Luyến lưu nhà dài

Luyến lưu nhà dài
10 giờ trướcBài gốc
Sơn nữ K’Ho bên nếp nhà dài truyền thống được phục dựng
Ngày trước, nhà dài không chỉ là nơi để ở mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nơi lưu giữ các báu vật của đại ngàn. Hầu như các buôn làng đều lấy nhà dài làm nét biểu trưng trong lối kiến trúc, thể hiện một không gian sống giữa núi rừng. Theo các bậc cao niên, nhà dài xưa được dựng bằng khung gỗ, sàn bằng tre, mái trong được dệt bằng lá mây rừng, ngoài phủ thêm cỏ tranh để che nắng, che mưa.
Ở Thôn 1, xã Bảo Lâm 3, bà con K’Ho đã góp công sức, tiền của để dựng một ngôi nhà dài mô phỏng theo lối kiến trúc truyền thống. Phần khung nhà được làm bằng các loại cây gỗ nhỏ, sàn làm bằng tre, mái lợp bằng tranh. Vừa qua, bà con trong thôn đã tái hiện lại lễ hội cúng Yàng ngay tại ngôi nhà dài mới được dựng. Trong lễ cúng có 2 phần là phần lễ và phần hội.
Trong những chuyến điền dã về Bảo Lâm 3, tôi đã được gặp già làng K’Tẽm, một người luôn đau đáu trong mình về việc lưu giữ nhà dài. Theo già làng K’ Tẽm, việc phục dựng nhà dài là điều hết sức ý nghĩa đối với dân làng. Từ đây, con cháu biết như thế nào là nhà dài qua thực tế, được tham gia các lễ hội ngay chính ngôi nhà này, nhớ về những nét văn hóa tốt đẹp bao đời của đồng bào K’Ho giữa đại ngàn.
Bà Ka Sren - Bí thư Chi bộ, Trưởng Thôn 1 là người con của buôn làng K’Ho cho biết thêm, để trân quý, níu giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp mà cha ông đã để lại, bà con trong thôn đã đóng góp tiền của, công sức để dựng lại nhà dài truyền thống. Ngoài phần lễ được tái hiện thì đêm hội cũng được nhiều bạn trẻ, thanh niên nam nữ đón nhận với các màn đánh cồng chiêng, thổi khèn bầu, đánh chiêng trống, múa xoang. Qua đó, tạo một không gian văn hóa gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên, nhắc nhớ một thời cha ông đã từng.
Theo ông Trần Ngọc Biên (người dạy tiếng K’Ho, Mạ ở địa phương), trong tín ngưỡng dân gian hai dân tộc Mạ, K’Ho tại vùng Bảo Lâm thì Yàng là vị thần linh tối cao hiểu đó là: Thần, Thiêng… được coi là phúc thần, chỗ dựa tâm linh của người dân trong đời sống hàng ngày. Yàng trong tâm thức người Mạ, K’Ho đã được các đại diện là già làng, trưởng bản, chủ rừng… dày công cùng nhau cầu nguyện cùng suy tư, cùng bàn bạc. Qua nhiều thế hệ và ý niệm về Yàng được định hình, cố định, trở thành một nền tảng vững chắc, để rồi truyền lại trọn vẹn cho các thế hệ sau này.
Trong nghi lễ Tế thần, hai tộc người Mạ, K’Ho luôn có một sinh vật được tế sát. Ngày xưa vật tế sát là vịt, dê, trâu, về sau mới có các gia súc khác… Khi tế sát thì các gia súc này có tên là đồ thần. Khi ăn hay được chia phần thì gọi là tơrnăm Yàng. Nói nôm na ở đây là người Mạ, K’Ho đã dùng một số thần hữu hình, hữu danh để tế thần vô hình vô danh.
Ông Nguyễn Tấn Minh - Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội xã Bảo Lâm 3 cho biết: Nhà dài không chỉ là nơi để ở mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, là biểu tượng của đồng bào K’Ho ở Tây Nguyên. Tại xã Bảo Lâm 3, bà con đã đóng góp công sức để phục dựng lại ngôi nhà dài truyền thống bằng các vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa lá; đây là một việc làm có ý nghĩa để góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Hiện nay, sau sáp nhập thì tại các xã Bảo Lâm 1, Bảo Lâm 2, Bảo Lâm 3, Bảo Lâm 4, Bảo Lâm 5 của tỉnh Lâm Đồng chỉ còn lại căn nhà dài duy nhất của bà Ka Dít, người Châu Mạ ở xã Bảo Lâm 5. Việc phục dựng ngôi nhà thứ 2 tại xã Bảo Lâm 3 có ý nghĩa quan trọng trong đời sống và tín ngưỡng của đồng bào K’Ho nơi đây.
Đức Tú
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/luyen-luu-nha-dai-382201.html