Lý và tình vụ 'hôi trái vải' ở Hà Nội

Lý và tình vụ 'hôi trái vải' ở Hà Nội
2 giờ trướcBài gốc
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip một vụ TNGT lật xe tải chở hơn 3 tấn vải thiều của chị Bùi Thị Lịch, xảy ra trên địa bàn xã Dân Hòa, TP Hà Nội.
Hậu quả, chiếc xe tải bị lật úp, toàn bộ số vải đổ ra đường, rất may không có thiệt hại về người.
Đáng chú ý, khi chủ của số vải trên đưa xe vào gara gần đó để sửa thì nhiều người dân đã xúm lại để lấy vải mang về, có người còn mang cả bao tải để lấy vải.
Được biết hơn 3 tấn vải trên có giá trị gần 28 triệu đồng.
Người dân lấy vải sau khi xe tải của chị Lịch bị lật. Ảnh cắt từ clip
Ngay sau khi clip được lan truyền trên mạng xã hội, UBND xã Dân Hòa đã nắm được sự việc và cho biết tai nạn xảy ra tài xế không trình báo cơ quan chức năng.
Do sự việc xảy ra lúc gần sáng, nhiều người đi qua khu vực trên nghĩ rằng số vải ven đường bị bỏ đi nên đã nhặt về chứ không phải "hôi của" như thông tin trên mạng xã hội lan truyền.
Chị Lịch cho biết nhiều người lấy vải sau đó đã liên hệ và gửi lại tiền (khoảng 20.000-50.000 đồng). Đến trưa ngày 8-7, chị đã nhận được khoảng 40-50 triệu, nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng vì chưa kịp tổng kết hết.
Trao đổi về vụ việc, Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc người dân liên hệ để trả tiền cho chủ xe vải là cần thiết và ấm áp, như một cái kết có hậu.
Tuy nhiên, cần phải minh định rằng số vải được chất ở bên đường không người trông coi không có nghĩa đó là tài sản vô chủ. Người dân đến lấy vải nếu không được sự cho phép của chủ xe vải là vi phạm pháp luật.
Tùy tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu TNHS về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (nếu đủ định lượng).
Đối với chế tài hành chính, người nào có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021. Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật.
Về chế tài hình sự, Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm..., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai, trước mặt người quản lý hoặc chủ sở hữu tài sản mà không sử dụng vũ lực, đe dọa hoặc các thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần.
Hiểu đơn giản, đó là việc lấy tài sản của người khác một cách trắng trợn, không che giấu, thường diễn ra nơi công cộng hoặc trước sự chứng kiến của nhiều người.
Tuy nhiên, khi nhìn lại vào diễn biến sự việc, có thể thấy chị Lịch (chủ tài sản) sau đó đã được những người lấy vải của mình liên hệ và gửi tiền hoàn trả, hơn nữa số tiền mỗi người hoàn trả/số vải đã lấy cũng chỉ vài chục ngàn đồng/người. Nên có thể phần nào hình dung được tính chất của vụ việc này không đến mức nghiêm trọng phải truy cứu TNHS.
Cũng theo luật sư Linh, từ trước đến nay xảy ra không ít vụ xe tải chở trái cây, hàng hóa, thực phẩm gặp tai nạn để rồi người dân sau đó đã phải "giải cứu" cho chủ tài sản. Đó là những hành động nên làm và cần được chia sẻ và phát huy.
Nhưng cũng có không ít trường hợp đau lòng xảy ra, khi chủ tài sản gặp sự cố, thiệt hại về tài sản nhưng một bộ phận người dân đã lợi dụng tình huống đó để "hôi của", chiếm đoạt tài sản dẫn đến sau đó phải lãnh án về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Chẳng hạn 2 người trong vụ "hôi bia" ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai năm 2013, đã phải lãnh án vì đã lấy 240 lon bia và 12 chai bia có tổng giá trị là gần 3 triệu đồng...
Do vậy, mỗi người dân cần nêu cao tình thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn hơn là lợi dụng nó để trục lợi để rồi vướng phải lao lý.
ĐẶNG LÊ
Nguồn PLO : https://plo.vn/ly-va-tinh-vu-hoi-trai-vai-o-ha-noi-post859209.html