Ly hôn nhưng không chia xa

Ly hôn nhưng không chia xa
6 giờ trướcBài gốc
Karen và Ed trong ngôi nhà gia đình ở Epson, nơi họ sống cùng với 3 con trai
Ly hôn vẫn sống chung nhà
Khi Karen và Ed Telling ngồi vào bữa tối truyền thống của gia đình ngày Chủ nhật, căn phòng như bừng lên bởi những tiếng cười nói rộn ràng. Ba cậu con trai bàn luận về những bàn thắng bóng đá, nói về vị trí trên bảng xếp hạng game và rồi không ai chịu nhường ai miếng khoai tây nướng cuối cùng. Trong khi đó, Karen và Ed bàn về kế hoạch cho tuần sau: ai sẽ đi siêu thị, ai sẽ đưa các con đến câu lạc bộ sau giờ học, những buổi đi chơi và các trận thi đấu thể thao.
Cảnh tượng này có thể bắt gặp ở hàng nghìn gia đình trên khắp nước Anh, nhưng với gia đình Karen và Ed thì lại khá đặc biệt bởi cả hai đã không còn là vợ chồng. Dù đã ly hôn, họ vẫn sống chung nhà và nuôi dạy con cái như một gia đình. Đây là một lựa chọn ngày càng phổ biến, được gọi là "ly hôn không chia cắt".
Xu hướng thu hút sự chú ý khi ngôi sao truyền hình Paddy McGuinness và vợ cũ Christine quyết định ly hôn nhưng vẫn cùng sống trong biệt thự trị giá 2,5 triệu bảng để duy trì sự ổn định cho các con. Một ví dụ khác là cầu thủ bóng đá Kyle Walker và vợ Annie. Dù muốn chính thức chấm dứt hôn nhân, họ vẫn tiếp tục sống cùng nhau để chăm sóc và nuôi dạy các con.
Theo bà Liza Gatrell, đối tác quản lý tại công ty luật Stowe Family Law, các cặp đôi sau ly hôn ngày nay không còn nhất thiết phải chọn cách "đường ai nấy đi" như trước. Bà nhận thấy ngày càng nhiều khách hàng của mình quyết định tiếp tục sống chung sau khi chia tay. Lý do rất đa dạng. "Tôi từng làm việc với những cặp đôi vẫn sống cùng nhà vì họ vẫn là bạn tốt", bà chia sẻ. "Một số khác đơn giản là không muốn sống một mình. Nhưng phần lớn quyết định này xuất phát từ lý do tài chính - họ không đủ khả năng hoặc không đủ tài sản để duy trì cuộc sống như trước". Phần lớn khách hàng chọn mô hình "ly hôn không chia cắt" là những người đang trong giai đoạn ly thân. "Họ muốn con cái có một cuộc sống ổn định, không bị xáo trộn quá nhiều", Gatrell nói thêm. Một lựa chọn phổ biến là để con ở lại nhà gia đình, trong khi cha mẹ thay phiên nhau sống cùng con, thời gian còn lại thì sống tại một nơi thuê nhỏ hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít cặp đôi đi xa hơn: dù đã chấm dứt quan hệ tình cảm, họ vẫn quyết định sống chung lâu dài trong ngôi nhà cũ, vì sự ổn định của con và cả những lý do thực tế khác.
Nghe có vẻ như đó là giải pháp lý tưởng cho một tình huống không hoàn hảo, nhưng để có được cuộc sống gia đình êm đềm sau ly hôn như hiện tại, Karen và Ed đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. "Hai năm trước, tôi không thể hình dung nổi có ngày cả hai lại có thể ngồi cùng bàn ăn như bây giờ", Karen chia sẻ. "Cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ trong căng thẳng và tổn thương. Chúng tôi cãi vã nhiều đến mức khi bắt đầu làm thủ tục ly hôn, tôi và Ed gần như không thể nhìn mặt nhau". Ed đồng tình: "Chúng tôi thực sự đã chạm đáy. Không khí trong nhà vô cùng tệ, chính bọn trẻ cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi biết mình phải làm gì đó".
Ảnh minh họa
Vì một cuộc sống không xáo trộn
Điều gì đã giúp Karen và Ed chuyển từ giai đoạn u ám như thế sang thỏa thuận ly hôn không chia cắt và quan trọng hơn, họ đã làm điều đó như thế nào? Câu trả lời nằm ở lý do đằng sau và cách thức hai người ly hôn.
"Ed và tôi đã bên nhau suốt 15 năm", Karen kể. "Như nhiều cặp đôi khác, cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng có lúc này lúc kia. Chúng tôi hay tranh cãi về trách nhiệm, tài chính,… nhưng mọi thứ vẫn ổn cho đến khi có Covid-19". Cô cho biết thời gian phong tỏa đã khiến những vết nứt trở thành hố sâu. "Việc kinh doanh của Ed sụp đổ chỉ sau một đêm. Lúc đó căng thẳng và lo lắng nhiều lắm mà tôi còn phải vừa làm việc vừa dạy học cho ba đứa con ở nhà. Hai chúng tôi cứ cãi nhau suốt. Đến năm 2022, tôi dọn sang phòng trống và quyết định không tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa".
Họ đã thử đến tư vấn hôn nhân nhưng không thể cứu vãn. "Tôi biết Ed vẫn muốn níu kéo, nhưng lúc đó tôi đã gần như buông tay. Cuối cùng, cả hai cùng đồng ý ly hôn", Karen nhớ lại.
Điều khiến mối quan hệ sau ly hôn của họ trở nên tích cực là quá trình hòa giải. Qua quá trình này, hai người có không gian an toàn để thẳng thắn trao đổi và đi đến thỏa thuận hiện tại. Họ cũng hưởng lợi từ luật ly hôn "không lỗi" mới, giúp quá trình chia tay bớt căng thẳng. "Người hòa giải đã nhấn mạnh điều này ngay từ đầu rằng chúng tôi không cần phải chỉ ra lỗi hoặc đổ lỗi cho nhau. Điều đó thực sự giúp chúng tôi có tâm thế tích cực và hợp tác hơn".
Trong khi thỏa thuận quyền nuôi con không phải là vấn đề quá khó, việc sắp xếp chỗ ở lại khá nan giải. "Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ ở lại nhà còn Ed chuyển đi, vì phần lớn trách nhiệm chăm sóc các con là do tôi đảm nhiệm. Nhưng Ed nói anh ấy không thể tưởng tượng cảnh không sống cùng nhà với bọn trẻ", Karen kể.
Hai người từng cân nhắc bán nhà, nhưng rồi nhận ra điều đó không khả thi. "Ngoài việc phải chia nhau thời gian với các con, chúng tôi còn phải gánh chi phí chuyển nhà và phí phạt trả trước hạn. Chưa kể cả hai chỉ có thể mua những căn nhà kém tiện nghi hơn, trong khi bọn trẻ phải chuyển trường nữa. Bán nhà là điều không hợp lý".
Cuối cùng, Ed và Karen quyết định giữ lại ngôi nhà. "Nếu sau này bán nhà, chúng tôi sẽ chia đôi", Karen nói. "Nhưng hiện tại, chúng tôi may mắn có một khoản tiền từ việc bán bất động sản của gia đình Ed trước khi ly hôn, nên có thể cùng đầu tư vào một căn hộ. Tôi sẽ sống cùng các con trong ngôi nhà này, còn Ed có một phòng riêng để ngủ lại vào cuối tuần. Khi đó, anh ấy sẽ ở nhà còn tôi có thể ra ngoài gặp bạn bè. Dù vậy, chúng tôi không vội vàng, mọi thứ đang ổn định".
"Điểm mấu chốt là chúng tôi có cùng mục đích", Ed nói thêm. "Ưu tiên hàng đầu của cả hai là hạn chế tối đa xáo trộn trong cuộc sống của các con. Chúng tôi đều cho rằng việc chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái trong chính ngôi nhà cũ sẽ dễ dàng hơn".
Cuộc sống mới trong không gian cũ
Về lý thuyết, việc sống cùng nhà sau khi ly hôn đối với Karen và Ed có vẻ tốt, nhưng thực tế thế nào? "Đôi khi cảm giác khá lạ lẫm. Chúng tôi sống cùng nhau nhưng không phải là một cặp nữa, học cách sống trong không gian quen thuộc với một động lực hoàn toàn khác", Ed chia sẻ.
"Điều khó nhất là phải chấp nhận rằng chúng tôi có cuộc sống xã hội riêng biệt, không còn biết tất cả mọi chuyện đang xảy ra trong cuộc sống cá nhân của nhau nữa", Karen nói. "Nhà không còn là nơi phù hợp để chúng tôi dành thời gian cho nhau. Và việc tham gia các sự kiện xã hội hay gia đình cũng có thể khá khó khăn. Trước đây chúng tôi luôn cùng tham gia như một đôi, nhưng giờ đây chỉ có một trong hai, điều này đôi khi khiến người kia cảm thấy cô đơn".
"Thật khó để cân bằng mọi thứ khi bạn là cha mẹ đi làm, và chúng tôi cần hỗ trợ lẫn nhau", Ed chia sẻ. "Chúng tôi nỗ lực để giao tiếp. Chúng tôi không thể cho rằng người kia luôn sẵn sàng, vì vậy chúng tôi phải nhắn tin và trao đổi hàng ngày, đồng thời ghi chú các hoạt động của mình trên lịch Google".
Lucy Cavendish, một cố vấn về mối quan hệ và hôn nhân tại London và Oxford, cho biết, giao tiếp hiệu quả là yếu tố then chốt đối với những ai cân nhắc ly hôn không chia cắt. "Trên thực tế, mô hình này chỉ hiệu quả với những cặp đôi có thể giao tiếp tốt và xác định rõ ràng ranh giới trong cách tổ chức cuộc sống. Bạn cần suy nghĩ rằng: "Mối quan hệ lãng mạn của chúng ta đã kết thúc nhưng gia đình vẫn tiếp tục, vậy chúng ta cần làm gì để hỗ trợ lẫn nhau?'"
Cavendish cho biết, điều này đòi hỏi sự trưởng thành trong cảm xúc, lòng dũng cảm, đồng cảm và khả năng phục hồi đặc biệt. "Ly hôn không chia cắt không phải là giải pháp cho tất cả mọi người. Nếu cuộc hôn nhân tan vỡ do ngoại tình hoặc mâu thuẫn lớn, mô hình này rất khó hiệu quả".
Cavendish cảnh báo, ngay cả những cặp đôi vẫn giữ được mối quan hệ hòa thuận cũng cần xem xét yếu tố không gian trong nhà. Liệu ngôi nhà có đủ rộng để mỗi người có không gian riêng? "Việc phải chia sẻ phòng ngủ sau khi ly hôn hoặc phải chuyển ra ghế sofa là không thiết thực trong thời gian dài", bà nói. "Và đúng là như vậy", chuyên gia Lucy Cavendish nhận định. Bà cũng đưa ra lời cảnh báo: "Ly hôn nhưng vẫn sống chung nhà không hề dễ dàng. Họ sẽ phải gác lại mọi oán trách, đối xử với nhau bằng sự tử tế, lòng bao dung. Cần học cách giao tiếp bằng sự thấu cảm giúp hai người có thể gắn bó trong vai trò mới, dù không còn là vợ chồng".
Ảnh minh họa
Không ai biết trước chuyện tương lai
Gatrell cho biết thêm, một trong những cạm bẫy lớn nhất của hình thức ly hôn không chia cắt là không dự trù cho những thay đổi có thể xảy ra. "Không ai có quả cầu pha lê để nhìn trước tương lai - bạn có thể hài lòng với thỏa thuận hiện tại, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo". Ví dụ, nếu một người bắt đầu có bạn đời mới, điều đó có thể thay đổi hoàn toàn động lực của thỏa thuận. "Vì vậy, điều quan trọng là phải thiết lập ranh giới rõ ràng, có những cuộc trò chuyện trung thực và một thỏa thuận chi tiết về những gì sẽ xảy ra nếu hoàn cảnh thay đổi".
Karen và Ed đã có những cuộc trò chuyện thẳng thắn và khó khăn như vậy. "Chúng tôi hiểu rằng điều này có thể không kéo dài mãi mãi", Karen chia sẻ. "Vì khi sống như thế này, có thể chúng tôi đang vô tình cản trở nhau tiến về phía trước". Ed bổ sung: "Chúng tôi đã đưa ra lựa chọn tốt nhất cho tất cả mọi người trong thời điểm hiện tại".
Cả hai đều cảm thấy hài lòng với những gì họ cùng nhau xây dựng sau ly hôn. "Khi không còn áp lực của một cuộc hôn nhân, chúng tôi lại hòa hợp đến mức tôi từng tự hỏi liệu chúng tôi có thể cứu vãn cuộc hôn nhân của mình không?", Karen thừa nhận. "Nhưng dù gì đi nữa, chúng tôi đang cho mình thời gian để vượt qua ly hôn và dần thiết lập một mối quan hệ mới dựa trên sự tôn trọng giữa hai con người, hai người làm cha mẹ. Tôi tin tưởng Ed, chúng tôi là bạn tốt của nhau, và tôi thật sự đánh giá cao vai trò của anh ấy trong việc nuôi dạy con cái".
Về phần bọn trẻ, các cậu bé vẫn sống tốt trong suốt quá trình này. Karen chia sẻ: "Chúng tôi đã cố gắng giải thích mọi thứ theo cách phù hợp với độ tuổi và hiểu biết của các con. Các con không hỏi quá nhiều hay nhắc đến việc chia tay của chúng tôi. Tôi hy vọng chúng vẫn cảm thấy an toàn khi sống cùng cả cha và mẹ, những người vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp".
Nguồn: Telegraph
Ngọc Nguyễn
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/ly-hon-nhung-khong-chia-xa-20250505154141758.htm