M10 Booker - 'Quái thú' mới của Mỹ cho chiến trường Thái Bình Dương

M10 Booker - 'Quái thú' mới của Mỹ cho chiến trường Thái Bình Dương
5 giờ trướcBài gốc
Tháng 3/2020, Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) công bố kế hoạch cải tổ toàn diện kéo dài 10 năm, nhằm quay trở lại sứ mệnh tác chiến trên biển, thay vì tiếp tục đóng vai trò như một lục quân thứ hai. Kế hoạch này không chỉ cắt giảm số tiểu đoàn bộ binh, pháo binh và xe đổ bộ, mà còn dẫn tới quyết định gây chấn động: loại bỏ toàn bộ lực lượng xe tăng M1 Abrams.
Toàn bộ hơn 1.300 chiếc Abrams đang phục vụ tại USMC được chuyển giao cho Lục quân hoặc cho "nghỉ hưu", đánh dấu dấu chấm hết cho Tiểu đoàn xe tăng số 1 - đơn vị từng tham chiến tại Guadalcanal từ năm 1942 và là biểu tượng hỏa lực hạng nặng của Thủy quân lục chiến suốt gần 80 năm.
Xe tăng Booker. Ảnh NI
Tuy nhiên, sau 5 năm “khai tử” xe tăng, nhiều ý kiến đang kêu gọi lãnh đạo USMC suy nghĩ lại, không phải để đưa Abrams trở lại, mà là để đón nhận một ứng cử viên mới, đó là M10 Booker.
Dù vừa bị Lục quân Mỹ khai tử vào tháng 5/2025 trong khuôn khổ Chương trình Tái tổ chức Quân đội (ATI), M10 Booker vẫn là nền tảng hỏa lực di động có tiềm năng lớn với Thủy quân lục chiến.
Thiết kế bởi General Dynamics Land Systems, M10 Booker được định danh là xe chiến đấu hỗ trợ hỏa lực, chứ không chính thức gọi là “xe tăng”. Nhưng về bản chất, nó vẫn là cỗ máy chiến tranh mang hình bóng của một tăng hạng nhẹ với khung gầm bánh xích, tháp pháo xoay độc lập, cùng khẩu pháo chính cỡ nòng 105mm.
Điều khiến Thủy quân lục chiến đặc biệt quan tâm tới M10 Booker không chỉ nằm ở hỏa lực mạnh, mà còn ở khả năng cơ động và sinh tồn trên chiến trường hiện đại.
Trong bối cảnh chiến trường ngày càng phức tạp từ Ukraine tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò của xe bọc thép vẫn cực kỳ quan trọng. Động cơ diesel êm ái và tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với loại turbine khí của Abrams, giúp giảm tải hậu cần, một trong những lý do khiến USMC từng loại bỏ M1. Dù nặng khoảng 38 tấn, M10 Booker vẫn nhẹ hơn Abrams gần 30 tấn và có thể vận chuyển bằng vận tải cơ C-17.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams. Ảnh USMC
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, M10 có thể đóng vai trò then chốt trong các đơn vị Trinh sát cơ động tương lai của USMC. Khẩu pháo 105mm không chỉ đủ sức xuyên phá xe bọc thép đối phương, mà còn hỗ trợ trinh sát chiến đấu trong môi trường có nguy cơ chạm địch cao. Đây là mắt xích còn thiếu trong mô hình tác chiến phân tán và di động mà USMC đang theo đuổi.
Điều quan trọng là M10 Booker hiện đã bước vào giai đoạn sản xuất ban đầu với số lượng hạn chế, có nghĩa là nếu USMC muốn “mở lại cánh cửa tăng thiết giáp”, họ có thể bắt tay vào mà không cần khởi động từ số không. USMC hoàn toàn có thể “vay mượn” thiết kế sẵn có, tiến hành chỉnh sửa và thử nghiệm theo chuẩn tác chiến riêng của họ.
Dù vậy, việc tích hợp M10 Booker vào lực lượng Thủy quân lục chiến vẫn còn trở ngại. Một trong những vấn đề khiến Lục quân khai tử M10 là điều khoản “quyền sửa chữa”, buộc các lực lượng phải phụ thuộc vào General Dynamics Land Systems trong mọi hoạt động bảo trì. Với USMC, vốn hoạt động độc lập và linh hoạt thì đây được xem là rào cản lớn.
Dẫu vậy, M10 Booker có thể xem là lựa chọn đáng giá cho Thủy quân lục chiến Mỹ trong thời đại tác chiến phân tán, phản ứng nhanh và phải sống sót trong môi trường hỏa lực cường độ cao.
Trong cuộc chạy đua công nghệ vũ trang, nhất là trong môi trường tiềm tàng xung đột tại Thái Bình Dương, M10 Booker có thể chính là mảnh ghép quyết định của lực lượng đổ bộ Mỹ.
Lê Hưng (Military Watch)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/m10-booker-quai-thu-moi-cua-my-cho-chien-truong-thai-binh-duong-ar951746.html