Lừa đảo chồng lừa đảo
Hiện nay, nhất là sau khi đối tượng lừa đảo Mr Pips - Phó Đức Nam bị bắt, chỉ cần gõ vào phần tìm kiếm của Facebook cụm từ "dịch vụ giúp lấy lại tiền bị lừa", sẽ có hàng chục kết quả hiện ra là những fanpage, tài khoản nhận làm dịch vụ này.
Các fanpage này lôi kéo người dùng mạng xã hội tham gia dịch vụ “thu hồi tiền bị chiếm đoạt”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”... Đây là một chiêu trò “lừa đảo chồng lừa đảo”, đánh vào tâm lý mong muốn lấy lại được tiền bị mất để tiếp tục chiếm đoạt tài sản của những bị hại trong các vụ án lừa đảo tài chính trước đó.
Đặc biệt, có những fanpage có dòng chữ "được tài trợ" phía bên dưới như "Công ty Luật Minh Trí 2 - Thu Hồi Vốn Treo Online", "Công ty Luật - Hỗ Trợ Thu Hồi Vốn Treo"... "Được tài trợ" là chỉ dấu riêng của các bài phải mất chi phí quảng cáo trên Facebook, để mạng xã hội này "đẩy" các quảng cáo đó đến với nhiều người dùng hơn.
Để tăng độ tin cậy, các nội dung độc hại này thường cắt ghép các video của những cơ quan báo chí chính thống; lấy hình ảnh, thông tin của các cơ quan công an, công ty luật và văn phòng luật sư; cắt ghép hình ảnh, phát biểu của luật sư và cán bộ công an; thuê “diễn viên” về đóng vai người bị hại và công an… Chúng còn tạo nhiều tài khoản “ma” rồi bình luận dưới video rằng đã lấy lại được tiền.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thành Trung (Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật TNHH MTV Nam Sơn, thành viên Đoàn luật sư TP.HCM) xác nhận rằng tất cả những fanpage sử dụng, cắt ghép hình ảnh và video của mình (ví dụ như "Thu hồi vốn treo - Luật sư Trung", "Luật Sư Trung - Xử Lý Giải Ngân Thu Hồi Vốn Treo Online"...) đều là lừa đảo tài chính.
"Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa chấm dứt. Thậm chí chúng còn mua tick xanh (Facebook có dịch vụ Meta Verified, cho phép người dùng bỏ ra một khoản tiền để sở hữu tài khoản với dấu tick xanh - PV) để lừa người dùng rằng tài khoản của chúng là chính chủ. Tôi đã đăng nhiều video cảnh báo trên trang Facebook và TikTok chính chủ của mình, thậm chí bỏ ra rất nhiều tiền để thuê các chuyên gia công nghệ thông tin đánh sập các fanpage giả mạo, nhưng chúng vẫn mọc lên như nấm. Đây thực sự là một vấn nạn lớn với những người làm luật sư như tôi", Luật sư Nguyễn Thành Trung nói. Theo luật sư Trung, việc Facebook quá lơ là trong khâu kiểm duyệt nội dung quảng cáo là nguyên nhân chính.
Những quảng cáo có nhãn "được tài trợ" sử dụng trái phép hình ảnh của luật sư Nguyễn Thành Trung để lừa đảo tài chính.
Bên cạnh đó, các "bẫy lừa đảo" bằng dịch vụ mại dâm online cũng rất phổ biến trên mạng xã hội Facebook. Đơn cử như fanpage "Gọi Đào Toàn Quốc", chuyên đăng những quảng cáo dán nhãn "được tài trợ" để dụ dỗ người dùng tải một ứng dụng (app) có tên "Lương Duyên" để kết nối với các "đào" - chính là gái mại dâm. Tuy nhiên, để có thể gọi được "đào", app này yêu cầu người dùng phải mua "thẻ dịch vụ", "thẻ VIP", rồi bỏ tiền ra làm nhiệm vụ, với số tiền càng ngày càng tăng. Những "đào" đang nói chuyện với người dùng thực chất chính là người của app Lương Duyên. Sau khi đã mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng để "làm thẻ" và làm nhiệm vụ, người dùng mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.
Với công nghệ và tốc độ xử lý dữ liệu cao, các nhà quản lý mạng xã hội, ứng dụng trên môi trường mạng có thể cho phép các quảng cáo lan tỏa rộng, đẩy quảng cáo đến đối tượng người dùng mong muốn. Ví dụ, khi một người dùng gõ từ khóa tìm kiếm hoặc đọc các thông tin về tài chính, chứng khoán..., các quảng cáo về các lĩnh vực này, bao gồm cả quảng cáo lừa đảo, sẽ được hiển thị trên trang mạng xã hội của người đó. Vì vậy, các sức lan tỏa của các quảng cáo xấu độc là rất lớn, dễ trúng đích.
Cách nào để ngăn chặn?
Ông Lê Anh Tiến, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam - Đối tác chiến lược vùng Châu Á Thái Bình Dương của Facebook trong mảng quảng cáo cho hay: Dòng chữ "được tài trợ" là cách Facebook thông báo rằng các thông tin này được một tổ chức hoặc cá nhân nào đó trả phí cho Facebook, để mạng xã hội này "đẩy" những nội dung đó đến với nhiều người dùng hơn.
Theo ông Tiến, do số lượng quảng cáo khổng lồ được đăng tải mỗi ngày nên không phải tất cả đều được kiểm duyệt chặt chẽ, nhất là khi chúng được viết một cách tinh vi và khó nhận diện. Thứ hai, Facebook sử dụng các thuật toán tự động để duyệt quảng cáo, nên đôi khi những quảng cáo lừa đảo có thể không bị phát hiện ngay lập tức.
Để kiểm soát và quản lý tốt hơn nội dung của quảng cáo trên mạng xã hội, theo ông Lê Anh Tiến, Facebook cần nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm duyệt tự động. Các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) cần được phát triển hơn để phát hiện được nhiều hơn các nội dung vi phạm, lừa đảo, kể cả khi các đối tượng sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh tinh vi để che giấu ý đồ. Ngoài ra, Facebook cần tăng cường sự hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, tài chính và truyền thông, mục đích để nhận diện các hình thức lừa đảo mới và cách quản lý, kiểm duyệt những nội dung đó.
"Facebook cần phải làm gấp việc siết chặt khâu kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Bên cạnh đó, họ cũng cần đẩy mạnh việc yêu cầu người dùng phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại chính chủ tại Việt Nam, hoặc bằng căn cước công dân nếu không có số điện thoại chính chủ", luật sư Nguyễn Thành Trung cho biết.
Về quy định pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên - người sáng lập Công ty Luật Hưng Nguyên cho hay, đối với các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, hành vi chủ động lưu trữ, lan truyền các thông tin lừa đảo, giả mạo, sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
"Tuy nhiên theo tôi mức xử phạt là chưa cao, chưa đủ sức răn đe và cũng chưa được làm quyết liệt kịp thời nên hiện tượng các đối tượng lừa đảo vẫn chi tiền để quảng cáo các dịch vụ vi phạm pháp luật", luật sư Nguyên nêu quan điểm.
Ngoài việc xử lý các cá nhân, tổ chức quảng cáo, người dùng mạng xã hội cũng cần có những kỹ năng tự bảo vệ chính mình. Mới đây, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an đã khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người bị hại trong các vụ lừa đảo tài chính tuyệt đối không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa"...
Việt Khôi