Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
UNESCO được thành lập sau Thế chiến II để thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế về giáo dục, khoa học và văn hóa.
Tổng thống Trump từng rút Mỹ khỏi UNESCO trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng quyết định này đã bị đảo ngược dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Ngoài UNESCO, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump còn rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
“Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi UNESCO vì tổ chức này ủng hộ các vấn đề văn hóa - xã hội gây chia rẽ, không phù hợp với những chính sách mà người Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái”, người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly cho biết ngày 22/7.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc tiếp tục tham gia UNESCO sẽ không mang lại lợi ích cho nước này. Washington cáo buộc UNESCO có “một chương trình nghị sự toàn cầu hóa, mang tính ý thức hệ, trái ngược với chính sách đối ngoại Nước Mỹ trên hết”.
Ngoài ra, một trong những lý do dẫn đến việc rút Mỹ khỏi UNESCO là quyết định của tổ chức trong việc kết nạp Palestine làm quốc gia thành viên. Điều này "trái ngược với chính sách của Mỹ, và góp phần làm gia tăng các luận điệu phản đối Israel trong UNESCO".
Theo Reuters, Israel hoan nghênh quyết định của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức UNESCO cho biết, tất cả những tuyên bố liên quan của tổ chức này đã được cả Israel và Palestine nhất trí trong 8 năm qua.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của ông Trump, nhưng điều đó "đã được dự đoán trước, và UNESCO đã chuẩn bị sẵn sàng". Bà nhấn mạnh, cơ quan này đã đa dạng hóa các nguồn tài trợ, chỉ nhận được khoảng 8% ngân sách từ Washington. Do đó, việc Mỹ "dứt áo ra đi" sẽ chỉ có tác động hạn chế đến những chương trình mà Washington đang tài trợ.
"Những lý do Mỹ đưa ra để rút khỏi tổ chức vẫn giống như 7 năm trước, mặc dù tình hình đã thay đổi sâu sắc, căng thẳng chính trị đã lắng xuống, và UNESCO ngày nay là một diễn đàn hiếm hoi cho sự đồng thuận về chủ nghĩa đa phương", bà Azoulay nói.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự ủng hộ vững chắc dành cho UNESCO - tổ chức đặt trụ sở tại Paris. "Việc Mỹ rút lui sẽ không làm suy yếu những cam kết của chúng tôi", ông Macron tuyên bố.
UNESCO nổi tiếng nhất với việc công nhận các Di sản Thế giới, bao gồm Hẻm núi Grand Canyon ở Mỹ và thành phố cổ Palmyra ở Syria.
Mỹ gia nhập UNESCO lần đầu tiên khi tổ chức này được thành lập vào năm 1945 nhưng đã rút lui lần đầu tiên vào năm 1984 để phản đối tình trạng quản lý tài chính yếu kém và thái độ phân biệt đối xử nhằm vào Mỹ.
Mỹ gia nhập UNESCO trở lại vào năm 2003 dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông tuyên bố cơ quan này đã thực hiện các cải cách cần thiết.
Minh Hạnh