Theo dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, Lâm Đồng là tên gọi được lựa chọn khi sáp nhập 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng, trụ sở Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới đặt tại Đà Lạt.
“Lâm Đồng” có tính nhận diện cao, gắn với nông nghiệp, du lịch xanh
Tên gọi này từ lâu đã là thương hiệu uy tín gắn liền với nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt nổi tiếng về các sản phẩm rau hoa chất lượng xuất khẩu và là vùng trọng điểm sản xuất cà phê, chè, trái cây đặc sản của cả nước.
Trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Ảnh: VÕ TÙNG
Tỉnh Lâm Đồng còn được biết đến rộng rãi, đặc biệt nhờ vào TP Đà Lạt – một trung tâm du lịch, kinh tế và văn hóa quan trọng, thương hiệu toàn cầu về du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường sống xanh, thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc lựa chọn Lâm Đồng làm tên tỉnh không chỉ đảm bảo sự tiếp nối của một thương hiệu mạnh mà còn tạo ra lợi thế trong việc quảng bá hình ảnh và thu hút nguồn lực phát triển, giúp tỉnh hợp nhất nhanh chóng khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế và du lịch quốc gia.
Tên gọi này còn bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ.
Việc lựa chọn tên tỉnh mới là “Lâm Đồng” là giải pháp phù hợp nhất nhằm hạn chế tối đa các tác động phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.
Đồng thời, tên gọi này được cho là đáp ứng các tiêu chí về khả năng nhận diện, tính ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, qua đó góp phần duy trì tính liên tục trong quản lý nhà nước và phát huy lợi thế so sánh của tỉnh mới trong quá trình hội nhập và phát triển.
Lựa chọn Đà Lạt làm trung tâm hành chính - chính trị
TP Đà Lạt hiện nay là trung tâm hành chính – chính trị của Tỉnh Lâm Đồng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt ở vị trí địa lý trung tâm chiến lược, rất thuận lợi trong phương án hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.
Đà Lạt nằm cách trung tâm Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) khoảng 160 km về phía Tây Bắc thông qua tuyến Quốc lộ 28, đồng thời cách TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) khoảng 160 km về phía Đông Nam thông qua tuyến Quốc lộ 28B và Quốc lộ 20.
Các tuyến giao thông này đóng vai trò huyết mạch, tạo điều kiện thuận tiện để kết nối hiệu quả giữa các vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, với lợi thế nằm trên trục Quốc lộ 20 kết nối thẳng xuống vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM, Đà Lạt trở thành đầu mối giao thông quan trọng trong liên kết vùng, hỗ trợ mạnh mẽ cho giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch.
Các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 27 nối Lâm Đồng với các tỉnh Nam Tây Nguyên, Quốc lộ 55 nối với các tỉnh ven biển phía Đông Nam, tạo thành mạng lưới giao thông liên vùng chặt chẽ. Nhờ vậy, Đà Lạt không chỉ có lợi thế lớn trong việc điều hành, quản lý hành chính, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện về kinh tế - xã hội cho tỉnh mới sau khi hợp nhất.
Hiện Đà Lạt đang được quy hoạch phát triển theo định hướng Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, du lịch, khoa học kỹ thuật khu vực Tây Nguyên.
Đà Lạt cũng giữ vai trò là đô thị di sản, phát triển theo hướng bền vững, kết hợp giữa bảo tồn và hiện đại hóa, hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang triển khai dự án tuyến cao tốc: Đà Lạt đi Nha Trang; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nối TP.HCM và Đà Lạt, sẽ là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế: Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Việc kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, Đà Lạt sẽ phát huy vai trò dẫn dắt của vùng động lực kinh tế, cực tăng trưởng; kết hợp hài hòa, hợp lý các tỉnh có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh sau hợp nhất, phù hợp yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước nói chung và của vùng nói riêng trong giai đoạn mới.
Đà Lạt còn được kết nối bởi các tuyến Quốc lộ huyết mạch như Quốc lộ 20 đi Đồng Nai và TP.HCM, Quốc lộ 27 nối với Đắk Lắk, Ninh Thuận, Quốc lộ 28 và 28B liên kết trực tiếp với tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận, Quốc lộ 55 kết nối với vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Hạ tầng giao thông này giúp việc di chuyển giữa các địa phương trong tỉnh mới thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng, thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch.
Ngoài ra, sân bay Liên Khương, Cảng Hàng không Quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên (sân bay cấp 4E có công suất 5 triệu hành khách/năm), được xem như cú huých cực kỳ quan trọng góp phần phát triển ngành du lịch vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 30 km về phía Nam, kết hợp cùng hệ thống đường bộ đồng bộ, giúp Đà Lạt tăng cường kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế.
Chính sự phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ này tạo nền tảng vững chắc, giúp thành phố Đà Lạt giữ vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho tỉnh mới sau khi hợp nhất.
VÕ TÙNG