Gần đây, khi cúm mùa bắt đầu có dấu hiệu gia tăng, nhiều người thắc mắc khi nào biết bản thân mắc bệnh cúm mùa, có cần uống thuốc, phòng ngừa bệnh ra sao... Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện Quận Gò Vấp, để hiểu rõ hơn về cách phát hiện và phòng ngừa cúm mùa một cách hiệu quả.
* Phóng viên: Thưa bác sĩ, cúm mùa xuất hiện khi nào và làm sao phân biệt cúm mùa với các bệnh liên quan đường hô hấp?
- PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Cúm mùa thường xuất hiện nhiều vào mùa đông và mùa xuân, khi thời tiết lạnh và ẩm ướt. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Tuy nhiên, cúm mùa vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, nếu điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột hoặc nếu có sự thay đổi đột ngột trong chủng virus cúm.
PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TP HCM), cho biết cúm mùa là bệnh thông thường hằng năm. Ảnh: Hải Yến
Cúm mùa là một bệnh viêm đường hô hấp thông thường, xảy ra hằng năm và thay đổi theo từng mùa. Tuy nhiên, virus cúm mùa có thể thay đổi chủng mỗi năm, vì vậy có thể có những đợt cúm mạnh và nhẹ khác nhau. Mặc dù không phải lúc nào cúm mùa cũng nghiêm trọng nhưng một số đối tượng như người cao tuổi hoặc trẻ em có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm. Việc tiêm phòng cúm là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người có nguy cơ cao.
Tại Bệnh viện quận Gò Vấp, đến nay, các bệnh nhân đến khám vẫn chủ yếu là những trường hợp cúm thông thường hoặc viêm đường hô hấp trên, chưa có bệnh nhân nặng cần phải nhập viện vì cúm.
Các triệu chứng cúm mùa và các bệnh hô hấp thông thường khá giống nhau, bao gồm sổ mũi, ho, sốt, đau họng, mệt mỏi. Tuy nhiên, cúm mùa thường do virus biểu hiện sốt không cao, có ngứa cổ, ho khan, tăng tiết đàm nhớt nhưng đàm trong không có màu xanh như biểu hiện bệnh ở đường hô hấp. Thông thường, cúm thường chỉ điều trị triệu chứng, còn lại tự khỏi. Vì virus theo chu kỳ nên người trẻ có thể lướt qua. Chỉ có đối tượng nguy cơ như người lớn tuổi, bệnh nền, cơ địa mẫn cảm cần lưu ý theo dõi để tránh trở nặng. Cúm mùa khác vi khuẩn gây ảnh hưởng đường hô hấp trên.
Đa số đối tượng khỏe mạnh tiếp xúc với cúm chỉ khoảng vài ngày sẽ khỏi. Bệnh được liệt kê vào cúm mùa thì không cần quá lo lắng. Ví dụ, nếu COVID-19 liệt vào cúm mùa thì là bệnh thường quy vì qua tiêm phòng nhiều đợt. Có miễn dịch cộng đồng thì không cần phải lo lắng.
* Những ngày qua, nhiều người tìm mua thuốc Tamiflu (Oseltamivir) vì lo ngại cúm mùa. Bác sĩ cho biết việc tự ý mua thuốc kháng virus sẽ có nguy cơ gì?
- Thời tiết hiện tại thuận lợi cho tác nhân gây bệnh đường hô hấp lây lan. Thông tin về việc nhiều người tìm cách tự điều trị cúm mùa bằng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, việc tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây nhiều tác hại. Trong thực tế, không phải tất cả các trường hợp có triệu chứng cúm đều là do virus cúm. Vì vậy, việc sử dụng thuốc Tamiflu mà không cần chẩn đoán chính xác có thể không hiệu quả và thậm chí gây phản tác dụng.
Tamiflu không phải là một loại thuốc hiếm hay cấm sử dụng nhưng cần được sử dụng đúng cách. Nếu tự mua và uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc khi không cần thiết có thể làm giảm hiệu quả của thuốc trong tương lai. Cũng giống như kháng sinh, nếu chúng ta sử dụng thuốc kháng virus mà không đúng cách, virus có thể tạo ra kháng thuốc, làm cho thuốc mất tác dụng trong những lần sử dụng sau.
Tamiflu là thuốc kháng virus, giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cúm nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, nó chỉ hiệu quả khi được dùng sớm và chỉ trong một số trường hợp nhất định, ví dụ như với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc người trong nhóm nguy cơ cao. Còn đối với những người khỏe mạnh, nếu chỉ đơn giản bị cảm cúm thông thường, việc dùng thuốc này không phải là giải pháp tốt nhất.
* Vậy làm sao để phòng ngừa bệnh cúm mùa trong thời điểm hiện tại?
- Để phòng bệnh, điều quan trọng nhất là mọi người nên tiêm phòng cúm mỗi năm để bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu có triệu chứng cúm, không nên tự ý mua thuốc mà cần đến bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách. Việc sử dụng thuốc không có sự chỉ định của bác sĩ không những không có tác dụng mà còn có thể gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
BS Nguyễn Thị Thùy Dương, Khoa Nội hô hấp-Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), cho biết thêm tiêm vắc-xin phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ bị biến chứng của bệnh cúm và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hằng năm cho các đối tượng gồm: Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ; trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; người cao tuổi (trên 65 tuổi); người mắc bệnh mãn tính; nhân viên y tế.
Sau khi tiêm ngừa cúm người tiêm có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, đau khớp, cáu kỉnh, buồn ngủ, tiêu chảy, sốt, run rẩy, chán ăn, chóng mặt, tăng đổ mồ hôi, đau, sưng, đỏ, cứng, ngứa chỗ tiêm nhưng các triệu chứng này thường nhẹ và tự hết sau 1-2 ngày.
Lưu ý một số đối tượng không tiêm ngừa cúm gồm: Người từng có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ) với tiêm ngừa cúm trước đó; dị ứng nghiêm trọng với trứng; hoãn tiêm khi đang bị sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính (nên chờ cho đến khi tình trạng tốt hơn mới nên đi tiêm phòng cúm); từng bị biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên trong 6 tuần sau khi tiêm cúm.
Virus cúm thay đổi hằng năm nên cần tiêm ngừa vắc-xin cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Ở Việt Nam, vắc-xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong năm.