Mạng lưới giao dịch dầu mỏ trị giá hàng tỷ USD tại Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ

Mạng lưới giao dịch dầu mỏ trị giá hàng tỷ USD tại Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
3 giờ trướcBài gốc
Nếu có chiến tranh với Israel, Iran sẽ cần rất nhiều tiền, không chỉ để mua vũ khí và duy trì nền kinh tế mà còn để tái trang bị cho các lực lượng như Hamas và Hezbollah. Nhiều người nghĩ rằng sau nhiều năm bị trừng phạt, Iran sẽ gặp khó khăn trong việc tài trợ. Tuy nhiên, họ đã lầm. Mỗi năm, Iran bí mật chuyển hàng chục tỷ đô la từ việc bán dầu mỏ lậu vào các tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới.
Hình minh họa cho liên kết giữa dầu mỏ, kinh tế và sự ‘rò rỉ’. Ảnh: Carl Godfrey
Kho báu khổng lồ và bí mật này đã được sử dụng để tài trợ cho cuộc tấn công của Hamas vào Israel, máy bay không người lái của Nga ở Ukraine và cả chương trình hạt nhân của Iran. Tài chính bí mật này không chỉ gây ra nhiều cuộc khủng hoảng mà có thể tiếp tục thổi bùng những xung đột lớn hơn.
Để hiểu được Iran có thể tích lũy được nguồn tài chính khổng lồ này như thế nào, cần phải nhìn vào nền kinh tế dầu mỏ của họ. Sáu năm trước, khi chính quyền Cựu Tổng thống Donald Trump tái áp đặt các lệnh cấm vận, xuất khẩu dầu thô của Iran sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, từ đó, sản lượng xuất khẩu của Iran đã tăng lên gấp mười hai lần, đạt 1,8 triệu thùng/ngày vào tháng 9. Năm ngoái, doanh thu từ những thương vụ này mang về từ 35 đến 50 tỷ đô la; xuất khẩu hóa chất dầu mỏ cũng mang lại thêm 15-20 tỷ đô la.
Việc buôn lậu dầu trên hàng trăm tàu chở dầu là vô cùng khó khăn, và rửa hàng tỷ đô la qua hệ thống ngân hàng toàn cầu càng phức tạp hơn. Mỹ giám sát mọi ngân hàng, kể cả các ngân hàng nước ngoài, thực hiện giao dịch bằng đô la. Vậy làm sao Iran có thể nhận tiền? Và họ di chuyển, lưu trữ và sử dụng số tiền lớn này như thế nào?
Cuộc điều tra của The Economist cho thấy rằng Iran đã xây dựng một mạng lưới tài chính ngầm khổng lồ, từ các giàn khoan dầu cho đến kho tiền ảo của Ngân hàng Trung ương. Các ngân hàng và trung tâm tài chính toàn cầu, đôi khi không hề hay biết, trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi này.
Hệ thống này hoạt động như thế nào? Hầu hết các quốc gia dầu mỏ xuất khẩu dầu thông qua một tập đoàn nhà nước, nhưng Iran thì khác. Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) độc quyền sản xuất, nhưng một phần lớn dầu được phân bổ cho các bộ ngành, tổ chức tôn giáo và thậm chí cả các quỹ hưu trí của Iran để bán ra thị trường. Quân đội Iran được phép bán dầu trị giá 4,9 tỷ đô la trong ngân sách năm ngoái. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cơ quan bảo vệ chế độ, cũng được chia phần dầu, thường không được ghi sổ.
Một khi đã có người mua, các công ty vỏ bọc của Iran sẽ sắp xếp hợp đồng với những chi tiết chặt chẽ. Thông thường, dầu được bán với mức giá giảm từ 10-30 đô la/thùng so với giá dầu Brent quốc tế. Dù các hợp đồng này không ghi rõ nguồn gốc dầu, nhưng trong các thư bảo mật, nguồn gốc thật sự của dầu được ghi là dầu của Iran.
Những con tàu chở dầu Iran sẽ thực hiện việc chuyển dầu qua nhiều bước, từ các cảng của Iran sang các tàu khác tại Oman hoặc Malaysia, sau đó dầu sẽ đến Trung Quốc. Các đại diện của Iran giám sát quá trình này qua các báo cáo liên tục và chỉ đạo qua tin nhắn ẩn danh trên WhatsApp. Hệ thống tài chính bóng tối của Iran sau đó sẽ xử lý các khoản thanh toán, thông qua các công ty vỏ bọc tại Trung Quốc, châu Âu và Trung Đông.
Dù hệ thống này giúp Iran tránh được phần lớn sự giám sát của quốc tế, nó cũng khiến cho các hộ gia đình tại Iran phải chịu gánh nặng lạm phát, trong khi giới trung thành với chế độ lại thu về nhiều lợi ích. Các lệnh trừng phạt có thể làm giảm doanh thu của Iran từ dầu mỏ, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn quốc gia này tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dũng Phan (Theo The Economist)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/mang-luoi-giao-dich-dau-mo-tri-gia-hang-ty-usd-tai-iran-bat-chap-lenh-cam-van-cua-my-post317397.html