Tại sao một công ty được định giá hơn 1 tỷ USD và hiện nắm trong tay hơn 250 triệu USD vốn đầu tư từ Microsoft, SoftBank, Insight Partners và quỹ đầu tư quốc gia Qatar lại có thể đổ vỡ nhanh như vậy? Và sự đổ vỡ này báo trước điều gì cho ngành công nghiệp AI?
Mập mờ
Thành công của Builder.ai không thể tách rời khả năng kết nối và quan hệ của Sachin Dev Duggal, nhà sáng lập và nguyên CEO của công ty này. Duggal giống như một ngôi sao trong cả giới doanh nghiệp lẫn ngành giải trí với các mối quan hệ từ Anshu Jain (cố CEO ngân hàng Đức Deutsche Bank) đến nhạc sĩ William. Trong một buổi tiệc được Builder tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6/2024, Duggal đã mời và tự mình phỏng vấn doanh nhân Tony Fadell (nguyên phó giám đốc bộ phận iPod của Apple) và huấn luyện viên quần vợt Patrick Mouratoglou (thầy dạy của danh thủ Serena Williams).
Sachin Dev Duggal phát biểu trong một hội nghị tại Qatar, Doha vào tháng 2 vừa qua.
Vậy nhưng Sachin Dev Duggal là ai? Ngay từ năm 14 tuổi, cậu thiếu niên người Anh đã tự mình kiếm tiền bằng cách lắp ráp PC để bán. Đến năm 17 tuổi thì Duggal trở thành thực tập sinh tại Ngân hàng Deutsche Bank. Duggal đã sử dụng cơ hội này để networking và tìm kiếm nhà đầu tư cho công ty khởi nghiệp Nivio của mình. Một cựu nhân viên của Nivio trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg: “Nivio là “con bài” Duggal đánh cược vào thị trường điện toán đám mây. Lúc đó thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng chứ chưa bị bão hòa như hiện nay”.
Một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên của Nivio là Tập đoàn điện tử Videocon của Ấn Độ do gia đình tỉ phú Pradeep Dhoot điều hành. Con trai Saurabh Dhoot của tỉ phú là bạn của Sachin Duggal và đối tác làm việc trực tiếp với Nivio. Ngoài khoản vay 3,8 triệu USD từ Videocon, Nivio còn kêu gọi được thêm 13 triệu USD nữa từ tỉ phú ngành thông tin liên lạc Mỹ Al Cinelli.
Nivio đi vào hoạt động được một khoảng thời gian thì giữa Duggal và Cinelli xảy ra rạn nứt. Vị cổ đông người Mỹ cáo buộc CEO Duggal đã tự ý lấy $49,500 tiền của công ty để đóng góp vào bữa tiệc từ thiện được ngôi sao nhạc pop Alicia Keys tổ chức. Duggal đã phải bồi thường cho công ty số tiền trên đồng thời từ chức CEO Nivio.
Sau đó ban quản trị Nivio tiếp tục kiện Sachin Duggal lên tòa án Thụy Sỹ vì tội biển thủ công quỹ. Duggal đã tự ý sử dụng thẻ tín dụng công ty và chuyển khoản từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân của mình. Bên nguyên đơn ước tính tổng thiệt hại ở mức 1,5 triệu Francs Thụy Sỹ. Tuy nhiên tòa Thụy Sỹ đã bác đơn kiện nói trên vào năm 2016 vì cho rằng không đủ chứng cứ.
Nivio tuyên bố phá sản vào năm 2018. Công ty này giải thể trong khi bị Cục điều tra trung ương Ấn Độ điều tra về tội rửa tiền. Theo nhà chức trách Ấn Độ thì Saurabh Dhoot đã cấu kết với Sachin Duggal và các lãnh đạo khác của Nivio để lập không ít khoản vay giả mạo nhằm che giấu việc rửa tiền. Hiện cuộc điều tra vẫn tiếp diễn, và Duggal hiện bị phía Ấn Độ ra lệnh truy nã sau khi Duggal không xuất hiện theo lệnh triệu tập của cảnh sát vào năm 2022.
Sau khi rời khỏi Nivio, Duggal cùng với Saurabh Dhoot sáng lập Builder.ai vào năm 2016. Tại thời điểm đó Builder là một trong số những công ty đầu tiên hứa hẹn sử dụng trí tuệ nhân tạo để lập trình với tốc độ nhanh hơn và giá thành rẻ hơn. Ngay từ khi thành lập, Builder và Videocon đã có mối quan hệ thân thiết. Videocon vừa là khách hàng của Builder vừa luân chuyển cán bộ cấp cao của mình đến Builder để quản lý.
Chỉ sau 2 năm hoạt động, Builder cho biết họ đã thu hút được hơn 29,5 triệu USD vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có Quỹ đầu tư Insight Partners (Mỹ), Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Lakestar (Thụy Sỹ). Đến năm 2022 thì Builder lại tiếp tục mời gọi được thêm 100 triệu USD vốn đầu tư từ Microsoft và các tập đoàn công nghệ khác. Nhờ sự thành công này mà Builder đã được nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Anh Liam Fox biểu dương.
Vậy nhưng đằng sau thành công của Builder là vấn đề. Hai cựu nhân viên Builder đệ đơn kiện công ty này lên tòa án bang California (Mỹ) vì nói dối khách hàng và cổ đông về khả năng công nghệ của doanh nghiệp. Một vụ kiện đã được hai bên tự hòa giải, còn đơn kiện còn lại vẫn đang được tòa án xem xét.
Nishka Ranjan là chủ công ty Sewamo Enterprises chuyên cung cấp dịch vụ nấu ăn, vệ sinh và sửa chữa ở Mumbai, Ấn Độ. Bà Nishka phản ánh về Builder: “Tôi trả Builder hơn $10,000 để họ lập trình một ứng dụng điện thoại kết nối khách hàng doanh nghiệp với Sewamo. Đáng lẽ ra Builder phải bàn giao sản phẩm trong 4 tháng nhưng họ chậm tiến độ đến hơn một năm. Đến khi chúng tôi chính thức phát hành ứng dụng vào tháng 10/2023 thì khách hàng lại không thể nào đăng nhập được. Vì Builder mà Sewamo mất đi không biết bao nhiêu là cơ hội kinh doanh.
Một khách hàng khác của Builder là lập trình viên người Ấn Độ Anurag Gulati. Anh cho biết: “Tôi trả Builder gần $10,000 để họ lập trình một ứng dụng hẹn hò. Họ chỉ làm được 25% theo yêu cầu của hợp đồng thì bất ngờ ngừng tiến độ. Sau nhiều lần tìm cách liên lạc với Builder không được, cuối cùng tôi đành phải bỏ dở dự án trên vào tháng 7/2023”.
Sự sụp đổ của Builder.ai nhanh đến bất ngờ.
Khi được phóng viên tờ The Economic Times (Ấn Độ) phản ánh về hai trường hợp kể trên, luật sư của Builder.ai viện cớ rằng vì Sewamo đã lựa chọn nền tảng viễn thông liên lạc không phù hợp nên mới dẫn đến việc chậm tiến độ, trong khi với ứng dụng hẹn hò của Anurag Gulati thì Builder đã hoàn thành được 90% và Gulati mới là người tự ý cắt hợp đồng.
Trong một cuộc điều tra của tờ The Financial Time (Anh), phóng viên đã tìm ra hàng loại trường hợp sai phạm trong marketing của Builder.ai. Ví dụ như không ít review mà Builder nhận được trên những nền tảng kết nối doanh nghiệp như LinkedIn, LeTip International,... thực chất là review giả do nhân viên của Builder “sáng tác”. Builder cũng tự ý sử dụng logo của Hãng hàng không Air India, hãng xe hơi Bentley và tập đoàn nước giải khát Pepsi trong các quảng cáo của họ trong khi không hề có bất kỳ mối quan hệ kinh doanh hay thỏa thuận sử dụng hình ảnh với các công ty trên. Sau khi bài phóng sự của Financial Time được đăng tải, Builder đã phải gỡ các quảng cáo sai phạm trên.
Sụp đổ
Sachin Duggal bất ngờ từ chức CEO vào tháng 2 vừa rồi. Giám đốc quản lý lợi nhuận của Builder.ai là Varghese Cherian cũng từ chức theo. Manpreet Ratia, quản ký cấp cao của quỹ đầu tư Jungle Ventures (cổ đông của Builder) trở thành CEO mới, nhưng Duggal vẫn giữ vị trí của mình trong hội đồng quản trị. Ngay sau khi nhận chức vụ mới, ông Ratia và hội đồng quản trị đã tiến hành thuê công ty kiểm toán độc lập để thực hiện rà soát Builder.ai.
Theo tờ The Financial Times đưa tin, công ty kiểm toán đã phát hiện một loạt trường hợp các lãnh đạo Builder ghi khống sổ sách, làm hợp đồng và hóa đơn giả nhằm khuếch trương doanh số của công ty này. Họ ghi nhận không ít hợp đồng bán hàng cho công ty nước ngoài để đối tác bán lại cho bên thứ ba, nhưng trên thực tế thì không có bất kỳ một giao dịch nào diễn ra. Kẻ đồng phạm lớn nhất của Builder là công ty khởi nghiệp mạng xã hội VerSe Innovation.
VerSe Innovation (đặt trụ sở tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ) là chủ của trang mạng tổng hợp tin tức Dailyhunt với hơn 350 triệu lượt truy cập hằng tháng. Mặt khác sau khi New Dehli ra lệnh cấm mạng xã hội TikTok, VerSe đã nhanh chóng cho ra mắt ứng dụng thay thế mang tên Josh. VerSe là khách hàng lớn của Builder, và bản thân nhà đồng sáng lập VerSe là Umang Bedi cũng có quan hệ thân thiết với Sachin Duggal.
Công ty kiểm toán nhận thấy trong giai đoạn từ 2021 đến 2024, Builder và VerSe cứ mỗi quý lại ký kết các hợp đồng với giá trị ngang bằng nhau. Ngành kiểm toán gọi đây là cách gian lận kiểu “round-tripping”. Giá trị hợp đồng sẽ được ghi nhận vào cột doanh thu trong sổ kế toán, nhưng trên thực tế thì giữa hai bên không hề có sự trao đổi tiền bạc hay hàng hóa. Trong giai đoạn kể trên. Builder đã “thu về” gần 60 triệu USD doanh thu từ VerSe, và VerSe cũng ghi nhận doanh thu 60 triệu USD từ Builder.
Một tấm biển quảng cáo Builder.ai tại Anh.
Việc khai khống sổ sách tuy vậy vẫn chẳng phải là trò gian dối lớn nhất của Builder. Ngay từ năm 2019 đã xuất hiện các cáo buộc rằng trí tuệ nhân tạo mang tên “Natasha” của Builder thực chất không tồn tại, và công ty này thuê lập trình viên tự do ở Ukraine và Ấn Độ để sản xuất phần mềm cho khách hàng. Văn phòng Công tố Liên bang quận Nam New York (Mỹ) mới đây công bố một số tài liệu nội bộ thu giữ được từ Builder.
Trong số các tài liệu này có văn bản chỉ dẫn các lập trình viên Ấn Độ cách “giả vờ” làm AI. Họ bị cấm nói ra nơi ở, nơi làm việc thật của mình, đồng thời không được dùng các từ ngữ mà chỉ tiếng Anh Ấn Độ mới có. Việc cập nhật phần mềm của khách hàng được thực hiện theo giờ hành chính Anh Quốc để tạo ảo tưởng rằng quy trình được hoàn toàn tự động hóa. Bộ phận marketing của Builder.ai thì bị nhắc nhở rằng bằng mọi cách phải làm giảm sự hiện diện của con người trong các tài liệu quảng cáo và mời gọi đầu tư.
Theo bài viết đăng trên trang tin Bloomberg thì Builder đã nói dối các chủ nợ bằng cách tăng khống doanh thu dự báo năm 2024 đến 300% lên mức 220 triệu USD. Phải đến sau khi kết quả thanh tra được công bố thì Builder mới giảm con số trên xuống còn 55%. Họ cũng đồng thời giảm doanh số năm 2023 từ 180 triệu USD xuống còn 45 triệu USD. Đây chính là “giọt nước tràn ly” với các chủ nợ của Builder.
Quỹ đầu tư Viola Credit (Israel) vào ngày 20/5 vừa qua đã tịch thu 35 triệu USD từ tài khoản của Builder, làm toàn bộ các chi nhánh tại 5 quốc gia khác nhau của Builder bị tê liệt hoàn toàn. Builder tuyên bố phá sản ngay trong ngày hôm đó và sa thải khoảng 1.000 nhân viên (khoảng 80% bộ máy của họ). Hiện Builder đang tiếp tục bị văn phòng công tố thành phố New York và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) điều tra các tội liên quan đến gian lận tài chính và lừa đảo nhà đầu tư.
Sự sụp đổ của Builder.ai đến quá nhanh nhưng cũng dễ hiểu. Đây không phải là lần đầu tiên một công ty lớn nói dối về sản phẩm trí tuệ nhân tạo của mình. Còn nhớ vào tháng 6/2024, báo chí Mỹ đưa tin Công ty kế toán online QuickBooks nói dối là sử dùng AI để tính toán nhưng thực chất là thuê kế toán ở Philippine. Khách hàng có thể phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới được “AI” trả lời chỉ vì lúc đó đang là giờ ngủ ở Philippine.
Cũng giống như mọi “cơn sốt” công nghệ mới khác, có không ít kẻ lừa đảo đang lợi dụng cái mác “AI” để kiếm lời từ khách hàng và nhà đầu tư. Sự thành bại của ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo không chỉ phụ thuộc vào việc liệu các công ty chân chính chứng tỏ được thực lực của mình, nó còn phụ thuộc vào việc những doanh nghiệp “ma” cần phải bị đưa ra ánh sáng càng sớm càng tốt.
Lê Công Vũ