Lý do rút quy định chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo

Lý do rút quy định chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo
8 giờ trướcBài gốc
Về lý do rút quy định chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo sắp trình Quốc hội, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), đại diện Ban soạn thảo cho biết đây là nội dung mới, cần phải thận trọng nên Ban soạn thảo không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thí điểm. "Có thể nội dung này sẽ được đưa trở lại ở chu kỳ sửa đổi, bổ sung luật".
Tại dự thảo công bố lần đầu vào tháng 5/2024, quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo được quy định tại các điều 15, 16 và 17. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Chứng chỉ hành nghề được cấp cho nhà giáo đạt chuẩn đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện theo quy định và có nhu cầu.
Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.
Việc đưa quy định về chứng chỉ hành nghề dạy học vào trong dự thảo Luật Nhà giáo đã có nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì nhiều ý kiến e ngại rằng quy định này thực chất là một kiểu giấy phép con, có khả năng khiến nhà giáo rơi vào vòng xoáy của cơ chế "xin-cho".
Tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh minh họa.
Thời điểm đó, nêu lý do cần cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho rằng, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.
Theo ông Đức, để trở thành giáo viên có hai nguồn bao gồm: Sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và người tốt nghiệp ngành khác, đạt trình độ đào tạo theo quy định và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tất cả những đối tượng này đều phải thực hiện việc thực tập trong thời gian 1 năm, sau đó sẽ được đánh giá hoàn thành, được cơ quan tuyển dụng cho tuyển dụng.
Ông Đức cho rằng, muốn trở thành nhà giáo cần có 3 yếu tố: Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy. Có những đối tượng có đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng kỹ năng giảng dạy không tốt. Chính vì vậy, kể cả người tốt nghiệp sư phạm hoặc những người chưa tốt nghiệp sư phạm, trước khi hành nghề, cần có quá trình đào tạo, tạm gọi là "đào tạo nghề".
Trong cấu trúc mô-đun đào tạo nghề sẽ có những mô-đun đã được giảng dạy trong các trường đại học sư phạm. Với những sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm khi tham gia các khóa đào tạo này sẽ không phải học lại những nội dung trùng lặp nên sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo để sớm được cấp chứng chỉ hành nghề.
Có những đối tượng không công tác trong các cơ sở giáo dục, chỉ dạy học online cũng có nhu cầu sẽ được cấp giấy phép. Theo ông Đức, trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã đề cập đến, tuy nhiên, những đối tượng này hoạt động nhanh và phức tạp, đặc biệt là những đào tạo trực tuyến. Vì thế, Ban soạn thảo sẽ có đề xuất thí điểm thực hiện quản lý một số đối tượng này, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung.
Đáng chú ý, theo ông Đức, Cơ quan nào cấp chứng chỉ hành nghề, cơ quan đó có quyền thu hồi, bao gồm cả cấp Bộ, cấp Sở,... Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề này cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi về nơi công tác vì có giá trị sử dụng toàn quốc. Nhờ đó, cho dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự, giảm thủ tục khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc...
Liên quan đến việc liệu có phải tất cả giáo viên sẽ cần cấp chứng chỉ hành nghề, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, nhà giáo công lập và ngoài công lập là nhóm đối tượng đương nhiên được cấp chứng chỉ này mà không cần sát hạch.
Đối với nhà giáo tuyển mới sau khi luật có hiệu lực thi hành phải qua kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề. Đối với các nhà giáo đã về hưu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có sức khỏe tốt và minh mẫn, cũng có thể xin cấp chứng chỉ này để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp. "Chứng chỉ hành nghề này sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, nhằm phân biệt những người đủ tư cách dạy học với người không đủ tiêu chuẩn để dạy học nhưng tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội", ông Đức nói.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ly-do-rut-quy-dinh-chung-chi-hanh-nghe-khoi-du-thao-luat-nha-giao-169241012231250334.htm