Ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau thực hiện hai cuộc gọi trong ngày 3/2. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định việc tạm dừng này là để xem "liệu có thể xây dựng được thỏa thuận kinh tế cuối cùng với Canada hay không", theo bài đăng hôm 3/2.
Thông báo này được đưa ra sau cuộc gọi với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Ông Trudeau đã đăng trên X rằng để đổi lấy việc tạm dừng thuế quan, Canada sẽ đầu tư mạnh vào an ninh biên giới, thành lập "Lực lượng chung Canada-Mỹ để chống tội phạm có tổ chức, fentanyl và rửa tiền", bổ nhiệm một "ông trùm chống Fentanyl" và cùng Mỹ liệt các băng đảng vào diện nhóm khủng bố, ông Trudeau cho biết.
"Tôi cũng đã ký một chỉ thị tình báo mới về tội phạm có tổ chức và fentanyl, và chúng tôi sẽ hỗ trợ 200 triệu USD", nhà lãnh đạo Canada nói thêm.
Tổng thống Trump cho biết ông "rất hài lòng với kết quả ban đầu này" và cũng nêu rõ các cam kết về biên giới mà Canada đã đưa ra.
“Canada đã đồng ý đảm bảo chúng ta có một Biên giới phía Bắc an toàn và cuối cùng chấm dứt tệ nạn ma túy chết người như Fentanyl đang tràn vào đất nước chúng ta, giết chết hàng trăm nghìn người Mỹ, đồng thời phá hủy gia đình và cộng đồng của những người này trên khắp đất nước chúng ta”, ông Trump viết trong bài đăng.
Khi được yêu cầu bình luận thêm về cuộc gọi của Tổng thống Trump với Thủ tướng Trudeau, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết: “Canada đang quỳ gối, giống như Mexico vậy”.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng xác nhận đã tạm dừng áp thuế mới đối với Mexico trong một tháng sau khi Mexico đồng ý tăng cường kiểm soát biên giới phía bắc của nước này với 10.000 thành viên Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn dòng chảy ma túy bất hợp pháp, đặc biệt là fentanyl.
Thỏa thuận này cũng bao gồm cam kết của Mỹ về việc hành động để ngăn chặn việc buôn bán vũ khí hạng nặng vào Mexico, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết trên X.
Hai nước sẽ dùng lệnh đình chỉ kéo dài một tháng để thực hiện các cuộc đàm phán tiếp theo, ông Trump cho hay.
"Tôi mong muốn được tham gia vào các cuộc đàm phán đó, với Tổng thống Sheinbaum, khi chúng tôi cố gắng đạt được một 'thỏa thuận' giữa hai quốc gia", ông viết trên mạng xã hội Truth Social.
"Chúng ta có một tháng này để làm việc và thuyết phục hai phía rằng đây là cách tốt nhất để tiến về phía trước", Tổng thống Sheinbaum cho biết tại một cuộc họp báo.
Những thỏa thuận này được đưa ra chưa đầy 48 giờ sau khi ông Trump công bố mức thuế quan toàn diện đối với hàng hóa từ ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, chiếm 2.100 tỷ USD thương mại hàng năm.
Những sự chuyển biến nhanh chóng phản ánh sự quay cuồng thường thấy trong những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.
Tổng thống Mỹ hôm 3/2 đã cảnh báo ông có thể tăng thuế đối với Bắc Kinh cao hơn mức 10% thông báo ban đầu và ông sẽ thảo luận vấn đề này với giới lãnh đạo chính phủ Trung Quốc vào ngày hôm sau hoặc tiếp sau đó.
"Hy vọng Trung Quốc sẽ ngừng để fentanyl vào (đất nước) chúng ta, và nếu họ chấp thuận, mức thuế sẽ tăng đáng kể", ông nói.
Mức thuế đối với Trung Quốc vẫn sẽ có hiệu lực vào lúc 0h01 sáng 4/2 (5h01 GMT ngày 5/2).
Sau ba đối tác thương mại hàng đầu, mục tiêu tiếp của ông Trump được cho là Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại Washington hôm 2/2 sau khi trở về từ khu Mar-a-Lago ở Florida của mình, ông Trump ám chỉ rằng Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia sẽ là mục tiêu tiếp theo, nhưng không nói rõ khi nào.
"Họ không nhập khẩu ôtô của chúng ta, họ không mua nông sản của chúng ta. Họ hầu như không mua gì cả và chúng ta mua mọi thứ từ họ", ông nói với báo giới về EU.
Các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Brussels hôm 3/2 cho biết châu Âu sẽ sẵn sàng phản công nếu Mỹ áp thuế, nhưng cũng kêu gọi hành động theo lý lẽ và đàm phán.
Tới dự cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nếu EU bị tấn công lợi ích thương mại, khối này sẽ phải "tôn trọng chính mình và do đó phải phản ứng".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết khối này có thể đáp trả nếu cần thiết bằng thuế quan riêng đối với Mỹ, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng tốt hơn là cả hai nên tìm được thỏa thuận về thương mại.
Ông Trump ám chỉ Anh, quốc gia đã rời khỏi EU vào năm 2020, có thể được miễn thuế quan, nói rằng: "Tôi nghĩ rằng có thể giải quyết được vấn đề này".
Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của EU. Theo dữ liệu của Eurostat từ năm 2023, Mỹ đã thâm hụt 155,8 tỷ euro (161,6 tỷ USD) với EU trong thương mại hàng hóa, bù đắp bằng thặng dư 104 tỷ euro trong dịch vụ.
Trưởng bộ phận chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas cho rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và một cuộc chiến như vậy nếu có nổ ra giữa châu Âu và Mỹ, "thì bên mỉm cười sau cùng là Trung Quốc".
Dương Lam