Trong cuộc không chiến mô phỏng một chọi một, ngay cả các lập trình viên Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng, J-20 có chưa đến 10% cơ hội chiến thắng trước tiêm kích F-22 vốn cơ động và có khả năng tàng hình tốt hơn.
Tiêm kích tàng hình J-20. Ảnh: Wikipedia
F-22 Raptor của Mỹ được cho là hình mẫu tiêu chuẩn để đánh giá tất cả các máy bay chiến đấu trong hơn 20 năm qua. Tiêm kích này vẫn được coi là máy bay tốt nhất thế giới về khả năng không chiến, tàng hình, khả năng bay siêu hành trình, khả năng cơ động và hệ thống điện tử hàng không tích hợp.
Liệu J-20 có khả năng thay thế Raptor để trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hàng đầu thế giới? Các chuyên gia quân sự đã đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về hai dòng máy bay này.
Sức mạnh của tiêm kích J-20
Tiêm kích tàng hình J-20 do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô của Trung Quốc chế tạo, có tên gọi Fagin theo định danh của NATO. J-20 là một máy bay lớn, với sải cánh 13,2 mét, chiều dài 20,2 mét và trọng lượng cất cánh tối đa 37,4 tấn.
Nguyên mẫu J-20 đầu tiên được trang bị hai động cơ AL-31FM2 vốn dùng cho chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 của Nga. Nhưng các phiên bản sau này chuyển sang sử dụng động cơ WS-10B do Trung Quốc phát triển. Sự thay đổi này là một phần trong chiến lược của Trung Quốc chuyển đổi các phi đội chiến đấu sang sử dụng động cơ sản xuất trong nước. Khi sử dụng động cơ WS-10, J-20 đạt tốc độ tối đa Mach 2. Chiến đấu cơ này cũng được cho là đang thử nghiệm động cơ WS-15 mới, mạnh mẽ hơn.
Máy bay chiến đấu J-20 có khả năng mang theo nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, trong đó có tên lửa tầm cực xa PL-15, tên lửa tầm xa PL-21 và bom dẫn đường chính xác LS-6.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển phiên bản J-20S hai chỗ ngồi. Đây là máy bay chiến đấu tàng hình đa năng, tầm xa, có thể phối hợp với máy bay không người lái, qua đó hiện thực hóa khái niệm "người bạn đồng hành trung thành" mà Mỹ cũng đang thử nghiệm. Hiện tại, Trung Quốc có từ 270 đến 300 máy bay J-20.
Uy lực của tiêm kích “Chim ăn thịt” F-22
F-22 vẫn một trong những dòng máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới, nhưng thời hạn phục vụ của nó đang dần khép lại. Không quân Mỹ có kế hoạch thay thế tiêm kích này bằng tiêm kích F-35 và máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo F-47 vào năm 2030.
Ông Will Roper, Giám đốc Văn phòng Năng lực Chiến lược của Lầu Năm Góc cho biết: “Chúng tôi đã chế tạo và bay thử nghiệm một máy bay thế hệ thứ sáu hoàn chỉnh, đồng thời đã phá vỡ các kỷ lục trong quá trình chế tạo. Chúng tôi đã sẵn sàng phát triển máy bay thế hệ tiếp theo theo cách mà trước đây chưa từng có”.
Tiêm kích F-22. Ảnh: Wikipedia
Nhưng nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, quyết định dừng sản xuất tiêm kích F-22 Raptor trước thời hạn của Không quân Mỹ có thể là một sai lầm chiến lược, tạo ra khoảng trống nguy hiểm về tiêm kích ưu thế trên không.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của F-22 trong không chiến chính là khả năng điều hướng lực đẩy máy bay. Hai động cơ của nó có các vòi phun được thiết kế đặc biệt ở hai đầu, có thể di chuyển trên thẳng đứng để dẫn hướng lực đẩy của máy báy, do đó cho phép tiêm kích thực hiện những động tác nhào lộn ấn tượng, cũng như có góc tấn công cao trong cuộc giao tranh trong tầm nhìn của đối phương. Không quân Mỹ hiện có khoảng 150 chiếc F-22 sẵn sàng chiến đấu trong biên chế.
So sánh giữa J-20 và F-22
Mặc dù J-20 có thể mang tải trọng lớn, nhưng phần lớn tải trọng này được mang trên các giá treo bên ngoài, làm giảm khả năng tàng hình của máy bay. Do khoang máy bay có kích thước hạn chế nên nó chỉ có thể mang theo 4 tên lửa tầm xa bên trong.
Trái lại, F-22 có thể mang 6 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9X Sidewinder trong khoang vũ khí bên trong. Tiết diện phản xạ radar của J-20 lớn hơn F-22 Raptor khoảng 100 lần, chưa kể đến các loại vũ khí bổ sung trên giá treo. Điều này khiến khả năng tàng hình của J-20 bị hạn chế.
J-20 cũng không có pháo, nhiều khả năng do các nhà thiết kế không có ý định biến đây thành loại máy bay không chiến. J-20 phù hợp với vai trò của máy bay đánh chặn nhiều hơn, sử dụng tên lửa tầm xa để xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương bằng cách tấn công và bắn hạ các máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp nhiên liệu của đối phương.
F-22 có tốc độ tối đa khoảng 2.410 km/h (Mach 2.25) và J-20 cũng có tốc độ gần như tương đương nếu sử dụng động cơ WS-15 mới. F-22 có tầm hoạt động tương đối ngắn hơn với bán kính chiến đấu là 800 km, trong khi J-20 có thể duy trì bán kính chiến đấu khoảng 1.100 km. Bán kính chiến đấu của máy bay này có thể vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc và nó có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, mở rộng phạm vi hoạt động.
Để tăng tầm bay của máy bay thế hệ thứ năm, Không quân đang Mỹ nghiên cứu bình nhiên liệu phụ trợ ngoài phù hợp cho F-22 và F-35 mà không ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của máy bay, tương tự như những gì Israel đã làm với máy bay chiến đấu F-35I Adir của họ.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo National Security Journal