"Đòn" thuế quan hồi cuối tuần qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Canada, Mexico và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu rộng lớn hơn.
Ông Anirudh Garg, đối tác và quản lý quỹ tại Invasset Portfolio Management Services, nói với Reuters rằng biện pháp thuế quan của ông Trump có thể gây gián đoạn nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu, làm chậm tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới và gây hoang mang cho thị trường.
Một số cổ phiếu châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, bao gồm các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các công ty thương mại điện tử Trung Quốc, đã chứng kiến sự sụt giảm lớn. Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương giảm gần 3% trong phiên giao dịch hôm 3/2 – mức giảm trong ngày lớn nhất trong 6 tháng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images
Trong bối cảnh chính quyền Trump dựng lên một hàng rào cao hơn xung quanh hoạt động thương mại toàn cầu của Mỹ, ngày càng nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Washington, đang xây dựng quan hệ đối tác kinh tế của riêng họ mà trong đó không có "xứ cờ hoa".
Theo tờ New York Times, chỉ trong 2 tháng qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết 3 thỏa thuận thương mại mới.
EU, sau khi hoàn thành các cuộc đàm phán bắt đầu từ 25 năm trước, đã đạt được một thỏa thuận lớn với 4 quốc gia Nam Mỹ vào tháng 12 năm ngoái để tạo ra một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới.
2 tuần sau, EU đã ký một thỏa thuận với Thụy Sĩ. Sau đó, vào tháng trước, Brussels đã củng cố các thỏa thuận thương mại với Mexico. Khối này cũng đã nối lại các cuộc đàm phán, sau 13 năm trì hoãn, về một thỏa thuận thương mại tự do với Malaysia.
"Với châu Âu, những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. "Chúng tôi chơi theo luật. Các thỏa thuận của chúng tôi không có điều kiện ẩn nào kèm theo".
Hôm 1/2, ông Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với Mexico và Canada – các đối tác trong khối thương mại mà chính ông đã ký trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình – và áp thuế 10% đối với Trung Quốc.
Mexico và Canada ngay lập tức tuyên bố sẽ trả đũa, và Trung Quốc cho biết sẽ xem xét "các biện pháp đối phó".
Châu Âu, như ông Trump đã tuyên bố trong những ngày gần đây, là mục tiêu tiếp theo.
Mặc dù Mỹ, với tư cách nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất hành tinh, không thể bị bỏ qua, nhưng ít nhất là đôi khi, vẫn có thể tránh né được, báo New York Times viết, cho biết thêm rằng bằng cách trừng phạt các đồng minh lâu năm bằng thuế quan, ông Trump đang khuyến khích các quốc gia khác thành lập các khối và mạng lưới thương mại không có Mỹ.
Tháng trước, Indonesia đã trở thành quốc gia thứ 10 gia nhập BRICS, một nhóm vốn ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. "Câu lạc bộ" kinh tế này hiện bao gồm một nửa dân số thế giới và hơn 40% tổng sản lượng kinh tế của thế giới.
Tám quốc gia khác, bao gồm Bolivia, Thái Lan, Kazakhstan và Uganda, đang trên con đường trở thành đối tác đầy đủ của BRICS.
Vương quốc Anh cũng vừa mới thành lập một quan hệ đối tác mới. Vào tháng 12 năm ngoái, "xứ sở sương mù" chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn tiền thân là TPP. Và ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình đã rút Mỹ khỏi đây.
Ngoài ra, London cũng đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ kinh tế căng thẳng với EU kể từ khi Brexit.
Ngay ở châu Mỹ, các quan chức Brazil và Mexico cũng đã thảo luận về việc mở rộng các thỏa thuận thương mại của họ.
Nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở thành "nền kinh tế được đặc trưng bởi các mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc hơn, ngoại trừ Mỹ", ông Jacob F. Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Brussels, cho biết.
Xu hướng này không nhất thiết là sở thích của bất kỳ ai, nhưng các thỏa thuận này cung cấp một lựa chọn "tốt thứ hai" khi xét đến việc Mỹ từ chối một trật tự kinh tế cởi mở hơn, vị chuyên gia cho biết.
Ông nói thêm rằng sự gia tăng của các khối thương mại, như khối giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia Nam Mỹ, cũng giúp các quốc gia tránh được sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia duy nhất.
Minh Đức (Theo NY Times, Hindustan Times)