Sự lệch lạc cảm xúc và nhận thức
Những vụ việc ồn ào như ViruSs và Ngọc Kem, hay các màn 'đấu tố' từ những người nổi tiếng khác, đang phản ánh một thực trạng đáng báo động: những người có sức ảnh hưởng đang sử dụng mạng xã hội để biến những câu chuyện đời tư của mình thành sân khấu drama với hàng loạt vở diễn.
Những chi tiết riêng tư, nhạy cảm được phơi bày, những nghi vấn được đặt ra, và khán giả, với vai trò là người xem, cảm thấy mình có trách nhiệm tìm ra sự thật. Họ không chỉ 'hóng drama' mà còn tích cực tham gia vào việc 'điều tra', từ việc xem xét giấy tờ, tìm kiếm thông tin, đến việc đưa ra những giả thuyết và bình luận.
Hiện tượng này, theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đang dẫn đến một sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi của giới trẻ. "Giới trẻ hiện nay sẵn sàng chi tiền cho những nội dung vô bổ chỉ để thỏa mãn cảm xúc nhất thời, thay vì đầu tư vào những giá trị thực tế", ông cho biết. "Họ mất thời gian, tiền bạc, và sức khỏe tinh thần chỉ để theo dõi những thông tin vô bổ, không có giá trị".
Thay vì tập trung vào sự nghiệp và lan tỏa những giá trị tích cực, ViruSs, Ngọc Kem lại tổ chức những màn bóc phốt, đấu tố nhau trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của dư luận bằng những tình tiết gây sốc.
Điều gì thúc đẩy người dùng mạng xã hội tham gia vào các cuộc 'bóc phốt'?
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, có nhiều lý do: Họ khao khát cập nhật những thông tin mới, giật gân, để cảm thấy mình 'trong cuộc'. Họ muốn chứng kiến những mặt xấu xí, đời tư của người nổi tiếng, để cảm thấy mình có quyền phán xét và so sánh, từ đó cảm thấy cuộc sống của mình 'không tệ' như họ tưởng.
Giới trẻ ngày nay, thay vì phát triển các kỹ năng sống, học tập, và sáng tạo, lại bị cuốn vào các cuộc tranh luận không có điểm dừng trên mạng xã hội. Điều này khiến họ trở nên căng thẳng, lo âu, và dễ dàng bị rối loạn tâm lý do quá tải thông tin, đặc biệt là những thông tin tiêu cực.
"Từ đó, tạo ra một ảo tưởng về cuộc sống, khiến người trẻ cảm thấy bất mãn với thực tại của mình. Họ tìm đến những câu chuyện drama như một liều thuốc giảm đau, để trốn tránh những vấn đề thực tế", PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.
Sự thiếu tư duy phản biện và tư duy tài chính khiến nhiều người dễ dàng chi tiền cho những nội dung vô bổ, chỉ để thỏa mãn cảm xúc nhất thời. Họ tin vào những lời quảng cáo, những chiêu trò marketing, mà không nhận ra mình đang bị thao túng tâm lý.
"Những câu chuyện 'drama' không chỉ gây ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của họ", ông Nam cho hay.
PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh rằng, trong những vụ drama này, người được lợi nhiều nhất không phải là công chúng mà chính là những người trong cuộc - những người biết cách kiếm tiền từ sự tò mò của công chúng.
Họ tạo ra những câu chuyện để thu hút sự chú ý và kiếm lợi từ việc bán quảng cáo, sản phẩm 'ăn theo', và thậm chí là từ chính việc thu phí người xem tham gia vào các cuộc tranh luận. Ngược lại, người chịu thiệt hại lớn nhất chính là cộng đồng mạng, những người vô tình trở thành 'nạn nhân' của những chiêu trò này.
Người nổi tiếng 'bán' đời tư, nền tảng 'vô cảm'
Mạng xã hội, với khả năng kết nối không giới hạn, đã tạo ra một 'kỷ nguyên vàng' cho những người có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang ấy là một thực tế đáng báo động về sự xuống cấp đạo đức của cả người nổi tiếng lẫn các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều người ảnh hưởng, thay vì sử dụng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa những giá trị tích cực, lại tập trung vào lợi nhuận và tương tác ảo, bất chấp những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Họ 'lệch chuẩn' về kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, tạo ra những drama độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: "Cần xem xét người ảnh hưởng như một nghề nghiệp thực thụ, đòi hỏi những chuẩn mực đạo đức khắt khe". Những hành vi vi phạm đạo đức cần bị xử lý nghiêm minh, thậm chí là khóa tài khoản hoạt động, nhằm răn đe và tạo môi trường mạng xã hội lành mạnh.
Không chỉ người ảnh hưởng, "các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ vào việc khuếch đại những drama tiêu cực", PGS.TS Trần Thành Nam cho biết. Thuật toán của họ ưu tiên tăng lượt xem, tương tác mà bỏ qua những tác động tiêu cực đến cộng đồng, dẫn đến việc lan rộng những chiêu trò 'câu view' bất chấp giá trị.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chính sự lan rộng của những nội dung độc hại trên mạng xã hội đang tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, bào mòn những giá trị văn hóa, thẩm mỹ tốt đẹp trong giới trẻ, khiến họ dễ dàng bị cuốn theo những trào lưu lệch lạc. Ông đặt ra câu hỏi nhức nhối: "Có bao nhiêu người trẻ thực sự trải nghiệm được nhạc thính phòng, bao nhiêu người ngắm bức tranh và suy ngẫm? Giới trẻ Việt Nam đang bị cuốn hút bởi những nội dung giật gân, scandal đời tư, drama tiêu cực, thay vì những giá trị văn hóa, nghệ thuật đích thực".
Thực tế đáng buồn là, những sự kiện drama không chỉ tạo ra một môi trường độc hại cho giới trẻ, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta đang phải đối mặt với một nghịch lý: trong khi cả thế giới đang chững kiến cuộc cách mạng về công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao thì Việt Nam lại thiếu hụt những chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học cơ bản.
"Phải chăng, một phần nguyên nhân nằm ở việc giới trẻ đang bị cuốn hút bởi những câu chuyện phù phiếm, 'hóng' và 'hit' drama trên mạng xã hội, thay vì tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có tính xây dựng và đóng góp cho xã hội?", ông Nam nói
Truyền thông và giáo dục tạo 'lá chắn'
Trong cuộc chiến chống lại "drama" độc hại trên mạng xã hội, không thể chỉ trông chờ vào sự thay đổi từ người nổi tiếng hay các nền tảng mạng xã hội. Cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò quan trọng của truyền thông chính thống và giáo dục cộng đồng.
Người dùng đang vô tình trở thành những 'con rối' bị giật dây, mù quáng tin vào những chiêu trò câu view, bóc phốt để thỏa mãn sự tò mò nhất thời, mà không nhận ra mình đang bị thao túng tâm lý.
"Truyền thông chính thống không thể chạy theo tốc độ viral của mạng xã hội, nhưng lại sở hữu sức mạnh định hướng tư tưởng và thông tin", PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.
Ông nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc định hướng thông tin, "truyền thông chính thống còn phải đóng vai trò 'công tố viên' của xã hội, tạo áp lực để cơ quan chức năng hành động". Điều này đòi hỏi báo chí phải tạo ra những tác phẩm có sức lay động cộng đồng, phân tích sâu sắc, đa chiều về drama, giúp công chúng hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực. Đồng thời, cần phản ánh kịp thời những vấn đề bất cập, hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý.
Không chỉ vậy, báo chí còn có trách nhiệm lan tỏa những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tấm gương tốt, tạo ra những nội dung tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Điều quan trọng nữa là, "cần tránh đưa tin theo hướng kích động sự tò mò tiêu cực của giới trẻ, khiến thuật toán mạng xã hội tiếp tục lan truyền nội dung độc hại", ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng 'vắc-xin' hiệu quả nhất để chống lại drama độc hại trên mạng xã hội, theo PGS.TS Trần Thành Nam, chính là giáo dục. Ông nhấn mạnh rằng, việc xây dựng các chiến lược giáo dục cộng đồng về quy tắc ứng xử trên mạng, giúp người dùng nhận thức rõ trách nhiệm của mình là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục cho giới trẻ về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, tránh bị lôi kéo bởi nội dung tiêu cực cũng là một biện pháp thiết yếu. Và để đạt được hiệu quả tối ưu, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hướng cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả là điều không thể thiếu.
"Chỉ khi cùng nhau hành động, tạo ra một môi trường mạng xã hội lành mạnh, chúng ta mới có thể giúp giới trẻ phát huy tài năng, cống hiến cho xã hội và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Phan Anh