Mãn nhãn với màn trình diễn trong Ngày hội văn hóa hòa bình

Mãn nhãn với màn trình diễn trong Ngày hội văn hóa hòa bình
2 giờ trướcBài gốc
“Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” được tổ chức nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình (16/7/1999 – 16/7/2024). Tham dự buổi lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng nhiều lãnh đạo các cấp, ban ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội đã dâng hương tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ, mở đầu "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình", diễn ra tại phố đi bộ hồ Gươm.
Hơn 8.000 người đại diện cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia Lễ khai mạc "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" tại Vườn hoa Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và xung quanh không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
Trong phần mở đầu, buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng được tái hiện. Trong không khí trang trọng, khoảng 10.000 đại biểu cùng tham dự hát vang Quốc ca, tạo nên một khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình.
Điểm nhấn ấn tượng trong chương trình sáng nay là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng.
"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" được chia làm 3 phần chính, bao gồm “Ký ức Hà Nội”, “Dòng chảy di sản”, “Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo”.
Mở đầu, dàn kèn Quân nhạc Bộ Công an trình diễn “Khải hoàn ca” chào đón đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô, tiếp đó là liên khúc “Tiến về Hà Nội - Sẽ về Thủ đô”, “Ngày về chiến thắng” do đoàn quân nhạc Bộ Công an biểu diễn”, ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện.
Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sau thực cảnh tái hiện 'Ngày về chiến thắng', chương trình tiếp tục với phần 2 “Hà Nội – dòng chảy di sản”. Những nét đặc sắc nhất của hơn 1.000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội đã được thể hiện trên phố đi bộ Hoàn Kiếm.
Các màn trình diễn Trống hội Thăng Long đến từ những người dân huyện Thanh Trì; Múa Cờ - nghiềm quân Hội Quán Giá, Yên Sở đến từ huyện Hoài Đức; Múa rồng lân đến từ huyện Thanh Oai.. khiến người xem vô cùng mãn nhãn.
Không chỉ có vậy, chương trình còn diễn ra các màn trình diễn giới thiệu tục thờ, lễ hội Tản viên Sơn Thánh, hay giới thiệu về tín ngưỡng thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương.
Nhiều màn trình diễn giới thiệu về tín ngưỡng thờ cúng của Thăng Long - Hà Nội khiến người xem được chứng kiến nhiều truyền thống thờ phụng khác nhau của dân gian.
Lực lượng diễu hành và trình diễn là nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế.
Màn diễu hành giới thiệu nghệ thuật trình diễn dân gian, những di sản diễn xướng dân gian tiêu biểu của Hà Nội như: Ca trù, hát xẩm, hát múa Ải Lao, rối nước, rối cạn... cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách.
Tại không gian phố đi bộ các di sản văn hóa phi vật thể được tái hiện.
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” khép lại với những hình ảnh tuyệt đẹp tôn vinh văn hóa, di sản Hà Nội, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình - Thành phố sáng tạo. cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế để lan tỏa thông điệp vì hòa bình.
Trầm Phương
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/man-nhan-voi-man-trinh-dien-trong-ngay-hoi-van-hoa-hoa-binh-2038960.html