Lý do nhiều tổ chức quốc tế từ chối hợp tác với GHF trong hoạt động cứu trợ ở Gaza

Lý do nhiều tổ chức quốc tế từ chối hợp tác với GHF trong hoạt động cứu trợ ở Gaza
4 giờ trướcBài gốc
Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo GHF, mỗi thùng hàng cứu trợ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của một gia đình gồm trung bình 5,5 người trong khoảng 3 ngày rưỡi. Thành phần trong các thùng hàng có thể thay đổi đôi chút tùy theo nguồn cung và chi phí, nhưng thường bao gồm: bột mì, đường, gạo, dầu ăn, mì ống, một nguồn đạm như cá ngừ hộp, và các loại đậu khô. Ngoài ra còn có các mặt hàng bổ sung như trà, cà phê, bánh quy và sô cô la. GHF cho biết họ cũng đã bắt đầu phân phát khoai tây – một mặt hàng được người dân địa phương đón nhận tích cực.
Tổ chức này khẳng định các gói thực phẩm đều vượt mức tối thiểu về calo theo tiêu chuẩn của cộng đồng nhân đạo quốc tế và tương đương với các loại hàng cứu trợ từ những tổ chức lớn khác.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 8/7, người phát ngôn của GHF - ông Chapin Fay - cho biết tổ chức đã phân phát hơn 66 triệu suất ăn trong vòng hơn một tháng. Ông nhấn mạnh đây là một thành công lớn: “GHF đã làm được điều mà nhiều tổ chức khác không thể: phân phát thực phẩm cứu trợ khẩn cấp, miễn phí, đầy đủ dinh dưỡng và an toàn đến tận tay người dân Gaza mà không bị Hamas can thiệp”.
Tuyên bố nêu rõ: “Chỉ trong hơn một tháng, chúng tôi đã phân phát hơn 66 triệu suất ăn. Chúng tôi cảm ơn chính quyền Tổng thống Donald Trump vì đã ghi nhận tác động công việc của chúng tôi và cam kết hỗ trợ 30 triệu USD để mở rộng quy mô hoạt động”.
Trước những câu hỏi về việc đơn xin tài trợ của GHF đang được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) xem xét, tổ chức này khẳng định đây là quy trình bình thường và họ đang hợp tác đầy đủ. Ông Fay nhấn mạnh mô hình hoạt động của GHF được thiết kế để ngăn chặn việc phân phối sai mục đích, gian lận hoặc sử dụng sai nguồn lực cứu trợ. Ông nói.“Mỗi đồng USD mà chúng tôi nhận được đều được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo mọi nguồn lực - bao gồm cả ngân sách từ người đóng thuế Mỹ trong tương lai - sẽ đến tay người dân Gaza, chứ không phải vào tay Hamas”.
GHF cũng cáo buộc một số tổ chức nhân đạo quốc tế lâu đời đã không ngăn chặn được tình trạng hàng cứu trợ bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích tại Gaza, đồng thời cho rằng những tổ chức này coi GHF là mối đe dọa. Theo ông Fay, những lời chỉ trích như vậy cuối cùng chỉ gây tổn hại cho người dân thường.
“Điều quan trọng nhất là: GHF đang làm được những gì mà các tổ chức khác chưa làm được,” tuyên bố kết luận.
GHF hiện triển khai chỉ 4 điểm phát hàng, gần các căn cứ quân sự, buộc người dân Palestine phải di chuyển vào những khu vực căng thẳng, dẫn đến kiểu “aid‑traps” (cạm bẫy cứu trợ). Liên hợp quốc cảnh báo đây là "vũ khí hóa lương thực" - dùng lương thực làm công cụ chiến tranh. Khoảng 600 người dân, trong đó có trẻ em và người già, đã thiệt mạng/bị thương vì xô đẩy, nổ súng ở khu vực phát hàng GHF. Các tổ chức như Liên hợp quốc, ICRC, Oxfam, MSF, CARE… từ chối hợp tác và yêu cầu đóng cửa GHF.
Việc GHF phân phối lương thực tại Gaza cũng bị chỉ trích là kích thích thị trường đen, với các đại lý đầu cơ, mua hàng cứu trợ rồi bán lại với giá cao gấp nhiều lần. GHF hoạt động dưới sự điều phối của binh lính và lực lượng an ninh tư nhân nước ngoài, không có sự tham gia của các đối tác Palestine; điều này làm dấy lên lo ngại về “quyền kiểm soát” và “định hướng” di tản dân cư Gaza.
GHF bị lên án không phải vì chất lượng đồ cứu trợ, mà vì phương thức triển khai khiến cứu trợ trở thành công cụ chính trị – gây thương vong dân thường, vi phạm quy chuẩn nhân đạo quốc tế, kích động thị trường đen, và thiếu sự đại diện của Palestine. Đây cũng là lý do khiến Liên hợp quốc và cộng đồng nhân đạo quốc tế không thể chấp nhận và chấm dứt hợp tác với tổ chức này.
Thanh Bình (P/v TTXVN tại Trung Đông)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-nhieu-to-chuc-quoc-te-tu-choi-hop-tac-voi-ghf-trong-hoat-dong-cuu-tro-o-gaza-20250709161439840.htm