Diện mạo mới cho thị trường bất động sản

Diện mạo mới cho thị trường bất động sản
15 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra không ít thách thức sẽ xuất hiện, buộc doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt và giải quyết.
Khu đô thị Vinhomes Smart City (phường Tây Mỗ). Ảnh: Quang Thái
Nhiều động lực tăng trưởng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc sáp nhập các địa phương sẽ đem lại cơ hội rõ rệt cho thị trường bất động sản, bởi theo nguyên lý chung, sự đầu tư mạnh vào hạ tầng và hình thành các cực tăng trưởng kinh tế đô thị sẽ giúp thị trường bất động sản có tiềm năng phát triển. Cụ thể, các tuyến đường kết nối vùng được đầu tư bài bản và hiệu quả, sẽ kéo theo dòng vốn đầu tư, dòng người định cư cùng các dịch vụ… Thị trường bất động sản theo đó sẽ được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng cũng sẽ sớm được hưởng lợi từ việc nhiều quy trình, thủ tục được cải thiện, tinh giản. Theo đó, nhà đầu tư và người dân nếu nhạy bén đón đầu các khu vực có quy hoạch hạ tầng kết nối mới sẽ có nhiều cơ hội gia tăng giá trị tài sản.
Cùng cho rằng trong bối cảnh hiện tại thị trường bất động sản đang mở ra những cơ hội đầy tiềm năng, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, việc sáp nhập các tỉnh, thành phố hứa hẹn tạo nên làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ trên khắp cả nước.
“Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự hình thành của các thành phố vệ tinh hiện đại, những đô thị song sinh sầm uất, từ đó kiến tạo một thị trường bất động sản với động lực tăng trưởng mới”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nêu.
Lấy ví dụ về quy hoạch khu vực Long Thành với dự án sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng dự báo, tiềm năng phát triển dân cư và kinh tế tại đây không chỉ dừng lại ở quy mô 500.000 dân, mà sẽ còn bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần, có thể đạt đến hàng triệu người.
Cùng với đó, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia về đường sắt, đường bộ cao tốc, cảng biển cùng nhiều công trình khác được dự báo sẽ góp phần khơi dậy xu hướng đô thị hóa chưa từng có, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn lan tỏa đến nhiều vùng miền trên cả nước. Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, khoảng cách địa lý sẽ không còn là rào cản lớn. Việc di chuyển giữa các tỉnh thành, giữa nơi ở và nơi làm việc trở nên thuận tiện, sẽ tạo nên một diện mạo mới cho thị trường bất động sản.
Sẵn sàng thích ứng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, bên cạnh thời cơ, vận hội mới, các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới. Mặc dù nhiều vấn đề về thể chế đã được tháo gỡ song vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh, đòi hỏi tiếp tục có sự điều chỉnh và thay đổi.
Theo kinh nghiệm và khảo sát của Hiệp hội, không ít giao dịch có độ “bong bóng” cao, xuất phát từ những chiêu trò thao túng trên thị trường bất động sản. Vô hình trung, khi được áp vào bảng giá, "bong bóng" cũng được hợp lý hóa, pháp lý hóa. Điều này cực kỳ nguy hiểm, vì sẽ làm giảm sức hút đầu tư khi các doanh nghiệp thuê đất phải trả giá cao, còn người có nhu cầu thật rất khó tiếp cận khi mặt bằng giá bị đẩy lên.
Một khu nhà liền kề tại phường Dương Nội. Ảnh: Đỗ Tâm
Về phía doanh nghiệp, nội lực của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thật sự mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ các vấn đề trong quản trị và thậm chí sụp đổ khi sự cố xảy ra. Một số doanh nghiệp có thể vượt qua là những doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước đó. Thêm vào đó, chất lượng thị trường vốn hiện nay cũng là thách thức lớn với các doanh nghiệp bất động sản, cùng với việc thiếu các kênh dẫn vốn bền vững. Bằng chứng là khi có khủng hoảng, dòng tín dụng tắc đã khiến doanh nghiệp lao dốc.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản cũng nhận định, việc sáp nhập các tỉnh, thành nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển. Song, điều này cũng đặt ra một số thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, ở cấp độ quy hoạch tổng thể, hiện nay, quy hoạch (quốc gia, vùng, tỉnh) thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt. Cụ thể, đã có 108 trong 110 quy hoạch đã được quyết định hoặc duyệt, nên vẫn có hiệu lực thực hiện. Tuy nhiên, các địa phương có sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ tồn tại hai hoặc ba quy hoạch, là các quy hoạch tỉnh trước sáp nhập. Do vậy, việc triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn, có tính lan tỏa, có thể gặp vướng mắc.
Ở cấp độ quy hoạch cụ thể như quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, do vừa thay đổi thẩm quyền cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt, vừa có thay đổi về phạm vi không gian địa lý, nên việc triển khai các dự án mới, đặc biệt là dự án phải điều chỉnh quy hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tới.
Lịch sử mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào năm 2008 cho thấy, các dự án bất động sản của Hà Tây đã phải tạm dừng triển khai để phân loại, rà soát lại quy hoạch. Nhiều dự án phải điều chỉnh lại quy hoạch, thậm chí dừng triển khai theo quy hoạch mới. Việc cập nhật dữ liệu đất đai, quy hoạch trong giai đoạn sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội cũng mất từ 1 đến 2 năm. Đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản cần có sự chuẩn bị để sẵn sàng thích ứng.
Tóm lại, theo nhận định của những chuyên gia hàng đầu về bất động sản hiện nay, thị trường bất động sản đang đứng trước những vận hội mới đầy hứa hẹn, song cũng có không ít thách thức. Để nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp cần có một tư duy mới, linh hoạt, sáng tạo và chú trọng đến việc khơi thông các nguồn lực trong nước; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và tính minh bạch của thị trường.
Huyền Minh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/dien-mao-moi-cho-thi-truong-bat-dong-san-708083.html