Lý do châu Âu đẩy mạnh tích hợp AI vào UAV

Lý do châu Âu đẩy mạnh tích hợp AI vào UAV
8 giờ trướcBài gốc
Những công nghệ này không chỉ hỗ trợ điều hướng, mà còn đóng vai trò ngày càng rõ nét trong quá trình nhận diện và tấn công mục tiêu, tạo ra các hệ thống chiến đấu linh hoạt hơn trước những biến động nhanh của môi trường tác chiến hiện đại.
Dù nhận được sự chú ý rộng rãi, vai trò then chốt của AI trong chiến dịch này lại ít được đề cập. Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), phần mềm điều khiển UAV FPV trong chiến dịch được hỗ trợ bởi AI để phát hiện mối đe dọa, xác định điểm tấn công phù hợp và thậm chí điều hướng UAV tới mục tiêu ngay cả khi liên lạc với người điều khiển bị gián đoạn.
Châu Âu tăng tốc tích hợp AI vào UAV, nhằm nâng cao khả năng tự hành và nhắm mục tiêu chính xác - Ảnh: Reuters
Sự tích hợp giữa AI và UAV không còn là tương lai xa mà đã trở thành hướng phát triển chủ đạo của nhiều nhà sản xuất UAV tại châu Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh UAV gần đây ở Estonia, các công ty từ Latvia đã trình diễn hàng loạt giải pháp mới tập trung vào khả năng tự động nhắm mục tiêu bằng AI. Trong số đó, Origin Robotics giới thiệu mẫu UAV đánh chặn có tên "Blaze", được huấn luyện để phân biệt các loại máy bay không người lái và vật thể khác nhau, sau đó tự động lao tới va chạm nhằm phá hủy mục tiêu.
Không chỉ có Latvia, Phần Lan cũng đang đi đầu trong một dự án hợp tác mang tên AI-WASP, do tập đoàn quốc phòng Patria chủ trì. Chương trình này có sự tham gia của sáu quốc gia châu Âu gồm Phần Lan, Thụy Điển, Estonia, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Mục tiêu của AI-WASP là phát triển nền tảng phần mềm tích hợp AI để sử dụng cho các hệ thống có người lái và không người lái cỡ nhỏ đến trung bình. Dự án đã nhận được khoản tài trợ 45 triệu euro từ Ủy ban châu Âu, đánh dấu sự ưu tiên đầu tư cho công nghệ tác chiến tương lai.
Song song đó, công ty LPP Holding của Czech cũng đang góp phần vào cuộc đua khi công bố đã cung cấp các mẫu UAV dẫn đường bằng AI cho Ukraine. Loại máy bay không người lái MTS do hãng sản xuất được thiết kế để hoạt động tại những khu vực không có GPS, sử dụng hệ thống điều hướng thị giác ứng dụng AI, giúp định vị và điều hướng trong môi trường phức tạp mà không cần dựa vào vệ tinh.
Mặc dù tiềm năng của việc tích hợp AI vào UAV là rất lớn, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng quá trình này đi kèm với nhiều thách thức kỹ thuật, đặc biệt là trong vấn đề dữ liệu.
Theo ông Samuel Bendett, cố vấn tại Trung tâm Phân tích hải quân, yếu tố quyết định trong các hệ thống tác chiến UAV thông minh là chất lượng và loại dữ liệu được dùng để huấn luyện. Khi UAV hoạt động trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt, dữ liệu phải được xử lý tại chỗ trên thiết bị, thay vì thông qua đường truyền từ bên ngoài, nhằm đảm bảo an toàn và tính chính xác trong các quyết định tấn công tức thời.
Để vượt qua giới hạn về phần cứng và tốc độ xử lý, Ukraine đã áp dụng cách tiếp cận hiệu quả hơn bằng việc đào tạo các mô hình AI nhỏ trên tập dữ liệu giới hạn. Theo báo cáo của CSIS, phương pháp này cho phép UAV hoạt động nhanh và chính xác với cấu hình chip nhỏ gọn, giá thành thấp. Thêm vào đó, dữ liệu đầu vào cho các mô hình này có thể được thu thập linh hoạt từ chiến trường thực tế hoặc từ các nguồn mở như mạng xã hội, giúp cập nhật liên tục theo tình hình.
Cùng với đó, công ty Quantum Systems tại Đức đã giới thiệu nền tảng Mosaic UXS, một hệ thống chỉ huy và điều khiển tích hợp sử dụng máy học để đồng bộ khả năng của UAV trên không, trên biển và trên bộ. Mosaic UXS không chỉ lập kế hoạch và giám sát nhiệm vụ, mà còn có khả năng điều phối hoạt động theo mô hình “bầy đàn”, trong đó mỗi UAV được phân công thực hiện một nhiệm vụ riêng biệt trong cùng một chiến dịch.
Tại Ukraine, các công ty quốc phòng đang tập trung phát triển chip AI và phần mềm nội địa có thể tích hợp vào nhiều nền tảng khác nhau từ UAV FPV cho đến tháp pháo tự động gắn trên phương tiện không người lái. Mục tiêu là tạo ra các giải pháp tấn công và phòng thủ linh hoạt, phù hợp với môi trường tác chiến có nhịp độ cao và ít phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài.
Trong bối cảnh công nghệ quân sự ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu, tính năng tự hành và khả năng tự ra quyết định, AI không còn là công nghệ phụ trợ mà đang trở thành nhân tố cốt lõi định hình tương lai của UAV và chiến tranh hiện đại.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ly-do-chau-au-day-manh-tich-hop-ai-vao-uav-234377.html