Diễn viên Mạc Văn Khoa là nạn nhân tiếp theo khi bị giả hình ảnh, giọng nói bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo bán hàng.
“Tôi được gửi xem clip AI giả mạo mình, từ hình ảnh đến giọng nói đều sai sự thật. Mọi người hết sức cẩn thận. Nếu ai thấy thông tin nào bất thường trên mạng, nhờ mọi người báo cáo giúp và báo cho tôi biết để cảnh báo cho mọi người tránh những việc đáng tiếc xảy ra”, Mạc Văn Khoa nói.
Mạc Văn Khoa lên tiếng cảnh báo. Ảnh: FBNV.
Theo đó, fanpage sử dụng hình ảnh AI của Mạc Đăng Khoa đăng hình anh bán hàng Taobao, ra đơn chỉ sau 3 ngày… Fanpage này lợi dụng clip AI để lừa người có nhu cầu nhấn vào và hướng dẫn bán hàng miễn phí với lời mời mọc hấp dẫn như: không cần biết tiếng Trung, không cần nhập hàng, không cần tự mình vận chuyển, đội ngũ hướng dẫn 24/7…
Không riêng Mạc Văn Khoa, nhiều nghệ sĩ Việt bị ảnh hưởng khi bị các đối tượng sử dụng trái phép hình ảnh, tạo các clip AI quảng cáo cờ bạc.
Trước đó, ca sĩ Khắc Việt, Đan Trường đều tỏ ra bức xúc và lên tiếng cảnh báo. Khắc Việt khẳng định anh “chưa từng và sẽ không bao giờ tham gia hay quảng cáo cho các hoạt động cờ bạc, lừa đảo hoặc các hình thức vi phạm pháp luật khác”.
Giọng ca Yêu lại từ đầu cho biết video lan truyền là giả mạo, được cắt ghép giọng nói và khuôn mặt của anh bằng công nghệ deepfake - một nhánh của AI để tạo ra video hoặc bản ghi âm giả mạo, chân thực đến mức khó phân biệt.
“Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn có thể gây thiệt hại cho cộng đồng. Mong mọi người tỉnh táo, cảnh giác cao độ, không tin - không chia sẻ - không tham gia bất kỳ đường link hay thông tin nào mạo danh tôi”, Khắc Việt cho hay.
Đan Trường cũng gặp trường hợp tương tự. Ca sĩ yêu cầu các trang thông tin mạng không được lấy hình ảnh của anh chỉnh sửa mặt mũi rồi giật tít câu view. “Video AI lừa đảo, chỉnh mặt Đan Trường biến dạng như vậy mà cũng có người tin”.
Nam nghệ sĩ nhắn nhủ khán giả cung cấp thêm thông tin nếu thấy clip sai sự thật, dùng AI cắt ghép để làm việc với cơ quan chức năng.
Cách nhận biết deepfake
Công nghệ làm giả hình ảnh, giọng nói nhờ AI đang bùng nổ trên mạng xã hội, gây ra hàng loạt mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ cho giới showbiz mà còn cho doanh nghiệp như đánh cắp danh tính, phá hoại uy tín, và lan truyền thông tin sai lệch.
Vì công nghệ ngày càng tinh vi, những video này trông rất thật, khiến người xem khó nhận biết thật - giả, đặc biệt nếu họ không biết phải chú ý vào đâu.
Marianna Spring, chuyên gia tại BBC chuyên truy vết tin giả chia sẻ 3 mẹo để phát hiện deepfake.
Thứ nhất là quan sát kỹ chi tiết. Hãy nhìn kỹ các ngón tay và khuôn mặt trong video. Mắt của họ có giống như trong những bức ảnh khác không. Có đúng số ngón tay không?
Thứ hai là kiểm tra thông tin. Người ta nói video này được quay khi nào. Thời tiết trong video có phù hợp với ngày hoặc địa điểm đó không?
Thứ ba là theo dõi chuyển động và âm thanh. Nhân vật trong video có di chuyển trông như hoạt hình không. Giọng nói có nghe giống robot hơn là con người không?
Hà Trang