Lý do Mỹ 'bật đèn xanh' cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào Nga

Lý do Mỹ 'bật đèn xanh' cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào Nga
8 giờ trướcBài gốc
Một phiên bản đầu tiên của Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS) được thử nghiệm vào ngày 14/12/2021, tại Trường bắn tên lửa White Sands, bang New Mexico. Ảnh: US Army
Theo CNN, quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ ở Nga tuân theo một mô hình quen thuộc.
Trong nhiều tháng, Nhà Trắng đã từ chối chấp thuận yêu cầu cung cấp vũ khí từ Ukraine, vì lo ngại điều đó sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng. Kiev đã lớn tiếng chỉ trích việc từ chối, và ngay khi yêu cầu của họ dường như đã được gác lại, chính quyền Biden lại chấp thuận.
Trước đó, các yêu cầu của Ukraine về HIMARS, xe tăng Abrams, F16 – tất cả đều tuân theo một mô hình tương tự là từ chối và “quanh co”, rồi chấp thuận, gần như vào thời điểm đã quá muộn.
Và lúc này, liệu có quá muộn để Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất tạo ra sự khác biệt nếu nó tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga?
Câu trả lời rất phức tạp và có lẽ giải thích một phần lý do tại sao chính quyền Biden lại miễn cưỡng cấp phép.
Đầu tiên, nguồn cung ATACMS mà Ukraine có thể có được là rất hạn chế. Vì vậy, ngay cả khi Kiev có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga – và tầm bắn xa hơn của ATACMS là 100km – thì cũng không thể tạo ra sự thay đổi trong một sớm một chiều trên chiến trường.
Các nhà phân tích đã liệt kê số lượng các mục tiêu của Nga nằm trong tầm bắn của những tên lửa này (trong đó Viện Nghiên cứu Chiến tranh liệt kê hàng trăm mục tiêu) sau khi chính quyền Tổng thống Biden cho phép dường như bao gồm cả các sân bay của Nga trong tầm bắn của ATACMS, nhưng các máy bay tấn công ở đây đã được sơ tán sâu hơn bên trong nước này.
Xem video quân đội Ukraine lần đầu tiên phóng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp vào tháng 10/2023 - Nguồn: Telegraph
Nhưng thực tế, Ukraine sẽ không có đủ ATACMS để thay đổi tiến trình của cuộc chiến.
Thứ hai, Ukraine đã có thể xâm nhập sâu hơn vào bên trong nước Nga bằng thiết bị bay không người lái sản xuất trong nước và rẻ hơn. Mỹ đã đồng ý hỗ trợ tài chính cho việc phát triển các phương tiện này. Chúng dường như đã gây ra sự hỗn loạn xung quanh các sân bay của Moskva và trên khắp cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga.
Thứ ba, việc cho phép sử dụng tên lửa chính xác của Mỹ để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga là khá khiêu khích. Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo Mỹ và phương Tây về một bước leo thang xung đột như vậy, đồng thời nhấn mạnh về khả năng răn đe của mình.
Ngoài ra các nước phương Tây đã phát hiện một loạt hành vi phá hoại nhằm vào các mục tiêu dân sự trên khắp châu Âu, bao gồm cả các báo cáo gần đây về việc các gói thuốc nổ đã được cài trên các máy bay chuyển phát nhanh ở châu lục này.
CNN cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đã đúng khi cân nhắc tính hữu ích thực tế của các cuộc tấn công tầm xa, so với khả năng hứng chịu thiệt hại tài sản dân sự ở các quốc gia thành viên NATO.
Vì vậy, việc cho phép sử dụng ATACMS không phải là quyết định đơn giản hay hiển nhiên như một số người ủng hộ ở Kiev tuyên bố. Mục tiêu lớn hơn dường như là khiến chính quyền Mỹ tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến của Ukraine – một hành động “tháo găng tay”.
Nhưng điều quan trọng ở đây là Nhà Trắng muốn nhấn mạnh rằng, việc triển khai quân đội của một bên thứ ba vào tỉnh Kursk của Nga đã thúc đẩy quyết định của họ - rằng đây là phản ứng của Mỹ đối với sự leo thang của Moskva.
Các quan chức phương Tây đã lưu ý rằng việc Nga triển khai quân đội nước thứ ba cho thấy cuộc xung đột Ukraine đang mở rộng và trở thành nơi mà các đối thủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hiện đóng vai trò.
Theo quan điểm của Tổng thống Biden, đây là một sự leo thang, để đáp trả một sự leo thang.
Quyết định của Washington được đưa ra trong bối cảnh, Nga và Triều Tiên đã ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện. Hiệp ước này có điều khoản cam kết hai nước sẽ hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công. Mới đây, ngày 12/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Triều Tiên đã phê chuẩn hiệp ước này.
Quyết định về việc có nên trang bị ATACMS cho Ukraine đã trở thành một chủ đề nhạy cảm kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trên thực tế, Mỹ đã cung cấp ATACMS cho Ukraine vào năm ngoái, nhưng cho đến nay chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa chấp thuận việc sử dụng chúng qua biên giới vào Nga.
Nhà Trắng lo ngại rằng nếu Ukraine sử dụng tên lửa này để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, Tổng thống Putin có thể đáp trả bằng cách leo thang. "Chúng tôi đang cố gắng tránh Thế chiến thứ III", ông Biden nói.
Tuy nhiên, với bước ngoặt chính sách lần này, chính quyền mãn nhiệm của Tổng thống Biden được cho là đang trút thêm rủi ro lên một cuộc chiến mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp thừa hưởng.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-my-bat-den-xanh-cho-phep-ukraine-su-dung-ten-lua-tam-xa-nham-vao-nga-20241118084207440.htm