Trầm cảm sau sinh không phải là yếu đuối, càng không phải chuyện bình thường, rồi sẽ qua. Đây là một căn bệnh tâm lý cần được thấu hiểu, chia sẻ và điều trị kịp thời. Trong hành trình đó, người chồng chính là liều thuốc tinh thần quý giá nhất để người vợ có thể bình an trở lại với chính mình.
Trầm cảm sau sinh, bức tranh buồn ít người dám nói
Ảnh minh họa/ Nguồn internet
Sinh con được ví như một hành trình cận kề sinh tử. Nhưng vượt cạn về thể chất chỉ là một phần. Sau khi con chào đời, người mẹ bước vào một cơn bão mới: Sự thay đổi nội tiết tố, những cơn đau phục hồi, áp lực nuôi con, thiếu ngủ triền miên, cộng thêm nỗi lo về ngoại hình, tài chính, mối quan hệ hôn nhân…
Nhiều người vợ cười nói bình thường nhưng bên trong lại là hàng đêm nước mắt ướt gối, lo lắng, buồn vô cớ, sợ hãi, hoang mang về tương lai. Họ dễ bị trách móc: “Có gì mà buồn?”, “Ở nhà có mỗi việc chăm con mà than?”, “Người ta sinh 2-3 đứa còn chẳng sao…”. Chính sự thiếu hiểu biết và thờ ơ này khiến nhiều sản phụ tự giam mình trong vỏ ốc, âm thầm chịu đựng. Không ít bi kịch đau lòng đã xảy ra chỉ vì những dấu hiệu ban đầu không được lắng nghe, chia sẻ.
Vai trò của người chồng được xem như phao cứu sinh của vợ
Một trong những yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa và điều trị trầm cảm sau sinh là sự hỗ trợ tinh thần từ người bạn đời. Khi người chồng thực sự hiểu, chia sẻ và sát cánh, nguy cơ bệnh lý tâm thần sẽ giảm đáng kể, thời gian phục hồi của vợ cũng rút ngắn. Người chồng không thể thay thế bác sĩ, nhưng có thể là bác sĩ tinh thần, người duy nhất chạm tới những tổn thương sâu kín nhất của vợ bằng tình yêu và sự kiên nhẫn.
Nhận diện các dấu hiệu sớm
Trước tiên, người chồng cần quan sát để nhận ra vợ có thực sự ổn hay không. Một số dấu hiệu thường gặp:
Mất ngủ kéo dài, dù con ngủ vợ vẫn trằn trọc.
Thường xuyên cáu gắt, hay khóc vô cớ.
Lo lắng thái quá, sợ hãi khi chăm con.
Không còn hứng thú với những điều từng yêu thích.
Xa cách chồng con, ít giao tiếp.
Có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nhắc đến chuyện tự làm hại bản thân hoặc con.
Đừng chủ quan cho rằng sinh xong ai cũng thế. Nếu các biểu hiện kéo dài trên 2 tuần, hãy coi đó là lời kêu cứu.
Biết lắng nghe mà không phán xét
Một người chồng tốt không phải là người luôn giải quyết mọi việc, mà là người biết lắng nghe bằng tất cả sự kiên nhẫn. Khi vợ nói “em mệt mỏi”, “em chán quá”, đừng vội bảo “có gì đâu”, “thôi đừng nghĩ nữa”. Hãy để cô ấy được nói hết, khóc hết, trút hết áp lực. Một cái ôm, cái nắm tay hay câu nói “anh hiểu” có giá trị gấp nhiều lần những lời khuyên hời hợt.
Chia sẻ việc nhà, việc chăm con
Nhiều người chồng quan niệm: “Em nghỉ sinh ở nhà thì em lo”. Thực tế, việc trông trẻ, cho con bú, dỗ con khóc suốt đêm… tiêu hao sức lực kinh khủng. Nếu không được san sẻ, người mẹ sẽ kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần.
Hãy chủ động chia sẻ: Thay tã, tắm cho con, ru con ngủ; Thức đêm cùng vợ khi con quấy; Hỗ trợ việc nấu nướng, dọn dẹp; Thay vợ đi chợ hoặc thuê người giúp việc nếu có điều kiện…Chính hành động cụ thể này giúp người vợ được nghỉ ngơi, có thời gian phục hồi năng lượng.
Khuyến khích vợ ra ngoài, kết nối xã hội
Nhiều mẹ sau sinh “ở cữ” quá lâu, chỉ quanh quẩn 4 bức tường, dễ dẫn đến cảm giác tù túng. Người chồng có thể: Đưa vợ ra ngoài dạo mát, gặp gỡ bạn bè thân thiết; Gợi ý tham gia các hội nhóm mẹ bỉm, chia sẻ kinh nghiệm; Tạo điều kiện cho vợ làm những điều cô ấy thích: đọc sách, nghe nhạc, chăm sóc bản thân.
Đồng hành khi cần hỗ trợ y tế
Nếu thấy vợ có dấu hiệu trầm cảm nặng, đừng ngần ngại đưa cô ấy đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia trị liệu. Người chồng nên đi cùng, thể hiện sự đồng hành, tránh để vợ cảm thấy “bị coi là có vấn đề”.
Điều người chồng nên tránh
Tránh đổ lỗi: Đừng trách vợ yếu đuối, lười biếng hay “chỉ biết than thở”.
Tránh so sánh: “Nhìn người ta kìa…”. Mỗi người một hoàn cảnh, sự so sánh chỉ làm vợ thêm mặc cảm.
Tránh phủ nhận: Không xem nhẹ những dấu hiệu bất thường, vì trầm cảm không tự hết nếu không được can thiệp.
Một đứa trẻ chào đời cần cả cha và mẹ khỏe mạnh, đặc biệt là người mẹ. Muốn con được nuôi dưỡng trong môi trường hạnh phúc, người chồng cần là bờ vai vững chãi nhất để vợ an tâm hồi phục. Không ai sinh ra đã biết làm cha làm mẹ hoàn hảo. Nhưng chỉ cần cùng nhau học, cùng nhau làm, và cùng nhau đi qua những giai đoạn dễ tổn thương nhất, hôn nhân sẽ thêm bền chặt, và hạnh phúc sẽ đơm hoa từ chính những sẻ chia giản dị ấy.
Trương Hiền