Mang 'vốn liếng' Việt đi khởi nghiệp toàn cầu

Mang 'vốn liếng' Việt đi khởi nghiệp toàn cầu
14 giờ trướcBài gốc
Không chọn lối đi dễ dàng, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã rẽ sang những con đường mới mẻ, từ fintech (công nghệ tài chính), edtech (công nghệ giáo dục) đến AI (trí tuệ nhân tạo), và gặt hái được những thành công ở xứ người. Các bạn là những hình ảnh tiêu biểu cho một thế hệ khởi nghiệp trẻ trung, hiện đại, mang theo những phẩm chất từ lâu đã trở thành “vốn quý” của người Việt như không ngại gian truân, quyết liệt đổi mới và không ngừng học hỏi...
Edtech Việt gây “ngỡ ngàng” tại Australia
Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nếu nhắc đến các start-up (khởi nghiệp) của người Việt để lại dấu ấn nổi bật trên thị trường quốc tế, Hello Clever có lẽ xứng đáng nằm trong số những vị trí đầu tiên. Với mô hình sáng tạo tại Australia, Hello Clever đã chinh phục được nhiều giải thưởng danh giá, đồng thời đem về “tiền tươi thóc thật” với kết quả tài chính ấn tượng.
Đôi bạn Triệu Vỹ và Thúy Quỳnh, hai nhà sáng lập của Hello Clever
Điển hình năm 2024, Hello Clever trở thành đại diện tiêu biểu cho làn sóng fintech của người Việt tại Australia khi góp mặt trong tốp 100 doanh nghiệp châu Á đáng theo dõi do Forbes Asia bình chọn. Chỉ sau 3 năm phát triển, Hello Clever thu hút hơn 100.000 khách hàng và hợp tác với hơn 400 thương hiệu lớn nhỏ tại Australia, mang về doanh thu 5,5 triệu AUD (khoảng 97 tỷ đồng). Ngoài mở rộng thị trường, đội ngũ Hello Clever cũng nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhân sự toàn cầu, thu hút chất xám từ các quốc gia gồm Việt Nam, Australia, Singapore, Phần Lan và Nhật đầu quân cho công ty.
Phía sau thành công ấy là hai nhà đồng sáng lập: anh Nguyễn Hiếu Triệu Vỹ và chị Trần Thị Thúy Quỳnh - đôi bạn cùng quê Vĩnh Long và cùng sinh năm 1992. Chị Thúy Quỳnh chia sẻ, cả hai khởi đầu với ý tưởng đơn giản: xây dựng một ứng dụng giúp giới trẻ Australia quản lý tài chính. Tuy nhiên, những mô hình ban đầu của nhóm chưa thật sự hoàn hảo. Giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhóm start-up phải liên tục xoay sở để tìm hướng đi riêng.
Bước ngoặt chỉ thực sự đến vào năm 2022 khi Hello Clever trở thành một trong những fintech đầu tiên tại Australia tích hợp thành công với nền tảng PayTo của Ngân hàng Trung ương Australia, cung cấp giải pháp thanh toán thời gian thực. Từ đó, Hello Clever trở thành một trong những edtech đầu tiên tại Australia cung cấp tính năng thanh toán trong thời gian thực. Khi người dùng trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ tín dụng qua Hello Clever, người bán nhận tiền ngay lập tức, thay vì chờ thêm 2-3 ngày đối soát, nhờ đó càng tối ưu dòng tiền.
Về phía khách hàng, khi lựa chọn thanh toán qua Hello Clever, họ sẽ nhận về những khoản “cashback” (hoàn tiền), có khi vài AUD, khi mười mấy AUD, hoặc những khuyến mãi tùy theo chương trình từ phía cửa hàng. “Tích tiểu thành đại”, những khoản hoàn tiền nho nhỏ này có thể giúp các bạn trẻ tiết kiệm được kha khá trong thời gian dài và góp phần hỗ trợ chi tiêu thông minh hơn.
Cũng là sự “lăn xả” nhưng ở góc độ khác, chị Quỳnh sắm vai người kết nối không ngừng nghỉ. Sự “lăn xả” còn biểu hiện rất rõ trên hành trình gọi vốn - một trong những bước phải có của một start-up. Đợt gọi vốn đầu, cả hai lập danh sách gần 200 nhà đầu tư và trực tiếp thuyết trình với từng đơn vị. Nhưng con đường không trải hoa hồng, khi 50 nhà đầu tư đầu tiên đều từ chối bởi doanh nghiệp quá ít tiếng tăm. “Cứ đi rồi sẽ đến. Chúng tôi nhấn mạnh vào nền tảng công nghệ và nhiệt huyết của đội ngũ. Chúng tôi luôn giữ tư duy mở, bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tác tiềm năng, ngay cả đối thủ cạnh tranh”, chị Quỳnh nhớ lại. Thành quả đã đến khi vào tháng 8-2022, một nhà đầu tư đã “rót” 4,5 triệu USD vào Hello Clever.
Tuy nhiên theo chị, niềm tự hào lớn nhất của Hello Clever không phải những con số trên, mà là việc đem được một sản phẩm của người Việt ra thế giới và có được chỗ đứng nhất định trong cộng đồng khách hàng quốc tế. Hello Clever khá “thuần Việt”, khi hai nhà sáng lập đều là người Việt, và ứng dụng được xây dựng bởi chính đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt. Chị Quỳnh chia sẻ: “Sắp tới, đội ngũ công nghệ này sẽ phát triển tích hợp thêm các tính năng AI vào nền tảng. Chẳng hạn, AI có thể phân tích xu hướng của người dùng để đưa ra những gợi ý chiến lược bán hàng, marketing sao cho hiệu quả nhất với các cửa hàng. Về thị trường, chúng tôi có chiến lược tìm hiểu để bước vào một số thị trường châu Á như Nhật Bản, Singapore. Và chắc chắn rồi, chúng tôi rất mong muốn một ngày gần nhất, Hello Clever sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam”.
“Theo hai bạn, thành công của Hello Clever đến từ đâu?”, chúng tôi hỏi. Không chút do dự, anh Triệu Vỹ cho rằng, một lý do lớn là tinh thần “lăn xả” đặc trưng của đội ngũ người Việt. Phụ trách mảng công nghệ của Hello Clever, anh cho biết: “Về công nghệ lõi, chúng tôi không hẳn vượt trội hơn các đối thủ Australia, nhưng đội ngũ kỹ sư Việt Nam của chúng tôi sẵn sàng làm việc xuyên đêm, bất chấp thời gian, để bám sát tiến độ và vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe. Nhờ vậy, Hello Clever có thể nhanh chân hơn”.
Ứng dụng Việt dạy tiếng Anh cho… người Tây
Nếu như Hello Clever ứng dụng công nghệ vào tài chính thì PTE Magic và Lume Test của chị Moni Vương (Vương Hồng Nhung) lại tích hợp công nghệ vào giáo dục. Từ “gốc rễ” giáo dục, công nghệ đã thổi bùng mô hình kinh doanh. Sinh năm 1991, chị Moni Vương đi trên con đường đặc biệt khi từng sinh sống và học tập tại nhiều quốc gia. Sau khi hoàn tất chương trình trung học tại Nga, chị chọn Australia là điểm đến tiếp theo để theo đuổi con đường học vấn, tốt nghiệp cử nhân Quản trị Kinh doanh tại Đại học Macquarie và hoàn thành chương trình thạc sĩ kế toán tại Đại học Công nghệ Sydney vào năm 2015.
Hành trình sau đó - tìm kiếm cơ hội tại Australia - đã đưa chị Moni bén duyên với PTE và chinh phục kỳ thi này với số điểm tuyệt đối 90/90. PTE là bài thi tiếng Anh được chấp nhận để xét tuyển vào hàng ngàn trường đại học trên toàn cầu. Đặc biệt, tại Australia và New Zealand, PTE là một trong những chứng chỉ tiếng Anh được Bộ Di trú các nước này công nhận trong hồ sơ xin visa du học, làm việc và định cư.
Nhận ra tiềm năng của PTE trong việc mở ra cánh cửa định cư và học tập cho người nước ngoài tại Australia, chị Moni Vương quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục, với mục tiêu lan tỏa cách học, thi PTE hiệu quả đến cộng đồng. Năm 2017, chị cùng các cộng sự sáng lập PTE Magic - trung tâm đào tạo chuyên sâu về PTE. Sau hơn 6 năm, chị Moni Vương đã đồng hành cùng hàng ngàn học viên Việt Nam và quốc tế đạt mục tiêu của mình thông qua kỳ thi này.
Không dừng lại ở mô hình lớp học truyền thống, chị Moni Vương và PTE Magic tiên phong tích hợp công nghệ vào giảng dạy, nhằm nâng cao hiệu quả và trải nghiệm học tập cho học viên. Hiện PTE Magic cũng là thành viên sáng lập Liên minh Giáo dục Công nghệ Việt - Australia và nằm trong Tốp 20 thương hiệu giáo dục tiêu biểu năm 2023. “Một trong những điều mình hài lòng nhất với PTE Magic là kết nối được rất nhiều giáo viên giỏi với các học viên. Và không biết bạn có bất ngờ không khi nhiều giáo viên giỏi ấy là người Việt Nam. Có nhiều trường hợp, học viên là người nói tiếng Anh bản xứ, dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, vẫn tìm đến các giáo viên Việt Nam để ôn thi PTE và rất thán phục trước kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ của các bạn ấy”, chị Moni Vương chia sẻ. Hiện tại, chị đồng sáng lập Lume Test, một nền tảng luyện thi trực tuyến giúp học viên tiếp cận các tài liệu và phương pháp học tập phù hợp với nhiều trình độ. Nền tảng này tích hợp AI, mang đến lộ trình học cá nhân hóa cho người học từ PTE đến IELTS, TOEIC. Người học có thể tự luyện thi và đánh giá tiến độ ngay trên ứng dụng theo lộ trình khoa học.
Với PTE Magic hay Lume Test, chị Moni Vương cho rằng, tinh thần “nói là làm” là yếu tố cốt lõi trên hành trình khởi nghiệp. Khi có ý tưởng khả thi, chị và các cộng sự luôn sẵn sàng bắt tay vào hành động. “Đây cũng là thế mạnh của rất nhiều người Việt. Họ luôn nhanh nhẹn, quả quyết, nói là làm. Mặc dù biết hành trình sẽ nhiều thử thách, nhưng khi có ý tưởng, có cơ hội là nắm bắt lấy ngay”, chị chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng nhấn mạnh rằng không cần phải có nền tảng ngoại ngữ tốt sẵn để thành công với PTE, mà yếu tố quyết định là sự chăm chỉ luyện tập và kiên trì. Chị nói: “Mình mong học viên sẽ hiểu rằng, điểm số cao trong kỳ thi PTE đến từ quá trình nỗ lực rèn luyện, chứ không phải phụ thuộc vào việc có sẵn một ‘bệ phóng’ ngoại ngữ thật giỏi từ trước”.
“Vì thế mà chúng tôi không tự mãn. Chúng tôi luôn tự hỏi mình có thể làm gì tốt hơn nữa không, có thể cải thiện được những gì không?”, chị Moni Vương nhấn mạnh và chia sẻ thêm: “Ngoài ra, đó còn là sự đoàn kết. Dù có giỏi đến đâu, một mình tôi cũng không thể xây dựng một start-up thành công, đặc biệt khi ở nước ngoài. Đoàn kết là một phẩm chất của người Việt. Càng vươn xa, càng cần sự đoàn kết mới có thể thành công”.
Chị Hồng Nhung (phải) cùng bà Sue Lines, Chủ tịch Thượng viện Australia, trong một sự kiện tại TPHCM
Start-up Việt tại Silicon Valley
Anh Lê Đặng Trung, nhà sáng lập Real-Time Analytics (RTA), là một trong những chuyên gia người Việt bước chân vào hệ sinh thái công nghệ năng động tại Silicon Valley, Mỹ. Xuất thân từ Quảng Bình, anh Trung học đại học và lấy bằng thạc sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Anh bắt đầu sự nghiệp tại các tổ chức quốc tế như UNDP (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc) và World Bank (Ngân hàng Thế giới), tham gia các dự án nghiên cứu xã hội, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và phát triển thị trường lao động.
Chính tại đây, anh nhận ra những thách thức lớn trong việc thu thập và xử lý dữ liệu khi công nghệ chưa phát triển. Các dự án nghiên cứu do các tên tuổi lớn thực hiện thường yêu cầu những tính năng kỹ thuật phức tạp, chẳng hạn như bộ bảng hỏi lên đến 3.500 câu, khả năng triển khai khảo sát đồng thời trên hệ điều hành iOS, Android và nền tảng web; xử lý và làm sạch dữ liệu chuyên sâu, xuất báo cáo theo các chuẩn định dạng chuyên dụng…
Nghĩa là không có công nghệ, các dự án nghiên cứu phát triển chỉ dừng lại quy mô nhỏ. Nhận thấy công nghệ có thể thay đổi “cục diện”, anh quyết định tiếp tục hành trình học thuật với chương trình tiến sĩ tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), tập trung vào kinh tế định lượng và phát triển. Anh chủ động đi sâu tiếp cận ứng dụng các nền tảng công nghệ vào các hoạt động nghiên cứu hay các dự án phát triển kinh tế.
Từ những nền tảng đó, anh Trung thành lập Real-Time Analytics vào năm 2013, với mục tiêu đưa công nghệ vào hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME). RTA tập trung xây dựng các nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chuyển đổi số mà không cần đầu tư lớn. Các sản phẩm như rtSurvey và rtWork giúp doanh nghiệp thu thập, xử lý dữ liệu và vận hành hiệu quả trong điều kiện hạn chế về nhân lực và tài chính. Đầu những năm 2020, RTA đã trở thành đối tác với World Bank đồng hành trong chương trình chuyển đổi số cho khoảng 600 doanh nghiệp SME tại Việt Nam.
Cột mốc vào năm 2023 là thời điểm Real-Time Analytics thay đổi bước ngoặt khi ChatGPT ra đời, mở ra kỷ nguyên AI mới. Anh Trung nhanh chóng nhận ra rằng AI không còn là xu hướng mà đã trở thành một năng lực cốt lõi trong phát triển doanh nghiệp. RTA quyết định “all-in vào AI”, tái thiết lại toàn bộ sản phẩm và chiến lược, đồng thời huấn luyện lại đội ngũ để sẵn sàng làm việc cùng AI.
Các ứng dụng của RTA cũng sẽ mang hàm lượng AI nhiều hơn. Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể áp dụng AI vào sản xuất. Chẳng hạn, với nhiều công ty, các ứng dụng AI mới có thể thay đổi mô hình nhân sự theo tỷ trọng 20%-80%, trong đó 20% là nhân sự con người, còn 80% là nhân sự AI. “Hoặc trong nông nghiệp, nhiều ứng dụng mới đã phát triển trên nền tảng AI, giúp người nông dân dù không rành ngoại ngữ vẫn có thể trò chuyện trực tiếp với khách hàng nước ngoài”, anh Trung kể.
RealTimeX được anh mở rộng từ RTA và đặt trụ sở tại Silicon Valley (Mỹ) để có thể tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái công nghệ thế giới, đặc biệt về AI. “Dừng lại là thụt lùi, và đi chậm trong kỷ nguyên này cũng là thụt lùi”, anh Trung chia sẻ.
Quả vậy, tốc độ ở Silicon Valley thật khủng khiếp! Anh Trung nhận thấy các doanh nghiệp công nghệ ở đây đều làm việc không ngơi nghỉ và tốc độ đổi mới sáng tạo như “vũ bão”. Gần như mỗi phút đều có những bước tiến công nghệ mới ra đời. Bản thân các công ty không hô hào phải “đổi mới sáng tạo” nhưng họ ý thức được đây là chuyện sống còn. “Chỉ cần 3 ngày rời Silicon Valley đi công tác, tôi đã cảm thấy mình như đã cách các công nghệ thế giới một khoảng cách xa. Do vậy càng muốn phát triển, càng phải học và nỗ lực không mệt mỏi”, anh nhận định.
Dù đang dồn sức phát triển RealTimeX ở Silicon Valley, anh Trung vẫn duy trì mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và công nghệ tại Việt Nam. Anh tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ, huấn luyện, truyền cảm hứng cho các start-up trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng AI vào kinh doanh và phát triển bền vững. Mới đây, anh kết hợp với tổ chức Ngôi nhà trí tuệ triển khai các lớp học AI miễn phí cho người dân vùng sâu vùng xa Việt Nam. Các lớp học được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, ở đó anh hướng dẫn tận tình cho người dân về AI và những cách có thể ứng dụng AI.
Xây cầu nối đưa start-up Việt Nam ra thế giới
Với mong muốn tìm kiếm và hỗ trợ những start-up có tiềm năng đổi mới sáng tạo, Phạm Hà My - nhà sáng lập Học viện Hamy Academy tại Anh, đã xây dựng sự kiện Global Vietnam Business Festival 2025 (GVBFest), nhằm tạo sân chơi mang lại giá trị thiết thực cho những nhà khởi nghiệp trẻ, góp phần đưa thương hiệu Việt vươn xa.
“Càng dấn thân, tôi càng thấy quyết định liều lĩnh của mình là đúng đắn khi sự kiện GVBFest lần thứ nhất được tổ chức vào thời điểm Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển kinh tế mới từ năm 2025”, đôi lời chia sẻ từ Phạm Hà My đã mở đầu cho cuộc trò chuyện đầy thú vị của một giảng viên trẻ về ước mơ xây cầu nối đưa start-up Việt Nam vươn ra thế giới. Dù mới khởi động trong tháng 2-2025, GVBFest đã nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, Hub Network thuộc Thành đoàn Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và nhiều đối tác quốc tế.
Được đào tạo tại Nhạc viện Quốc tế Praha (CH Czech) suốt 10 năm và tốt nghiệp Thạc sĩ biểu diễn âm nhạc, vì vậy, việc tổ chức một cuộc thi khởi nghiệp thực sự là một thử thách lớn đối với người hoàn toàn “ngoại đạo” trong lĩnh vực này như Hà My. Ngay trong những bước đầu tiên xây dựng và chuẩn bị cho sự kiện từ năm 2024, GVBFest được khởi động với hy vọng đây sẽ là cơ hội vàng để các ý tưởng sáng tạo trẻ của Việt Nam có thể vươn ra thế giới, trong bối cảnh các xu hướng chuyển đổi xanh và số hóa ngày càng được chú trọng. GVBFest sẽ tạo ra một không gian kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, quảng bá sản phẩm Việt qua triển lãm; chia sẻ kiến thức về đổi mới sáng tạo qua diễn đàn; vinh danh các cá nhân, tổ chức xuất sắc qua gala trao giải và thúc đẩy giao lưu doanh nhân. Tham gia sân chơi khởi nghiệp này, các start-up trẻ người Việt sẽ được thể hiện tài năng, có cơ hội gọi vốn và mở rộng mạng lưới kết nối khởi nghiệp tại châu Âu.
Nằm trong khuôn khổ của GVBFest là các giải thưởng GVB Awards 2025 và GVB Prize 2025. Trong đó, GVB Prize 2025 là sân chơi của các đội thi về chiến lược phát triển, tiếp cận mạng lưới nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế; GVB Awards 2025 là giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân và doanh nghiệp người Việt trên toàn thế giới đã đạt thành tựu xuất sắc, đóng góp nổi bật vào sự phát triển kinh tế và kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Lễ trao 2 giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 15-6 tại London, Anh.
Không chỉ xây dựng GVBFest, Phạm Hà My còn dành nhiều tâm huyết, xây dựng và triển khai nhiều dự án dạy thanh nhạc, dạy tiếng Việt, tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng. Cái tên Phạm Hà My ngày càng nhiều người Việt Nam và người nước ngoài biết đến với các nỗ lực lan tỏa giá trị văn hóa Việt tại hải ngoại.
Sinh ra và lớn lên ở TP Nam Định, từ nhỏ, Hà My đã bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ và âm nhạc. Khi 14 tuổi, My sang CH Czech để sinh sống cùng gia đình và thi đậu vào Trường chuyên Gymnasium (trường tốp đầu của tỉnh Karlovarsky Kraj). Sau đó, Hà My lần lượt thi đậu các Trường Nghệ thuật ZUS Antonina Dvoraka và Nhạc viện Quốc tế Praha. Thời gian này, Hà My tham gia cuộc thi Sao Mai do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Tuy chỉ dừng chân ở vòng chung kết khu vực châu Âu, nhưng đó là động lực để Hà My tiếp tục phấn đấu trên con đường âm nhạc.
Từ năm 2023, Hà My là trưởng ban tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa với mục đích kết nối cộng đồng người Việt ở hải ngoại và người nước ngoài yêu văn hóa Việt, trong đó tiêu biểu là cuộc thi EV-Stellar - cuộc thi Piano, hát tiếng Việt dành cho trẻ em, thanh thiếu niên Âu - Việt. EV-Stellar đã phát hiện và tôn vinh nhiều tài năng trẻ xuất sắc, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại châu Âu.
Tất cả sở thích của Hà My đều gắn liền với việc học hỏi và rèn luyện bản thân. Khi có thời gian rảnh, My rất thích học và thông thạo nhiều ngôn ngữ. Chia sẻ về dự định sau GVBFest, My cho biết sẽ mở các lớp học hát tiếng Việt trực tuyến theo hình thức 1-1 với chi phí hợp lý do các đồng nghiệp tại Việt Nam giảng dạy. Đam mê tổ chức các sự kiện lớn, với những ý tưởng mới lạ và độc đáo, My cũng đang ấp ủ kế hoạch về Global Vietnam Arts Festival - một sự kiện hội tụ tinh hoa điện ảnh, thời trang và âm nhạc, để cùng tạo ra nhiều sân chơi chuyên nghiệp hơn cho cộng đồng người Việt tại Anh và châu Âu. Đó cũng là nơi tôn vinh trí tuệ và tài năng của người Việt.
TRỌNG NHÂN - THANH HẰNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/mang-von-lieng-viet-di-khoi-nghiep-toan-cau-post793447.html