tăng cường kiểm soát minh bạch, nhất là yêu cầu giao dịch qua sàn để giảm thiểu tình trạng đầu cơ, thổi giá.
"Kiểm soát tốt nhưng vẫn phải tạo điều kiện. Nếu làm nửa vời, thị trường sẽ mãi kém minh bạch, dễ bị thao túng", ông Đính nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, một số chuyên gia cho rằng nội lực của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thật sự mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ các vấn đề và thậm chí sụp đổ khi sự cố xảy ra.
Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy việc phát triển đất nước phải cần tới một số doanh nghiệp lớn, bởi họ mới có thể sẵn sàng vào một cuộc chơi mới, hình thành các siêu đô thị mới có quy mô hàng chục ngàn ha.
“Nhà nước đang có nhiều nỗ lực để kiểm soát, điều hành vấn đề này. Chúng tôi đề xuất các giao dịch đều phải qua sàn giao dịch để kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng thao túng, lũng đoạn, đầu cơ, thổi giá” – ông Đính đề xuất.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển. (Ảnh: HNV)
Liên quan tới giá đất, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự hình thành của các thành phố vệ tinh hiện đại, những đô thị song sinh sầm uất, từ đó kiến tạo một thị trường bất động sản với động lực tăng trưởng mới.
Song song, hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, cảng biển cùng nhiều công trình khác sẽ khơi dậy một xu hướng đô thị hóa chưa từng có, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn lan tỏa đến nhiều vùng miền trên cả nước.
Với sự phát triển của giao thông, khoảng cách địa lý sẽ không còn là rào cản lớn. Việc di chuyển giữa các tỉnh thành, giữa nơi ở và nơi làm việc sẽ trở nên nhanh chóng và thuận tiện, tạo ra một diện mạo mới cho thị trường bất động sản.
“Tôi kỳ vọng rằng sự phát triển này sẽ từng bước đưa giá bất động sản về với giá trị thực, sau những biến động do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trước đây gây ra” - Tiến sĩ Nghĩa nói.
LÊ ANH