Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tạp chí Newsweek, trong những tuần gần đây, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đã lao dốc giữa những lo ngại về tác động của các mức thuế trong “Ngày Giải phóng” mà ông công bố hôm 2/4 - động thái từng khiến thị trường lao dốc trước khi phục hồi chỉ vài ngày sau đó.
Tuy nhiên, sau đợt giảm mạnh uy tín do tâm lý bất an của người dân về kinh tế, sự phục hồi trong các chỉ số ủng hộ cho thấy Tổng thống Trump có thể đang củng cố lại lực lượng ủng hộ cốt lõi và giành lại quyền kiểm soát câu chuyện chính trị.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, nó có thể thúc đẩy đà tiến của đảng Cộng hòa, làm phức tạp chiến lược của phe Dân chủ và thổi bùng lại những lo ngại từ các đối thủ của ông Trump về sức ảnh hưởng của ông.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump nhích tăng trở lại
Theo công cụ theo dõi của Newsweek, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đang nhích tăng trở lại. Hiện tại, ông nhận được 45% ủng hộ, trong khi 49% không tán thành. Tuần trước, tỷ lệ ủng hộ ông là 44%, còn tỷ lệ không tán thành ở mức hơn 50%.
Tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ đã sụt giảm kể từ khi ông công bố các mức thuế “Ngày Giải phóng”. Động thái đánh thuế toàn diện này đã làm rung chuyển thị trường, kích hoạt một đợt bán tháo ngay lập tức, sau đó là sự phục hồi sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố tạm hoãn phần lớn các mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.
Tuy vậy, cách xử lý của Tổng thống Trump vẫn khiến cử tri cảm thấy bất an. Các cuộc thăm dò phản ánh sự xói mòn đáng kể niềm tin của công chúng đối với hiệu quả công việc của ông trong vài tuần qua.
Ví dụ, trong khảo sát mới nhất của ActiVote, tỷ lệ ủng hộ Trump là 45%, trong khi 51% không tán thành, khiến mức chênh lệch ròng là -6 điểm. Khảo sát hồi tháng 3 của ActiVote cho thấy mức chênh lệch ròng của ông Trump chỉ là -1 điểm, với 48% ủng hộ và 49% không ủng hộ.
Trong khảo sát YouGov/Yahoo gần đây nhất, được thực hiện từ ngày 25 đến 28/4, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump giảm từ 44% trong tháng 3 xuống 42%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ tăng từ 50% lên 53%, khiến mức chênh lệch ròng giảm mạnh từ –6 xuống –11.
Emerson College cũng công bố một cuộc khảo sát vào tuần trước, cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống giảm từ 47% xuống 45% kể từ tháng 3, trong khi tỷ lệ không ủng hộ giữ nguyên ở mức 45%.
Trong khi đó, khảo sát mới nhất của Big Data Poll, thực hiện từ ngày 3 đến 5/5 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump hiện ở mức 48%, giảm so với mức 56% hồi tháng 1, trong khi 47% không ủng hộ cách ông điều hành cương vị Tổng thống - tăng so với mức thấp kỷ lục 37% hồi tháng 1 năm nay.
Ngày 6/5/2025, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 3 đã tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay. Trong ảnh, cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, một số cuộc thăm dò hiện đang cho thấy dấu hiệu tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống đang phục hồi. Theo khảo sát mới nhất của TIPP Insights, thực hiện từ ngày 30/4 đến 2/5, mức chênh lệch ròng trong tỷ lệ ủng hộ Trump là -5 điểm, với 42% ủng hộ và 47% không ủng hộ. Con số này tăng so với mức chênh lệch -7 điểm hồi đầu tháng 4, khi 43% ủng hộ và 50% không ủng hộ.
Mặc dù vậy, các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ ròng của Trump không thay đổi nhiều kể từ giữa tháng 4, điều này cho thấy Tổng thống có thể không thực sự trở nên uy tín hơn, nhưng cũng không mất đi thêm sự ủng hộ kể từ “Ngày Giải phóng”.
Trong khảo sát mới nhất do Morning Consult thực hiện từ ngày 2 đến 4/5, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump vẫn không đổi ở mức 46%, nhưng tỷ lệ không ủng hộ giảm từ 54% xuống 52%.
Khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy mức chênh lệch ròng trong tỷ lệ ủng hộ của ông Trump không đổi ở mức -11 điểm. Theo YouGov và The Economist, tỷ lệ chênh lệch ròng hiện là -10 điểm.
Các chuyên gia nói gì?
Tuy nhiên, Thomas Gift, Phó giáo sư khoa học chính trị kiêm giám đốc Trung tâm Chính trị Mỹ tại trường đại học University College London, nói với Newsweek rằng, mặc dù tỷ lệ ủng hộ ông Trump có thể đang cải thiện và khó có khả năng giảm xuống dưới các mức thấp từng thấy trong thời kỳ hỗn loạn thị trường trước đó, ông vẫn có nguy cơ giảm uy tín thêm nếu không sớm công bố các thỏa thuận thương mại.
“Ông ấy cần công bố các thỏa thuận thương mại, và càng sớm càng tốt”, ông Gift nói.
Ông cũng cảnh báo rằng người dân Mỹ có thể tạm thời chịu đựng tổn thất kinh tế ngắn hạn, nhưng “nếu thời hạn tạm hoãn 90 ngày kết thúc mà cử tri bắt đầu thấy túi tiền của mình bị ảnh hưởng bởi các mức thuế, sự kiên nhẫn của họ có thể cạn kiệt nhanh chóng.”
Trong khi đó, chuyên gia thăm dò thuộc phe Dân chủ Matt McDermott cho rằng những thay đổi nhỏ trong các con số thăm dò hiện tại chỉ là “nhiễu thống kê”, chứ không phải dấu hiệu của sự ủng hộ ngày càng tăng.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự trì trệ, không phải đà tiến”, ông McDermott thẳng thắn.
Ông cảnh báo rằng tổn thất kinh tế do chính sách thuế của ông Trump mới chỉ bắt đầu, khi các công ty như Mattel, Microsoft, Procter & Gamble và Ford đều đã công bố tăng giá. “Không thể đánh lừa cử tri rằng mọi thứ vẫn ổn khi giá mọi thứ, từ tã lót đến xe bán tải, đều đang tăng”.
“Ông Trump đang hy vọng đổ lỗi cho người khác về nền kinh tế suy yếu, nhưng điều đó sẽ không hiệu quả. Cử tri biết rõ ai là người chịu trách nhiệm”, ông McDermott bình luận.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc