Malaysia cảnh giác AI sau vụ việc 'vẽ sai' quốc kỳ

Malaysia cảnh giác AI sau vụ việc 'vẽ sai' quốc kỳ
6 giờ trướcBài gốc
Channel News Asia cho biết 2 trong ít nhất 4 vụ việc vào tháng qua liên quan đến hình ảnh lá cờ Jalur Gemilang được cho là do AI tạo ra. Đầu tiên là trang bìa nhật báo Sin Chew số ra ngày 15.4 in quốc kỳ mất hình lưỡi liềm tượng trưng cho đạo Hồi (quốc giáo của Malaysia). Sau đó đến ngày 24.4, Bộ Giáo dục Malaysia đăng tải bài phân tích kết quả thi cử với quốc kỳ có đến 2 ngôi sao thay vì chỉ 1, cũng như chỉ mang 8 sọc đỏ trắng xen kẽ thay vì 14. Các sọc tượng trưng cho địa vị bình đẳng của 13 tiểu bang và vùng lãnh thổ liên bang, còn ngôi sao tượng trưng sự thống nhất.
Quốc kỳ Malaysia bị AI "vẽ sai" - Ảnh: X/@lorettabagg, X/@knhakimh
Qua loạt vụ việc trên có thể thấy cả đơn vị công lẫn đơn vị tư của Malaysia đều đã ứng dụng AI vào hoạt động, nhưng lại dễ bỏ qua sai sót cũng như tác hại tiềm ẩn mà trí tuệ nhân tạo mang lại. Nhà phân tích truyền thông Nuurrianti Jalli (Viện ISEAS-Yusof Ishak) xem các sự cố như lời cảnh báo thúc đẩy quản lý AI nghiêm túc hơn.
Không chỉ vụ việc liên quan đến Jalur Gemilang mới gây phẫn nộ. Ngày 19.4, một hình ảnh trang trại sầu riêng nằm giữa rừng nghi do AI tạo ra làm dấy lên đồn đoán về vấn đề trồng trọt phi pháp tại bang Pahan. Chú thích kèm ảnh ghi rằng đây là “địa điểm ẩn” khiến người dân e ngại còn nhiều trang trại trái phép khác. Ủy ban Truyền thông - Đa phương tiện Malaysia đã thẩm vấn người đăng ảnh. Ngoài ra còn xuất hiện nội dung Quốc vương Ibrahim bị bắt giữ hay nội dung khiêu dâm giả mạo danh tính.
Cần tăng cường quản lý
Malaysia rất tích cực thúc đẩy ứng dụng AI, thể hiện qua nhiều sáng kiến như “AI cho người dân” do Thủ tướng Anwar Ibrahim khởi xướng năm ngoái. Sáng kiến này nằm trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách hiểu biết kỹ thuật số của người dân.
Sau khi xảy ra 2 vụ việc “vẽ sai” quốc kỳ, nhà lãnh đạo Malaysia tuyên bố dù bản thân ủng hộ ứng dụng AI vào các lĩnh vực, nhưng công nghệ không thể thay thế khả năng biên tập và kiểm tra của con người. Thư ký báo chí văn phòng thủ tướng thông báo cơ quan chức năng sẽ mở cuộc điều tra. Cả nhật báo Sin Chew lẫn Bộ Giáo dục Malaysia đều lên tiếng xin lỗi. Báo đình chỉ 2 biên tập viên và cam kết tăng cường quy trình biên tập liên quan đến AI.
Nhà nghiên cứu Elina Noor (Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế) nhấn mạnh: “Dùng AI không có nghĩa miễn trừ sự giám sát của con người. Người dùng phải nhận thức rằng vô số rủi ro vô hình chẳng hạn sự thiên vị ẩn chứa trong thiết kế AI có thể đem lại rủi ro hữu hình dưới dạng thông tin sai lệch gây hại xã hội”.
Có xu hướng tin rằng AI trung lập, hiệu quả và tiện lợi vì chúng chỉ là công cụ kỹ thuật. Tuy nhiên trên thực tế các mô hình trí tuệ nhân tạo lại chứa không ít thành kiến về văn hóa, giới tính… Đây là phát hiện trong nghiên cứu vào cuối năm ngoái do Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm Singapore hợp tác với công ty kiểm toán AI Humane Intelligence thực hiện.
Theo bà Noor, các đơn vị cần vạch rõ chính sách về sử dụng AI đồng thời đảm bảo thực thi nghiêm túc. Phía cơ quan chức năng nên phổ biến rộng rãi luật pháp liên quan đến nội dung AI, sớm quy định về vấn đề bản quyền của tác phẩm AI cũng như về bảo vệ người trong ngành sáng tạo. Tất nhiên chính sách cần đảm bảo cân bằng để không kiềm hãm đổi mới.
Thủ tướng Ibrahim vào tháng 12.2024 đã thành lập Văn phòng Trí tuệ nhân tạo quốc gia Malaysia chuyên trách định hình chính sách và giải quyết các vấn đề pháp lý. Ở cấp độ khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng hành động hướng tới xây dựng nên bộ quy định hoàn chỉnh về AI. Tháng 2 năm nay khối ban hành hướng dẫn về quản trị và đạo đức trí tuệ nhân tạo.
Cẩm Bình
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/malaysia-canh-giac-ai-sau-vu-viec-ve-sai-quoc-ky-232123.html