Những người bốc vác cần mẫn nơi góc chợ. Ảnh: Trần Hằng
3 giờ chiều, trong cái nóng oi bức của những ngày hè, anh Trịnh Văn Lợi ở xã Hoằng Thanh đã có mặt tại chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương (phường Hạc Thành) để bắt đầu ca bốc hàng. Anh gù lưng, oằn vai vác từng bao tải hành, tỏi nặng hàng chục ký xuống sạp hàng. Làm “cửu vạn” hơn 10 năm qua, đôi vai anh đã trũng xuống, hai bàn tay chai sạn như đá. “Mỗi ngày tôi bốc hàng từ 3 giờ chiều đến hơn 9 giờ đêm, được khoảng 250.000 đồng. Có việc là mừng rồi. Nghỉ ngày nào là lo ngày đó”, vừa xốc lại bao tải trên vai, anh Lợi vừa giãi bày.
Vợ mất vì bạo bệnh khi con còn nhỏ, anh Lợi gồng gánh nuôi hai đứa con ăn học bằng chính những bước chân lam lũ, ngày nắng cũng như ngày mưa. “Tôi chỉ mong các con học nên người, đừng phải lao động chân tay như bố”. Giữa dòng đời hối hả, những người như anh Lợi luôn lặng thầm sống và lao động để dựng xây tổ ấm bằng chính mồ hôi, nỗi nhọc nhằn của mình.
4 giờ sáng, khi cả xóm còn chưa thức giấc, chị Nguyễn Thị Hảo, ở xã Thọ Bình đã lục tục chiếc xe máy cà tàng, chất lên đó những sọt hàng lỉnh kỉnh đầy mít quê, măng luộc, chè xanh, vải thiều, chuối... được gom từ các nhà dân trong xóm từ chiều hôm trước. “Mùa nào thức ấy, bà con trong làng ai có gì thì gọi mình tới lấy, mỗi thứ một ít cũng thành cả xe”, chị Hảo cười, tay vẫn thoăn thoắt buộc chặt các sọt hàng trước giờ lên đường.
Chị Hảo chọn một góc nhỏ trong chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương để bày hàng, chen chân giữa những gánh rau, xe thồ, tiếng rao và tiếng mặc cả. Từ lúc trời còn mờ sương đến tận giữa trưa, chị Hảo cần mẫn mời chào từng bó chè, nải chuối. Có hôm may mắn thì hàng hết sớm lúc 1 giờ chiều, chị còn có thời gian ghé mua túi gạo, ít thức ăn. Nhưng cũng có ngày ế ẩm, chị lại gom gọn gánh hàng, tất tả chở đến các khu công nghiệp, đứng chờ trước cổng để bán nốt.
“Hôm nào đắt hàng thì cũng 3 - 4 giờ chiều mới về đến nhà, người mệt rã rời. Mưa thì coi như lỗ nặng. Nhưng nghỉ một ngày là nhà mất một bữa cơm, nên phải cố thôi”, chị Hảo nói, mắt nhìn xuống phía mấy nải chuối và chục bó chè xanh còn chất trên xe.
Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, khi nhiều người tìm nơi tránh nóng, chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị vẫn miệt mài bên chiếc xe rác cũ kỹ, đẩy qua từng con phố. Mặc áo dài tay, đội nón lá, che kín mặt bằng khẩu trang và khăn chống nắng, chị thoăn thoắt quét dọn, gom từng túi rác treo hai bên xe. Suốt hơn 15 năm gắn bó với nghề, chị đã trải qua đủ ca kíp, khi là đêm khuya lạnh giá, lúc là ban ngày oi ả. “Làm ca nào cũng cực, nhưng quen rồi. Nhìn phố sạch, rác được thu gom đúng chỗ là thấy vui”, chị cười nhẹ, giọng khản đi vì bụi và nắng nóng. Công việc tuy vất vả, nhưng với chị Nga, đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
Những công nhân môi trường ngày đêm thầm lặng giữ gìn cho phố phường sạch đẹp.
Còn với anh Phạm Văn Thành, 38 tuổi, ở xã Thiệu Toán lại đang cùng đồng nghiệp đổ bê tông cho sàn nhà tầng 3. Áo thấm mồ hôi, khuôn mặt sạm nắng, anh Thành cho biết: “Công việc tuy vất vả nhưng có việc làm là tốt lắm rồi, mỗi ngày công được gần 400 nghìn đồng, thêm vài chục nghìn tiền làm thêm nữa là đủ cho con học hành, lo toan chuyện nhà”.
Vợ bị bệnh tim, anh Thành là trụ cột chính trong gia đình. Những hôm trời mưa, không làm được, anh lại nhận dọn dẹp, chở hàng thuê để không bỏ phí ngày công. “Chỉ mong còn khỏe mạnh, còn làm được thì vẫn cố. Bỏ việc là bữa cơm cũng theo đó mà mất”, anh tâm sự.
Có một thực tế đó là, từ anh “cửu vạn” đến người phụ nữ bán hoa quả, từ công nhân môi trường đến thợ hồ, đều gặp nhau ở điểm chung, là sự lặng lẽ, cần cù. Mỗi người một số phận, nhưng ai cũng nỗ lực vượt qua gian khó, không đầu hàng số phận. Có người làm nghề đã vài chục năm, có người chỉ mới bước vào, nhưng dù hoàn cảnh nào, họ đều chọn lao động như một cách để giữ phẩm giá và nuôi hy vọng.
Giữa cuộc sống vất vả mưu sinh, điều khiến chúng ta xúc động nhất là nghị lực, sự kiên cường, lạc quan và lòng tin vào ngày mai tốt đẹp hơn. Bởi, phía sau họ là cả một câu chuyện dài của tình thân, của hy sinh thầm lặng, của những bữa cơm đơn sơ nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười. Họ không chỉ mưu sinh, mà còn nuôi dưỡng niềm tin cho chính mình, cho gia đình và cho một xã hội đầy nhân văn.
Và có lẽ, trong một thời đại mà con người dễ bị cuốn theo những giá trị vật chất, thì chính những người lao động thầm lặng ấy, bằng bàn tay lấm lem và trái tim bền bỉ, đã nhắc chúng ta về ý nghĩa thật sự của lao động chân chính, của tình người và lòng tin chưa bao giờ tắt.
Trần Hằng