Hai tuần trước, con gái của chị H.P.A (Hà Nội) mang một con mèo hoang về nhà. Cả nhà bắt đầu cảm thấy ngứa và xuất hiện các vết tổn thương trên da một tuần sau đó. Cả ba người trong gia đình đến gặp bác sĩ khi xuất hiện mụn nước tróc vảy, lan rộng dần, đường kính khoảng 4-10mm, nằm rải rác ở 2 cánh tay, cẳng chân và đùi, có khi ở ngực hay những nơi khác trên cơ thể, các nốt ngứa ngáy khó chịu.
“Các vết tổn thương trên da của cả ba điển hình cho bệnh nấm da (bệnh da do nấm sợi - Dermatophytoisis). Đây là bệnh lý phổ biến ở những vùng khí hậu nóng ẩm như nước ta”, ThS.BS Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết.
Kết quả xét nghiệm cho thấy sự hiện diện của sợi nấm có vách ngăn - đây là chủng nấm có thể lây nhiễm từ động vật sang người. Gia đình chị H.P.A được điều trị bằng thuốc bôi và thuốc uống chống nấm theo phác đồ (nếu đáp ứng kém có thể dùng laser, ánh sáng trị liệu). Sau 10 ngày điều trị tích cực, các triệu chứng dần cải thiện, không xuất hiện tổn thương mới, bề mặt hết vảy.
ThS.BS Nguyễn Tiến Thành kiểm tra sức khỏe cho người bệnh nhiễm nấm da. (Ảnh: BSCC)
Bệnh nấm da có thể lây từ động vật bị nhiễm sang con người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các vật dụng như chăn, màn, quần áo. Chúng cũng có thể lây giữa người với người, đặc biệt trong điều kiện sinh hoạt tập thể hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân.
Không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể lan rộng nhiều vùng cơ thể, ngứa gãi dẫn đến chàm hóa hoặc bội nhiễm. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo chuyên gia này, khi nhiễm nấm, người bệnh thường cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu gãi, nấm có thể lây lan, khiến tình trạng trầm trọng hơn. Vì vậy, cần giữ cơ thể sạch sẽ, đặc biệt ở vùng nhiễm nấm, tránh dùng sữa tắm hay xà phòng có tính tẩy mạnh.
Để giúp người dân phòng tránh bệnh nấm da, đặc biệt khi nuôi thú cưng, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa thường xuyên, tránh mặc quần áo ẩm ướt, không dùng chung chăn, màn, quần áo với người bị nhiễm nấm.
Thú cưng như chó, mèo, thỏ cần được giữ sạch sẽ, tẩy giun định kỳ, nếu phát hiện thú cưng có dấu hiệu bệnh da liễu (rụng lông, mảng da bị bong tróc), cần đưa đến bác sĩ thú y để điều trị ngay.
Như Loan