Mã định danh thay mã số thuế: Bước ngoặt số hóa trong quản lý thuế cá nhân

Mã định danh thay mã số thuế: Bước ngoặt số hóa trong quản lý thuế cá nhân
14 giờ trướcBài gốc
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính).
Phóng viên: Xin ông cho biết, việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ ngày 1/7/2025 mang lại những lợi ích gì đối với công tác quản lý thuế và hoạt động của người dân, doanh nghiệp?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế là một bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Khi hệ thống quản lý trở nên đồng bộ, thống nhất và minh bạch, toàn xã hội từ các cơ quan Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
Đặc biệt, khi các giao dịch hành chính, tài chính chỉ cần sử dụng một mã duy nhất, đó là mã định danh cá nhân thì người dân không phải khai báo thông tin nhiều lần, giảm đáng kể thời gian và thủ tục giấy tờ. Việc đối chiếu, xác minh thông tin giữa các tổ chức, cơ quan cũng dễ dàng hơn, giảm thiểu sai sót và rủi ro trong quá trình xử lý dữ liệu. Như vậy, lợi ích kép ở đây là giảm thời gian giao dịch và tăng độ chính xác, hiệu quả trong quản lý.
Phóng viên: Hiện nay, đang có lộ trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân. Vậy theo ông, cần tính toán như thế nào để mức điều chỉnh này sát với thực tế và không bị lạc hậu?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Theo luật hiện hành (Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi 2012 và 2014), việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phụ thuộc vào biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 20% trở lên và thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này khiến việc điều chỉnh thường chưa kịp thời, không phản ánh đầy đủ mức sống của người dân.
Do đó, tôi cho rằng cần tính toán mức giảm trừ không chỉ dựa trên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà còn cần xét đến tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, thu nhập bình quân đầu người và cả mục tiêu nâng cao đời sống mà Đảng, Nhà nước hướng tới. Ngoài ra, nên quy định trong luật giao thẩm quyền xác định mức giảm trừ gia cảnh hằng năm cho Chính phủ. Điều này không có nghĩa năm nào cũng điều chỉnh, nhưng nếu cần thì có thể thực hiện kịp thời, tránh lạc hậu so với thực tế đời sống.
Phóng viên: Với các chính sách thuế và chính sách tài khóa đang áp dụng, ông đánh giá thế nào về tác động đến diễn biến giá cả và sự ổn định kinh tế?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Rất rõ ràng, nhiều chính sách thuế hiện nay đang tác động trực tiếp và tích cực đến nền kinh tế. Ví dụ, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% theo Nghị quyết số 204/2025/QH áp dụng từ ngày 1/5/2025 đến hết năm 2026 đã tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể mua sắm nhiều hơn, doanh nghiệp tăng sản lượng, từ đó thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Khác với trước đây, lần này chúng ta xác định thời hạn ưu đãi tới 1,5 năm, tạo dư địa dự báo ổn định cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các luật thuế sửa đổi như Luật Thuế GTGT sửa đổi số 48, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 67 cũng theo hướng đơn giản, minh bạch, và ưu đãi hợp lý.
Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm được áp dụng thuế suất chỉ 15%, từ 3 - 50 tỷ đồng là 17% thay vì 20% như trước. Điều này sẽ kích thích khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Phóng viên: Với hàng loạt chính sách miễn, giảm thuế như vậy, liệu chúng ta còn đủ dư địa tài khóa để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh áp lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Chắc chắn sẽ có áp lực trong quản lý ngân sách, nhưng điều đó đã được tính toán kỹ. Chúng ta đang mở rộng cơ sở thu, bổ sung đối tượng nộp thuế mới, những nhóm trước đây chưa bị điều tiết. Như vậy vừa bảo đảm công bằng, vừa tăng thu.
Thêm vào đó, việc chống thất thu thuế đang được đẩy mạnh, giúp gia tăng hiệu quả thu ngân sách. Quan trọng nhất là các chính sách ưu đãi thuế hiện nay đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo nguồn thu ổn định và bền vững trong trung và dài hạn. Có thể nói, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để triển khai các gói tài khóa hỗ trợ, mà vẫn giữ được cân đối ngân sách trong tầm kiểm soát.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hằng
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/ma-dinh-danh-thay-ma-so-thue-buoc-ngoat-so-hoa-trong-quan-ly-thue-ca-nhan.html