Hôm đó đang học lịch sử thì cô chủ nhiệm gọi tôi ra ngoài. Nhìn thấy chú Lưu đứng cách đó không xa, mắt đỏ hoe, tôi chẳng cần hỏi cũng đoán ra, mẹ tôi không qua khỏi rồi.
Chú Lưu chở tôi về nhà trên chiếc xe đạp cũ. Suốt quãng đường, chú không nói gì. Về tới nhà, chú chỉ ôm tôi thật chặt. Tôi chạy đến bên giường mẹ, nhưng bà đã hôn mê, rồi ra đi mà không kịp dặn dò một lời.
Lễ tang của mẹ, chú Lưu lo liệu tất cả. Nhà vốn đã ít người, mẹ mất rồi, càng thêm trống vắng. Tối hôm đó, chú nấu món thịt xào ớt xanh tôi thích nhất. Cả hai ăn trong lặng lẽ.
Đêm đó, tôi nằm thao thức mãi, ngẫm về những gì mình đã trải qua và không ngừng lo lắng về tương lai.
Từ khi về sống cùng nhau, mẹ con tôi và chú như một gia đình thực thụ. (Ảnh minh họa)
Bố mất từ khi tôi còn rất nhỏ. Bà nội luôn đổ lỗi mẹ là người hại chết bố, cắt đứt liên lạc nhiều năm. Ông bà ngoại thì có nhiều cháu, không thể lo cho tôi. Tôi chỉ là một đứa trẻ lạc lõng.
Tôi gặp chú Lưu lần đầu khi học lớp 5. Trước đó một hôm, mẹ bảo có người bạn của mẹ muốn gặp tôi. Sáng sớm hôm ấy, chú mang đầy túi đồ, từ đồ ăn sáng đến đồ chơi tới nhà, lúng túng như cô dâu mới ra mắt nhà chồng. Mẹ cười đùa mời chú vào.
Hôm đó, chú đưa hai mẹ con tôi đi chơi công viên, ăn đồ ngon, mua quần áo mới. Tôi lần đầu cảm nhận được thứ gọi là tình cha, còn mẹ thì lâu lắm rồi mới cười rạng rỡ đến thế.
Không lâu sau, mẹ con tôi dọn về sống cùng chú. Khi đó chú chưa từng kết hôn, nhỏ hơn mẹ vài tuổi. Bố mẹ chú phản đối kịch liệt, nhưng chú quyết không từ bỏ. Chú bảo đã thích mẹ từ lâu, từng bị từ chối chỉ vì mẹ thấy hai người không hợp.
Từ khi về sống cùng nhau, chúng tôi như một gia đình thực thụ. Chú Lưu như ánh sáng, thắp lên tiếng cười trong căn nhà vốn nhiều nước mắt. Nhờ có chú, tôi từ đứa trẻ tự ti, rụt rè trở nên mạnh mẽ, dạn dĩ hơn.
Mẹ muốn sinh con cho chú. Nhưng tôi khi ấy ích kỷ, sợ có em rồi họ sẽ không thương tôi nữa. Mãi đến năm tôi học lớp 8, mẹ bất ngờ mang thai. Khi nghe trộm được họ đang bàn có nên giữ con hay không, vì sợ tôi bị tủi thân thì tôi xông vào nói:
- Sinh đi ạ!
Mẹ và chú đều rất bất ngờ, xen lẫn đó là sự vui mừng.
Khi mẹ mang thai, chú càng chăm chỉ hơn, càng quan tâm tôi hơn trước. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, mẹ phát hiện bị ung thư. Để có hy vọng sống, mẹ buộc phải bỏ thai. Dù cố gắng chạy chữa, chú vét sạch tiền tiết kiệm, đi vay khắp nơi, mẹ vẫn không qua khỏi.
Khi mang thai, mẹ tôi phát hiện bị ung thư. (Ảnh minh họa)
Sáng hôm sau khi lo xong tang lễ của mẹ, tôi tỉnh dậy thì không thấy chú đâu, trên bàn ăn là bữa sáng và một mảnh giấy. Nội dung bên trong ghi:
- Sau này, chúng ta sẽ dựa vào nhau mà sống.
Tôi đọc xong mà nghẹn ngào, thầm cảm ơn ông. Từ đó, chú làm ngày làm đêm, đi làm chính xong lại nhận thêm việc phụ để trả nợ khoản viện phí dành cho mẹ tôi trước đó và nuôi tôi ăn học.
Bà nội lại tìm đến, ép chú trả tôi về nhà ngoại, còn sắp đặt cho chú đi xem mắt. Tuy nhiên, chú không đồng ý, nhất quyết đòi nuôi tôi khôn lớn. Các cô gái thì không muốn lấy người đã có “con riêng”.
Tôi biết mình là gánh nặng nên lặng lẽ rời đi. Nhưng chỉ vài tiếng sau khi rời khỏi nhà, chú đã tìm thấy tôi. Không trách không mắng, chú ôm tôi vào lòng rồi nhẹ nhàng nói:
- Dù không có máu mủ, nhưng chú là chồng của mẹ con, chú sẽ nuôi con đến 18 tuổi.
Nghe những lời này, tôi òa khóc nức nở và đó là lần đầu tiên tôi gọi chú một tiếng "bố". Tôi học hết cấp ba, thi đỗ trường trọng điểm. Bố dượng đi làm xa nhưng vẫn thường về thăm, mang đồ ăn ngon đến ký túc xá. Khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, bố vui như trúng số, còn mời tôi đi ăn bằng nửa tháng lương.
Khi tôi nhận lương đầu tiên, mua cho bố bộ quần áo mới, ông cười bảo:
- Không uổng công nuôi con.
Đến năm tôi học năm 3 đại học, bố dượng tái hôn. Vợ mới của bố hiền lành, biết hết chuyện của bố và tôi nên cũng rất quý mến tôi. Họ có thêm một bé trai, gia đình lại trọn vẹn.
Ra trường, tôi có công việc ổn định ở thành phố. Nhưng rồi, tôi quyết định về quê khởi nghiệp. Mọi người tiếc cho tôi, nhưng chỉ bố dượng là dang tay đón tôi như thuở nào. Gặp tôi ở ga tàu, bố ôm tôi:
- Sao con về mà không nói trước?
Tôi cười:
- Con về để chăm bố lúc tuổi già đấy.
Giờ tôi cũng có gia đình riêng, sống đối diện nhà bố dượng. Cuối tuần, tôi hay sang uống trà, câu cá cùng bố. Mỗi lần nhìn bố cười, tôi lại thấy mình may mắn biết bao. Vì ánh sáng năm xưa bố dượng mang đến, tôi mới có được cả bầu trời hôm nay.
Tâm sự của độc giả, theo eva.vn.
VietNamNet cho hay, theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong thời kỳ mới hiện nay, điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể; có những điều kiện cơ bản để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của mình. Đặc biệt, nhiều giá trị quý báu của gia đình Việt Nam không ngừng được duy trì và phát huy.
Cùng với đó, giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được coi trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, các chức năng của gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi, tác động đến các giá trị của gia đình.
Hiện nay, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là thời kỳ công nghệ số, từng cá nhân đều có cuộc sống bận rộn, lối sống nhanh, sống gấp, nhiều gia đình khó khăn trong việc dành nhiều thời gian để cùng nhau trò chuyện hoặc có cơ hội tham gia cùng một hoạt động chung như bữa cơm gia đình, dã ngoại...
Thực trạng dù sống trong cùng gia đình nhưng mỗi người một lịch sinh hoạt, ai cũng đòi hỏi có thời gian và không gian riêng tư, từ đó vợ chồng, con cái, ông bà không có cơ hội chia sẻ, thăm hỏi, liên hệ với nhau chủ yếu qua điện thoại, không phải hiếm. Ít chia sẻ, ít giao tiếp giữa các thành viên khiến sợi dây liên kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Đặc biệt với người cao tuổi trong gia đình hiện rất dễ rơi vào trạng thái tủi thân, cô đơn, lạc lõng ngay trong chính căn nhà của mình.
Theo bà Hương, hiện đã có sự xuất hiện của kiểu gia đình mới: cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính. Đồng thời do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng.
GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cho hay với những đánh giá về thực trạng gia đình hiện nay cho thấy tỷ lệ bạo lực gia đình gia tăng, tỷ lệ ly hôn tăng, kéo theo việc chăm sóc, giáo dục con cái chểnh mảng, tỷ lệ bạo hành trẻ em cũng tăng.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lý nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình.
Để xây dựng gia đình với những giá trị cốt lõi "ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh", là thành trì vững chắc chống lại các tệ nạn xã hội hay tác động tiêu cực; thực sự là tổ ấm, là nơi mọi người cảm thấy thật sự thoải mái, hạnh phúc mỗi khi trở về, mỗi người phải có ý thức xây dựng, vun đắp cho gia đình của chính mình những giá trị tốt đẹp nhất trong gia đình.
Muốn vậy, trước tiên mỗi thành viên trong gia đình phải là những con người chuẩn mực, sống có trách nhiệm, thực hiện tốt bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đó là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Giữa vợ, chồng phải chung thủy, nghĩa tình; Giữa cha mẹ với con, ông bà với cháu phải gương mẫu, yêu thương; Con cái với cha mẹ, cháu với ông bà phải đề cao tính hiếu thảo, lễ phép; Anh chị em hòa thuận, chia sẻ.
Để phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trở thành nền tảng quan trọng để xây dựng chuẩn mực con người và các hệ giá trị Việt Nam phải đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp các giá trị gia đình thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm về phát triển gia đình… Qua đó cũng để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, thi đua xây dựng các gia đình văn hóa tiêu biểu mẫu mực.
Nhật Hạ (t/h)