Chiều 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo để chuẩn bị dự thảo đề án trình Bộ Chính trị.
Tháo gỡ rào cản cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực quốc gia
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đều thừa nhận vai trò của nền kinh tế tư nhân dần được thay đổi cùng với quá trình hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường.
Thủ tướng yêu cầu phải có đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế tư nhân, với tư duy vượt qua giới hạn của chính mình. Ảnh: VGP
Sau 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.
Theo thống kê, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, 82% tổng số lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường thế giới.
Ban chỉ đạo Đề án đánh giá kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó là nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, thể chế, pháp luật cho lực lượng này hoạt động còn vướng mắc, bất cập.
Tạo niềm tin, động lực cho kinh tế tư nhân phát triển
Phải tin tưởng vào kinh tế tư nhân, phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân, khuyến khích mọi người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế, mang lại hiệu quả cho xã hội, làm giàu cho chính mình, gia đình và làm giàu cho đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần vào mục tiêu "đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao" và "đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao" đòi hỏi phải có nhận thức, tư duy và giải pháp đột phá để khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, thời gian tới phải có đột phá mạnh mẽ hơn nữa với tư duy vượt qua giới hạn, có trọng tâm trọng điểm để tạo bước ngoặt cho phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước).
Dự thảo đề án cũng đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng biệt cho nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa đang tăng trưởng và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Trong đó, Thủ tướng nêu rõ cần "mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân" và có cơ chế giao kinh tế tư nhân tham gia phát triển, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Thế Vinh